25/02/2019 13:35 GMT+7

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 3: Phát hiện lớn từ một tiếng cười

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Vài năm trước, FUNAI ước tính bộ tộc Kawahiva còn khoảng 50 thổ dân nhưng hiện nay có thể họ chỉ còn từ 25-40 người.


Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 3: Phát hiện lớn từ một tiếng cười - Ảnh 1.

Ông Jair Candor đã tiếp xúc với hai thổ dân Piripkura năm 1998 - Ảnh: FUNAI

Nếu không có tiếng họ cười, đoàn khảo sát đi cách họ 30m chắc không phát hiện ra họ.

Ông Jair Candor (điều phối viên của FUNAI)


Quỹ thổ dân quốc gia Brazil (FUNAI) tiếp xúc lần đầu với bộ tộc Piripkura vào cuối thập niên 1980. Lúc bấy giờ bộ tộc còn khoảng 20 người. FUNAI đã lập được đầu mối tiếp xúc với ba thổ dân nhưng không rõ bộ tộc còn người nào nữa sống sót...

Từ một tiếng cười, tìm thấy một bộ tộc

Ông Jair Candor - điều phối viên của FUNAI phụ trách bộ tộc Piripkura - kể lại cuộc tiếp xúc năm 1998: 

"Tôi yêu cầu canô chạy lên thượng nguồn sông Garcinha. Chúng tôi nghe có tiếng cười trong bụi cây và quan sát thấy có dấu chân trên bờ sông. Tôi bước xuống canô và chờ đợi. Tôi sẽ không bao giờ quên cuộc gặp này. Khi hai thổ dân bước ra từ đám lá, lập tức tôi bỏ chạy. Thổ dân nhiều tuổi hơn đe dọa tôi nhưng rồi họ nhanh chóng hiểu ra chúng tôi không làm hại họ. Hai thổ dân đi theo phiên dịch cho chúng tôi đã trò chuyện với họ. Họ đồng ý theo chúng tôi về trại tiền trạm. Nếu không có tiếng họ cười, đoàn khảo sát đi cách họ 30m chắc không phát hiện ra họ".

Cuối thập niên 1930, nhà dân tộc học Đức Curt Nimuendajú và nhà nhân chủng học Pháp Claude Lévi-Strauss đã biết có một bộ tộc nói thổ ngữ Tupi-Kawahib sống trong khu vực sông Garcinha nhưng không ai gặp được. Bởi thế, cuộc gặp gỡ các thổ dân Piripkura bất ngờ vào năm 1998 được xem là một phát hiện lớn.

Thổ dân lớn tuổi tên Tucan, khoảng 50 tuổi. Khi về đến trại tiền trạm, ông than đau bụng dưới. Cô y tá trong đoàn khảo sát nhận thấy nước tiểu của ông sậm màu nên đưa đi bệnh viện. Bác sĩ phẫu thuật cho biết bàng quang của Tucan đã hoại tử và chậm một tuần ắt sẽ chết. 

Sau 15 ngày sống trong thành phố, Tucan lại mắc bệnh thủy đậu. Thổ dân còn lại tên Mande-I khoảng 35 tuổi sống trong trại tiền trạm được một tuần rồi có lẽ cảm thấy buồn chán nên quay về rừng.

Trong quá trình bình phục, Tucan đã cung cấp nhiều thông tin về bộ tộc Piripkura. Qua người phiên dịch, ông kể lại chuyện gia đình bị thảm sát: "Nhóm thổ dân chúng tôi dùng thuyền vượt qua con sông lớn. Họ vừa đến bên kia sông, những người da trắng bắt đầu bắn. Nhiều người chết. Những người khác hoảng sợ bỏ chạy bằng thuyền. Người da trắng rượt theo đến tận làng. Tôi đang ở trên cây cao lấy mật nên nhìn thấy hết. Tôi vội vàng leo xuống ẩn nấp và quan sát từ xa. Người da trắng cột tay những người trong gia đình tôi và lần lượt chặt đầu. Họ đặt đầu bên cạnh thi thể rồi đốt".

Tucan bỏ chạy vào rừng, sau đó gặp Mande-I và vài thổ dân sống sót khác. Tucan và Mande-I không có cung tên nên chỉ có thể săn mồi bằng khúc cây hoặc con dao tìm thấy bên đường mòn. Họ chạy trốn như thế cho đến khi gặp đoàn khảo sát của FUNAI. Sau khi xuất viện, Tucan quay về rừng như Mande-I. Hiện nay, bộ tộc Piripkura chỉ còn ba thổ dân, trong đó chỉ có hai thổ dân đang tiếp tục sống biệt lập.

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 3: Phát hiện lớn từ một tiếng cười - Ảnh 3.

Hình ảnh hiếm hoi của thổ dân Kawahiva được ghi lại năm 2011 - Ảnh: FUNAI

Băng ghi hình hiếm hoi về bộ tộc Kawahiva

Cách nơi đoàn khảo sát của FUNAI gặp hai thổ dân Piripkura khoảng 70km hiện nay là khu bản địa Rio Pardo dành cho bộ tộc Piripkura và bộ tộc Kawahiva. Hai bộ tộc này có nhiều điểm tương đồng vì cùng sống du mục, nói chung thổ ngữ Tupi-Kawahib, kiểu cắt tóc và cách chế tác đầu mũi tên giống nhau. Thông tin về bộ tộc Kawahiva rất ít bởi họ không tiếp xúc với các bộ tộc đã biết khác và thường xuyên thay đổi chỗ ở.

FUNAI phát hiện bộ tộc Kawahiva từ năm 1999. Sáu năm sau, FUNAI tìm thấy các chỗ dựng lều của thổ dân Kawahiva với dụng cụ nấu ăn và thực phẩm. Các nhà nghiên cứu thu thập thông tin từ các lều bỏ hoang này. Đến năm 2011, đoàn khảo sát của FUNAI đã may mắn ghi hình được bộ tộc Kawahiva.

Băng ghi hình cho thấy chín thổ dân Kawahiva trần truồng đi trên con đường mòn, có lẽ họ chuẩn bị đi săn hoặc tìm nơi hạ trại. Những người đàn ông cầm cung tên. Trong nhóm có một phụ nữ mang thai và một phụ nữ khác địu con trên lưng. Người phụ nữ địu con phát hiện có người quay phim đã la to: "Tapui" (nghĩa là "Kẻ thù kìa"). 

Cả nhóm định ẩn nấp nhưng khi nhìn thấy nhóm quay phim không có vẻ gì đe dọa, họ bèn rút lui vào rừng, để lại một người bọc hậu quan sát người lạ từ bụi rậm. Vào lúc ghi hình, sức khỏe nhóm thổ dân trông có vẻ ổn.

Trung tuần tháng 8-2013, FUNAI đã công bố băng video về bộ tộc Kawahiva. Đây là hình ảnh đầu tiên về bộ tộc sống biệt lập này. Các bộ tộc lân cận gọi họ là "người đầu đỏ" hay "người lùn". Do thường xuyên di chuyển, họ không có nhiều con, không thể trồng trọt gì lâu dài, chỗ ở dựng tạm bợ và sống chủ yếu dựa vào săn bắt lợn lòi, khỉ, chim bằng cung tên và làm bẫy bắt cá. 

Vài năm trước, FUNAI ước tính bộ tộc Kawahiva còn khoảng 50 thổ dân nhưng hiện nay có thể họ chỉ còn từ 25-40 người. Dân số trước kia rất đông nhưng trong thế kỷ 20 họ đã bị những kẻ chiếm đất sát hại. Một số khác tử vong do bệnh tật và điều kiện sống khắc nghiệt trong bối cảnh chạy trốn liên tục.

Khu bản địa Rio Pardo dành cho hai bộ tộc Piripkura và Kawahiva mới được thành lập năm 2016, tọa lạc tại thị trấn Colniza (bang Mato Grosso). Trong thập niên 1970, các vụ thảm sát dân bản địa vẫn thường xảy ra. Tình hình bộ tộc Kawahiva nguy hiểm đến mức lần đầu tiên vào năm 2005, một công tố viên được chỉ định điều tra về tội ác diệt chủng đối với bộ tộc này. Sau đó, 29 người bị bắt vì tình nghi sát hại thổ dân, trong đó có một thống đốc và một sĩ quan cảnh sát cấp cao. Rốt cuộc tất cả đều được trả tự do vì không đủ chứng cứ kết tội.

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 3: Phát hiện lớn từ một tiếng cười - Ảnh 4.

Hai thổ dân Mande-I và Tucan thuộc bộ tộc Piripkura trong thời gian tiếp xúc với bên ngoài - Ảnh: FUNAI

4 bộ tộc sống biệt lập bị đe dọa nhất Brazil

Theo thống kê của FUNAI, tại Brazil còn 817.962 dân bản địa thuộc 305 sắc tộc, sử dụng 274 thổ ngữ. Brazil có số bộ tộc sống biệt lập nhiều nhất thế giới. FUNAI đã ghi nhận có 114 dấu hiệu nhận dạng các bộ tộc sống biệt lập, đặc biệt tại bang Amazonas gần biên giới Peru. Trong đó có 27 bộ tộc đã được xác định.

Chính phủ Brazil đã dành 13% diện tích lãnh thổ cho các dân tộc bản địa. Bộ tộc Kawahiva và bộ tộc Piripkura là hai trong bốn bộ tộc sống biệt lập bị đe dọa nhiều nhất tại Brazil. Hai bộ tộc còn lại là bộ tộc không tên với một người duy nhất còn sống ở bang Rondônia và bộ tộc Korubo sống trong thung lũng Javari thuộc bang Amazonas.

Kỳ tới: Bộ tộc những chiến binh ngạo mạn Mashco-Piro

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên