Cờ Trung Quốc và Hong Kong bên ngoài Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong - Ảnh: SCMP
Trong tuyên bố ngày 29-5, chính quyền Hong Kong cảnh báo việc Mỹ bỏ quy chế đặc biệt với Hong Kong sẽ là "con dao hai lưỡi", nhằm đáp lại tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng Hong Kong không còn đủ tự chủ trước Trung Quốc nên Washington có thể hủy bỏ quy chế đặc biệt dựa theo Đạo luật chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992 cho đặc khu này.
Những tuyên bố đơn giản như "không cần lo lắng" được trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam đưa ra sẽ chỉ khiến người ta lo lắng.
Bà Tara Joseph (chủ tịch AmCham ở Hong Kong)
"Con dao hai lưỡi"
"Bất cứ biện pháp trừng phạt nào cũng là con dao hai lưỡi, không chỉ tổn hại đến lợi ích của Hong Kong mà còn tổn hại đáng kể lợi ích của Mỹ" - tuyên bố của chính quyền Hong Kong nêu, nhắm đến khoảng 85.000 công dân Mỹ sống ở Hong Kong và hơn 1.300 công ty Mỹ đang hoạt động ở đặc khu hành chính này.
Theo một báo cáo năm 2019 của Bộ Ngoại giao Mỹ, gần như mọi công ty tài chính Mỹ đều có sự hiện diện ở Hong Kong, với số tài sản đang quản lý lên tới hàng trăm tỉ USD.
Tuyên bố trên được đưa ra cùng lúc với những chỉ dấu cho thấy các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài ngày càng lo lắng về tình hình Hong Kong. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tiếp tục giảm 0,81% trong phiên giao dịch sáng 29-5, sau khi giảm kỷ lục gần 5,6% cách đây một tuần khi xuất hiện thông tin về dự luật an ninh Hong Kong.
Hong Kong có một trong những cơ sở hạ tầng tốt nhất thế giới, là một điểm kết nối, thu hút nhiều tài năng.
Scott Salandy-Defour, nhà sáng lập công ty công nghệ sạch Liquidstar, cho biết ông đang xem xét chuyển hoạt động ra khỏi Hong Kong. Ông nói rằng kế hoạch áp dụng luật an ninh quốc gia với đặc khu này chính là "giọt nước làm tràn ly".
"Khi nói chuyện với các nhà đầu tư, nếu nói rằng chúng tôi là một công ty hoạt động ở Hong Kong, điều đó sẽ không còn thu hút như thời điểm cách đây một năm" - Scott Salandy-Defour chia sẻ. Còn Bob Broadfoot, giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu Tư vấn nguy cơ chính trị và kinh tế (PERC) ở Hong Kong, cho biết các công ty có thể sẽ chọn Singapore và những địa điểm khác thay vì Hong Kong xét về vấn đề pháp lý.
Tuy nhiên, một số khác lại không quá bi quan. Nhà nghiên cứu Andrew Bishop đến từ Công ty tư vấn nguy cơ Signum Global Advisors nói rằng Hong Kong vẫn là một địa điểm hấp dẫn với nhiều công ty. Ông nói những cuộc biểu tình năm ngoái đã cho các doanh nghiệp thời gian suy nghĩ. "Đến lúc này, việc tiếp tục hoạt động làm ăn ở Hong Kong đã trở thành một vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng, thay vì đưa ra một phản ứng vội vàng trước một cơn sốc bất ngờ" - ông Andrew Bishop nói.
Cánh cổng quý giá
Mỹ nhập khẩu gần 17 tỉ USD số hàng hóa và dịch vụ từ Hong Kong vào năm 2018, trong khi ở chiều xuất khẩu là 50 tỉ USD. Đây là một con số không đáng kể so với gần 740 tỉ USD số hàng hóa và dịch vụ trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc cùng năm. Do đó nếu Mỹ đối xử với Hong Kong giống như Trung Quốc đại lục chẳng hạn về mức thuế quan, điều đó không phải là nỗi lo lớn.
Nếu đem ra so sánh, theo Đài CNN, mối quan hệ thương mại giữa Hong Kong và Mỹ không "quý giá" bằng các cơ hội làm ăn khác mà thành phố này trao cho công ty nước ngoài, chẳng hạn khả năng hoạt động mà không chịu các hạn chế như tại Trung Quốc đại lục.
Kế đến, bất chấp nhiều nỗi lo gần đây, giới lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà phân tích nhấn mạnh mối quan hệ của Hong Kong với phương Tây là lâu dài và phức tạp. Việc hoàn toàn tách khỏi Hong Kong sẽ là điều khó khăn, theo Đài CNN. Họ cho rằng việc Washington thay đổi cách đối xử dành cho đặc khu này sẽ đụng chạm các "vấn đề phức tạp" như đãi ngộ thuế hay hợp tác pháp lý. "Các doanh nghiệp có thể sẽ di dời, còn vốn có thể sẽ bay đi. Nhưng điều đó có thể mất nhiều năm" - Ronald Wan đến từ Công ty Partners Capital International, đánh giá.
Bình luận trên báo South China Morning Post tuần này, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Hong Kong Tara Joseph cho rằng điều mà các công ty nước ngoài cần hiện nay là được cung cấp các chi tiết rõ ràng về luật an ninh Hong Kong để họ đưa ra các quyết định sắp tới ở Hong Kong. Theo bà Tara Joseph, việc mở đối thoại công khai và chân thật với các công ty nước ngoài là điều cần thiết.
"Không ai, gồm các công ty Mỹ, muốn chứng kiến Hong Kong thất bại trong vị trí một thành phố thương mại chủ chốt. Hong Kong đáp ứng mục đích độc nhất và quý giá, chính là cánh cổng giữa phương Đông và phương Tây" - bà Tara Joseph nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận