30/06/2020 10:10 GMT+7

Các dự án bất động sản ở Bình Dương bị điều tra, vì sao?

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TTO - Trước hàng loạt thông tin 'lùm xùm' về các dự án bất động sản tại Bình Dương, Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, thu thập hồ sơ, trong đó đã khởi tố một số vụ án và nhiều bị can để điều tra.

Các dự án bất động sản ở Bình Dương bị điều tra, vì sao? - Ảnh 1.

Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh VI, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Từ đây hé mở chuyện các sai phạm về đất đai, cho thấy các cá nhân hay doanh nghiệp không thể tự làm được mà đều có sự tiếp tay của cán bộ quản lý.

"Thâu tóm" thần tốc đất để làm dự án

Ông Trần Thanh Liêm - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành đã cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan 17 dự án bất động sản theo yêu cầu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an.

Tất cả 17 dự án này đều thuộc nhóm 4 công ty do gia đình bà Phạm Thị Hường (54 tuổi, ngụ TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) làm chủ, gồm: Công ty TNHH thương mại dịch vụ bất động sản Phú Phong, Công ty TNHH bất động sản Phú Hồng Thịnh, Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển đô thị VN và Công ty cổ phần Phú Gia Khiêm Land.

Tổng số lượng của 17 dự án nói trên lên tới hàng ngàn nền đất. Có thể kể đến các dự án như: khu nhà ở thương mại Phú Hồng Khang với tổng diện tích 3,4ha (tương đương 320 nền); Phú Gia Huy 3,7ha (329 nền); Phú Hồng Lộc 2,5ha; Phú Vinh 2,6ha (247 nền), Phú Huy 1,1ha (102 nền) và hàng loạt dự án được đặt tên Phú Hồng Thịnh (đánh số lần lượt từ 1 đến 10)...

Các dự án đều nằm ở các vị trí đắc địa của Thuận An và Dĩ An, là hai TP đông dân của Bình Dương, giáp với TP.HCM.

Hầu hết các dự án này đều có nguồn gốc là đất nhà máy, xí nghiệp thuê đất của Nhà nước để sản xuất kinh doanh. Trong đó có một dự án tại TP Dĩ An đang giao cho trung tâm đăng kiểm thuộc Sở GTVT tỉnh Bình Dương thuê nhưng sau đó đã bị lấy lại để làm khu dân cư. 

Sau khi nhận chuyển nhượng quyền thuê đất sản xuất, các công ty do gia đình bà Hường làm chủ đã xin chuyển mục đích để phân thành các nền đất ở và nhanh chóng được các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương chấp thuận.

Với cách làm này, chỉ trong vòng 3-4 năm trở lại đây, các công ty của gia đình bà Hường đã "thâu tóm" và tách thửa được hàng ngàn nền đất rồi bán cho người dân. 

Trong số đó nhiều dự án không làm hạng mục nhà ở xã hội mà xin chuyển toàn bộ để bán nhà ở thương mại (có đóng tiền chuyển đổi) đều đã được các cấp thẩm quyền của tỉnh Bình Dương nhanh chóng chấp thuận. Nổi bật như dự án khu nhà ở Phú Gia Huy, khu nhà ở thương mại Phú Hồng Khang, Phú Hồng Lộc...

Các dự án bất động sản ở Bình Dương bị điều tra, vì sao? - Ảnh 2.

4 người trong 1 gia đình sở hữu 1.059 sổ đỏ

Ngoài 17 dự án nói trên, Bộ Công an còn yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương cung cấp toàn bộ hồ sơ về việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp đối với 9 khu đất khác tại TP Thuận An. 

Các khu đất này cũng được nhiều cán bộ quản lý tiếp tay để bà Phạm Thị Hường phân lô trái quy định pháp luật.

Các khu đất trên được hình thành theo công thức: bà Hường mua các khu đất nông nghiệp lớn (tổng cộng là 9 khu với tổng diện tích hơn 101.000m2) nằm ở các phường An Phú, Bình Chuẩn, Lái Thiêu của TP Thuận An. 

Theo quy định của pháp luật và của UBND tỉnh Bình Dương, các khu đất muốn tách thửa sang đất ở phải có phương án trình cấp thẩm quyền phê duyệt, phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phù hợp quy hoạch...

Thế nhưng với việc tiếp tay xác nhận sai từ cán bộ địa chính phường, UBND phường và các phòng, ban chuyên môn và cả một phó chủ tịch UBND thị xã (nay là TP Thuận An), 9 khu đất nông nghiệp đã được "phù phép" thành 1.059 cuốn sổ đỏ với diện tích đất nhỏ rồi sau đó đã bán cho người dân. 

Theo kết luận kiểm tra của UBND tỉnh Bình Dương, việc phân lô, bán nền nói trên là việc làm vi phạm pháp luật, không chỉ hình thành nên các khu dân cư tự phát, không được đầu tư hạ tầng mà còn tạo nguy cơ gây thất thu thuế cho ngân sách.

Theo quy định, nếu doanh nghiệp muốn đầu tư dự án bất động sản thì phải chịu thuế thu nhập và nhiều khoản chi phí khác. 

Thế nhưng với chiêu "tách thửa bằng hình thức tặng, cho các con và phân chia tài sản vợ chồng" thì toàn bộ 1.059 nền đất của gia đình bà Hường đã được miễn thuế thu nhập và không phải nộp phí trước bạ.

Các dự án bất động sản ở Bình Dương bị điều tra, vì sao? - Ảnh 3.

Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Lộc - Phú Hồng Phát, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra tính toán nếu muốn tách thửa để bán đất, đáng lẽ gia đình bà Hường phải bỏ ra số tiền tới 41,4 tỉ đồng để chuyển mục đích và một số tiền lớn khác để đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng đã không phải bỏ số tiền này ra do sự tiếp tay của các cán bộ quản lý từ phường tới thị xã.

UBND tỉnh Bình Dương cho rằng có những dấu hiệu vi phạm pháp luật rất rõ như cho tách thửa diện tích đất nông nghiệp không đúng quy định (nếu là đất nông nghiệp phải tối thiểu 300m2/thửa nhưng các khu đất của gia đình bà Hường đã tách ra thành các nền đất nông nghiệp chỉ từ 42,3 - 136,2m2).

Đáng chú ý, chỉ trong vòng một năm, ông Đặng Văn Ba - khi đó là phó chủ tịch UBND thị xã Thuận An, phụ trách đất đai - đã ký 1.059 sổ đỏ chỉ cho bốn người trong gia đình bà Hường (gồm vợ chồng bà Hường và hai con).

Việc cho tách thửa, cấp sổ đỏ chỉ cho vài cá nhân với số lượng lớn, lặp đi lặp lại (có ngày ký tới 107 sổ đỏ cho 4 người trong gia đình bà Hường) nhưng ông Đặng Văn Ba vẫn "không thấy bất thường". 

Kết luận của UBND tỉnh Bình Dương cho rằng phó chủ tịch UBND thị xã Thuận An Đặng Văn Ba đã cố ý vi phạm quy định về đất đai. Khi sự việc sai phạm xảy ra, ông Ba tiếp tục tự ý "chỉ đạo cấp dưới làm sai trái, đã làm thất thu ngân sách nhà nước nhiều tỉ đồng".

Sự việc nghiêm trọng khiến UBND tỉnh Bình Dương phải chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương làm rõ. Tuy nhiên, suốt thời gian dài, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Viện KSND tỉnh Bình Dương chưa khởi tố hình sự. 

Tới nay C03 Bộ Công an thu thập hồ sơ để tiếp tục làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc phân lô, bán nền đã được cơ quan thanh tra chỉ ra.

Chưa cấm giao dịch

Ông Ngô Quang Sự - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương - cho biết hầu hết trong số 17 dự án được công an yêu cầu cung cấp hồ sơ đã được cấp sổ đỏ và chủ đầu tư đã chuyển nhượng cho khách hàng. Sở đã cung cấp toàn bộ hồ sơ theo yêu cầu của công an.

Về việc đảm bảo quyền lợi của người mua đất, tới nay sở chưa nhận được văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền về việc cấm hay hạn chế chuyển nhượng, giao dịch đối với 17 dự án nói trên.

* Ông Trần Thanh Liêm (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương):

Tỉnh mới xử lý hành chính

30620ongliem 2(read-only)

Sau khi thanh tra, thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật thì UBND tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ sang công an tỉnh xem xét. Tuy nhiên sau đó Công an tỉnh báo cáo là chưa đủ căn cứ xử lý hình sự. Vì vậy sau đó các tập thể, cá nhân sai phạm đã bị xử lý hành chính từ khiển trách tới cảnh cáo.

Nay Bộ Công an vào cuộc thì UBND tỉnh đã cung cấp hồ sơ theo yêu cầu. Các bước tiếp theo được xử lý như thế nào thì đó là thẩm quyền của bộ, chúng tôi sẽ phối hợp theo quy định pháp luật.

Bộ Công an vô cuộc điều tra hàng loạt dự án bất động sản ở Bình Dương Bộ Công an vô cuộc điều tra hàng loạt dự án bất động sản ở Bình Dương

TTO - Nhiều dự án “phân lô bán nền”, thậm chí phân lô cả đất quy hoạch công viên, tại Bình Dương bị Bộ Công an thu thập hồ sơ đề làm rõ dấu hiệu sai phạm.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên