28/02/2019 09:20 GMT+7

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ cuối: Chính sách 'cấm tiếp xúc'

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Một số bộ tộc sống biệt lập đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Họ thường xuyên đối phó với hai hiểm họa, một là bệnh ngoại lai (bệnh tật từ bên ngoài mang vào) và hai là bọn phá rừng lấn đất.

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ cuối: Chính sách cấm tiếp xúc - Ảnh 1.

Thổ dân Txapanawa xuất hiện bên sông Xinane tháng 6-2014 - Ảnh: FUNAI

Họ ít tiếp xúc với bên ngoài nên không được khám sức khỏe thường xuyên và hệ miễn dịch không đủ mạnh để chống chọi với các bệnh như cúm, sởi, đậu mùa...

Bệnh ngoại lai và bọn "garimpero"

Cuối tháng 1-2019, Brazil đã cáo buộc nhà truyền giáo Tin Lành người Mỹ Steve Campbell có thể lây bệnh cho bộ tộc Hi-Merimã. Phía Brazil cho rằng cuối năm 2018, ông đã đến khu vực sinh sống cũ của bộ tộc Hi-Merimã để tìm cách tiếp xúc với họ.

Trong khi đó, ông Campbell giải thích ông chỉ đi ngang đất bộ tộc Hi-Merimã để đến gặp thổ dân Jamamadi hướng dẫn cách sử dụng GPS.

Quỹ Thổ dân quốc gia của Brazil (FUNAI) đang điều tra. Nếu kết quả điều tra chứng minh ông Campbell tiếp cận bộ tộc Hi-Merimã nhằm đạt được lợi ích nào đó, ông có thể bị kết tội - phạm tội ác diệt chủng.

Bộ tộc Hi-Merimã cư trú dọc sông Piranhas (bang Amazonas). Chưa rõ bộ tộc còn bao nhiêu người nhưng theo lần khảo sát cuối cùng vào năm 1943, họ còn khoảng 1.000 người. Họ tuyệt giao với thế giới bên ngoài và nổi tiếng thích xung đột với các bộ tộc lân cận, do đó khả năng miễn dịch rất hạn chế.

Về lý thuyết, chỉ cần họ mắc bệnh cảm cúm cũng đủ tử vong.

Vì thế, trong thập niên 1980, Chính phủ Brazil đã ban hành chính sách "cấm tiếp xúc" để bảo vệ các bộ tộc sống biệt lập khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Năm 2006, Peru đã thực hiện chính sách tương tự.

Hai nước đã lập các khu bản địa, cấm người ngoài xâm nhập, giám sát các lối vào và ngăn cản nếu thổ dân định tiếp xúc với bên ngoài.

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ cuối: Chính sách cấm tiếp xúc - Ảnh 2.

Thổ dân Yanomami quan sát bãi khai thác vàng của bọn "garimpeiro" trong khu bản địa bang Roraima (Brazil) tháng 4-2016 - Ảnh: Bruno Kelly

Theo một công trình nghiên cứu công bố năm 2014, trung bình 80% dân số một bộ tộc sống biệt lập sẽ tử vong sau lần tiếp xúc đầu tiên với người ngoài. Trong khi đó, tỉ lệ tăng dân số hằng năm của họ chỉ đạt 4%. Các bệnh ngoại lai là nguyên nhân gây tử vong đầu tiên.

Tại Peru, 50% bộ tộc Murunahua tử vong sau khi bị bọn khai thác lậu gỗ tiếp xúc vào giữa thập niên 1990.

Cuối tháng 6-2014, bảy thổ dân thuộc bộ tộc Txapanawa bên Peru vào làng thổ dân bên sông Xinane (Brazil) xin chuối ăn. Đây là lần đầu tiên họ tiếp xúc với bên ngoài. Ba tuần sau khi quay về Peru, bảy thổ dân đều mắc bệnh cúm. Sau đó, 59% bộ tộc tử vong do nhiễm cúm.

Tại Colombia, bộ tộc Nukak hoàn toàn không tiếp xúc với bên ngoài. Năm 1988, do nhiều băng vũ trang bất hợp pháp tấn công, khoảng 40 thổ dân rời khỏi rừng xuất hiện tại thị trấn Calamar. Sau đó, khoảng 50% bộ tộc Nukak tử vong do các bệnh phổi, sởi, sốt rét, cảm cúm.

Đến nay họ vẫn tiếp tục dễ mắc các chứng bệnh hô hấp cấp tính và đang trên đà tuyệt chủng.

Đối với thổ dân Yanomami sống giữa miền bắc Brazil và miền nam Venezuela, mối đe dọa chính là bọn "garimpeiro" (bọn đào vàng). Năm 1993, báo chí quốc tế đã rầm rộ đưa tin về vụ thảm sát làng Haximu.

Bọn "garimpeiro" ra tay sát hại 16 thổ dân Yanomami, trong đó có người già, phụ nữ và trẻ em.

Gần đây, vào tháng 8-2017, bọn "garimpeiro" đã sát hại 19 thổ dân thuộc một bộ tộc vô danh tại Brazil. Vụ sát hại sẽ không được biết đến nếu như chúng không "rượu vào lời ra" trên bàn nhậu. FUNAI đã bắt giữ hai tên "garimpeiro".

Trong cuộc chạy đua khai thác vàng bùng nổ vào cuối thập niên 1980, 40.000 tên "garimpeiro" đã góp phần tiêu diệt 2.000 thổ dân Yanomami, tức 20% dân số bộ tộc. Các vũng nước tù do chúng phá rừng đào đắp là ổ dịch truyền bệnh sốt rét.

Các bộ tộc sống biệt lập rất nhạy cảm về dịch tễ học. Bệnh lành tính như cảm cúm cũng có thể gây hậu quả thảm khốc.

Nhà nghiên cứu Pháp François-Michel Le Tourneau

Giá máu bảo vệ rừng

Ngoài bọn khai thác vàng trái phép, các bộ tộc sống biệt lập còn bị bọn lâm tặc, bọn lấn chiếm đất và bọn đầu cơ đất rừng hăm dọa.

Ông Jorginho Guajajara, 56 tuổi, là thổ dân bộ tộc Guajajara, trưởng làng trong khu bản địa Araribóia (Brazil). Ngày 11-8-2018, thi thể ông được tìm thấy bên sông. Cảnh sát kết luận nạn nhân say rượu chết đuối. Song những người quen biết nạn nhân khẳng định nạn nhân bị ám sát.

Guajajara là dân tộc bản địa đông nhất Brazil. Bộ tộc này càng nổi tiếng khi năm 2018, lần đầu tiên bà Sonia Guajajara là thổ dân bộ tộc ra ứng cử phó tổng thống. 12.000 thổ dân thuộc hai bộ tộc Guajajara và Awá cư trú trong khu bản địa Araribóia rộng 413.000ha.

Người Guajajara ý thức bộ tộc Awá rất dễ bị tổn thương. Nếu rừng bị hủy diệt, bộ tộc Awá sẽ diệt vong. Đó là nguyên nhân đội bảo vệ rừng của thổ dân mang tên "Đội bảo vệ Guajajara" ra đời.

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ cuối: Chính sách cấm tiếp xúc - Ảnh 4.

Phụ nữ bộ tộc Awá cho thú rừng bú - Ảnh: Domenico Pugliese

Đội bảo vệ rừng gồm khoảng 50 người. Nạn nhân Jorginho Guajajara đã từng tham gia đội này. Họ chia ca thường xuyên tuần tra giám sát ranh giới khu bản địa và ngăn chặn thổ dân tiếp xúc với bên ngoài.

Nếu gặp bọn lâm tặc, họ sử dụng máy định vị GPS xác định vị trí khu vực rừng bị phá rồi chuyển thông tin cho chính quyền xử lý.

Trong quá trình tuần tra, họ đã nhiều lần bắt giữ bọn lâm tặc, đốt xe chở gỗ lậu, sau đó trục xuất chúng khỏi rừng. Chính quyền có hỗ trợ cho họ tiền bạc và trang thiết bị nhưng chẳng là bao.

"Đội bảo vệ Guajajara" đã nhiều lần bị bọn lâm tặc tấn công. Từ đầu thập niên 2000 đến nay đã có 80 thổ dân Guajajara thiệt mạng. Chuyện bị hăm dọa xảy ra như cơm bữa.

Thỉnh thoảng lại xảy ra một vụ phóng hỏa có dấu hiệu tội phạm. Song nhờ có đội bảo vệ rừng, bọn lâm tặc ngày càng khó làm ăn hơn trong khu bản địa Araribóia.

Ông Stephen Corry - giám đốc tổ chức phi chính phủ Survival International - nhận xét: "Khu bản địa là thành trì tốt nhất chống phá rừng. Các dân tộc bản địa là những người bảo vệ môi trường và người bảo vệ thiên nhiên tốt nhất".

Nhà nhiếp ảnh Tommaso Protti người Ý đã từng theo chân "Đội bảo vệ Guajajara" đi tuần tra. Anh khẳng định: "Theo các chuyên gia môi trường, giao quyền cho các bộ tộc bản địa là cách giữ đất rừng hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất".

Bộ tộc xem thú rừng như con

Bộ tộc Awá chỉ còn chừng 350 người, trong đó có khoảng 80 thổ dân sống biệt lập hoàn toàn.

Trước đây bộ tộc Awá sống định cư. Trong thế kỷ 19 và 20, họ liên tục chạy trốn để khỏi bị giết hoặc bị bắt làm nô lệ, từ đó họ phải sống đời du mục, chủ yếu săn bắt, hái lượm. Họ xem thú rừng như thú nhà.

Phụ nữ cho sóc, khỉ bú chẳng khác gì trẻ con.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên