19/07/2020 20:25 GMT+7

Các đại sứ Mỹ đồng loạt phản công: Trung Quốc đi tới đâu phá luật tới đó

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Lấy Biển Đông làm mở đầu, các nhà ngoại giao Mỹ đã gắn những vấn đề địa phương trong các bài xã luận và cảnh báo bất kỳ nước nào cũng có thể là nạn nhân kế tiếp cho tình trạng bất tuân luật quốc tế của Trung Quốc.

Các đại sứ Mỹ đồng loạt phản công: Trung Quốc đi tới đâu phá luật tới đó - Ảnh 1.

Tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông được kéo về cảng - Ảnh: AFP

Việc các đại sứ, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ ở ASEAN viết xã luận trên báo địa phương không phải là điều hiếm. Nhưng các bài đợt này đều có cùng một thông điệp rằng việc giải quyết vấn đề Biển Đông ra sao sẽ ảnh hưởng tới tất cả các nước khác.

Theo giới quan sát, khi đã đăng đàn trên các báo địa phương, đối tượng mà các nhà ngoại giao Mỹ hướng tới không phải là chính phủ sở tại, mà là người dân. Những bài này, theo sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hôm 14-7, trong đó bác bỏ yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc và lối hành xử ngang ngược của nước này.

Bài xã luận gần đây nhất là của ông George N. Sibley, đại biện Mỹ tại Myanmar. Trong bài viết đăng ngày 18-7 trên tờ Irrawady của Myanmar, ông Sibley đã kể ra những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Theo nhà ngoại giao Mỹ, mặc dù Myanmar có thể đang nghĩ tranh chấp Biển Đông là chuyện của những nước liên quan, cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông là rất đáng lo ngại và bất kỳ nước nào cũng có thể trở thành nạn nhân kế tiếp, trong đó có Myanmar.

Ông Sibley chỉ ra cách mà ông cho là Trung Quốc đang làm suy yếu chủ quyền Myanmar, đẩy thế hệ tương lai của nước này vào vòng nghiện ngập khi phần lớn ma túy đều đến từ biên giới phía bắc. Ông nói về các dự án cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên của Trung Quốc ở Myanmar đang diễn ra không kiểm soát, tàn phá môi trường và chỉ đem về lợi ích cho Bắc Kinh.

Các đại sứ Mỹ đồng loạt phản công: Trung Quốc đi tới đâu phá luật tới đó - Ảnh 2.

Sông Mekong đoạn chảy qua Thái Lan khô cạn trong đầu năm 2020 - Ảnh: AFP

Trước đó tại Thái Lan, đại sứ Michael George DeSombre cũng lên tờ Khaosod English chỉ ra việc Trung Quốc đang biến Mekong thành Biển Đông thứ hai. Thái Lan là một trong những nước có quan hệ thương mại gần gũi với Trung Quốc.

Trong bài viết khá dài, ông DeSombre nêu chi tiết về các sự kiện gần đây trên Biển Đông, bao gồm cả việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. 

"Những hành động này nằm trong cùng một mô hình. Trung Quốc đi tới đâu sẽ phá luật tới đó, tự tạo ra các sự thật và phá vỡ những lời hứa của chính mình", đại sứ DeSombre ghi nhận.

Nhà ngoại giao Mỹ lấy ngay ví dụ là việc Trung Quốc xây đập trên thượng lưu Mekong đã khiến mực nước tại nhiều con sông ở Thái Lan xuống mức thấp kỷ lục. 

Mặc dù Bangkok đã phản đối việc nổ mìn khơi dòng, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tác động tới dòng sông trên lãnh thổ Trung Quốc và tìm cách làm suy yếu Ủy hội sông Mekong để tối đa hóa lợi ích, bất chấp các nước hạ nguồn.

"Thái Lan không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng là nước hưởng lợi lớn từ tự do hàng hải. Giá trị thương mại hàng hóa của Thái Lan thường xuyên vượt quá 80% GDP và phần lớn trong số đó đều đi qua Biển Đông", đại sứ DeSombre nêu luận điểm để thuyết phục.

Tại Philippines, bài xã luận của đại sứ Mỹ Sung Kim nhẹ nhàng hơn khi tập trung vào các cam kết sẽ hỗ trợ bảo vệ môi trường biển, nhắc lại việc Trung Quốc đã tàn phá môi trường ra sao khi cải tạo trái phép đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Các bài xã luận trên cho thấy tùy thuộc vào tình hình mỗi nước và mối quan hệ giữa nước này với Mỹ, Trung Quốc mà các dẫn chứng có thể khác nhau. Tuy nhiên, lập luận chính vẫn không thay đổi: Sự bất tuân luật quốc tế của Trung Quốc, với minh chứng ngay trước mắt là Biển Đông, sẽ ảnh hưởng tới tất cả các nước về lâu dài.

Vấn đề Biển Đông từ lâu đã gây chia rẽ ASEAN giữa một bên là các nước có liên quan và bên còn lại là các nước có quan hệ thương mại mật thiết với Trung Quốc. Mỹ đã không kêu gọi các nước đứng về phe nào, bởi họ hiểu đó là điều bất khả thi.

Thay vào đó, các nhà ngoại giao Mỹ đã cố gắng lập luận và thuyết phục rằng các nước có lợi ích từ việc thượng tôn luật pháp quốc tế. 

Hành động cụ thể các nước có thể làm là phản đối các hành động trái luật của Trung Quốc trên Biển Đông. Bởi nếu dung túng cho hành vi bất tuân luật của Bắc Kinh, một ngày nào đó các nước im lặng sẽ là nạn nhân.

Những diễn biến dồn dập ở Biển Đông Những diễn biến dồn dập ở Biển Đông

TTO - Ít nhất 4 chiến đấu cơ Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông, giữa lúc Mỹ công khai hình ảnh diễn tập của bộ đôi tàu sân bay từng xuất hiện gần Hoàng Sa.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên