Túp lều của "người sống trong hố" - Ảnh: FUNAI
Sống một thân một mình và thường xuyên lẩn trốn vì sợ bị phát hiện, đó là cuộc sống thường nhật của người duy nhất còn sống sót của một bộ tộc đã diệt vong tại Brazil. Ông sống đâu đó trong khu bản địa Tanaru thuộc bang Rondônia.
Cuối tháng 7-2018, Quỹ Thổ dân quốc gia của Brazil (Fundação Nacional do Índio, viết tắt là FUNAI) đã tiết lộ hình ảnh chưa từng công bố về người đàn ông này. Ông ta không có tên, bộ tộc ông cũng không có tên và không ai biết ông nói thổ ngữ gì.
Các bộ tộc sống biệt lập không phải là di vật người nguyên thủy. Họ là người cùng thời với chúng ta và có nguy cơ gặp thảm họa nếu mất đi lãnh địa.
Ông STEPHEN CORRY (giám đốc Tổ chức Survival International)
Người đàn ông cô độc nhất thế giới
Người sống sót cuối cùng của một bộ tộc vô danh đã diệt vong tại Brazil - Ảnh: FUNAI
FUNAI đã ghi hình ông bảy năm về trước, nhưng giữ kín để bảo vệ ông. Đoạn băng video ngắn được quay lén từ xa một cách tình cờ. Hình ảnh cho thấy một người đàn ông đóng khố, tóc dài tới gối cầm rìu chặt cây trong rừng.
Altair Algayer, điều phối viên của FUNAI phụ trách tổ giám sát, nhận xét: "Ông ấy có sức khỏe và thể lực tốt".
Các nhà nhân loại học cho rằng ông khoảng 55-60 tuổi, sống cô độc trong rừng sâu 22 năm nay sau khi những kẻ lấn chiếm đất và lâm tặc thuê bọn giang hồ có súng ống tiêu diệt bộ tộc ông từ thập niên 1970.
Vụ tấn công cuối cùng vào cuối năm 1995 đã sát hại năm người còn lại của bộ tộc. Chỉ còn mình ông sống sót.
Tháng 6-1996, FUNAI hay biết sự việc nên tiến hành điều tra và tìm thấy căn chòi rơm bỏ hoang của ông. Từ đó FUNAI thành lập một tổ giám sát theo dõi từ xa một con người đồng thời thực hiện kế hoạch giám sát toàn khu vực để ngăn chặn bọn xấu làm hại ông.
Tổ giám sát nhiều lần tìm cách tiếp xúc với người đàn ông cô độc, nhưng rõ ràng ông ta không muốn giao tiếp. Năm 2005 ông từng bắn tên xuyên phổi một nhân viên FUNAI đến gần chòi. May mắn người này chỉ bị thương.
Tổ giám sát đã để hạt giống và các vật dụng cần thiết ở những địa điểm ông có thể tìm thấy để giúp đỡ ông từ xa.
Năm 2015, FUNAI khoanh vùng 3.000ha rừng dành riêng cho ông trong khu bản địa Tanaru giữa bốn bề là trang trại chăn nuôi và đồn điền. Nông dân trong vùng tỏ thái độ không bằng lòng. Tổ giám sát càng tăng cường công tác bảo vệ.
Năm 2009, bọn xấu đã từng nổ súng và ông may mắn thoát chết. Ông có vẻ tin tưởng tổ giám sát nên biết cách đánh dấu để họ tránh các hố bẫy thú của ông.
Ông có lẽ là người đàn ông cô độc nhất thế giới. Ông thường xuyên thay đổi chỗ ở. Các căn chòi dựng tạm bợ cho thấy ông biết trồng bắp, khoai mì, đu đủ, chuối, biết sử dụng bầu khô đựng nước và lấy nhựa cây làm đèn.
Ông thường săn heo rừng, chim chóc, khỉ bằng cung tên và bẫy thú bằng hố sâu khoảng 2m có cắm cọc nhọn. Chòi của ông cũng có đào hố bên trong. Các nhà nghiên cứu suy đoán hố đào trong nhà có thể là nơi cất giữ thú săn, chỗ trú ẩn hoặc liên quan đến tập tục tổ tiên nào đó của ông.
Do thiếu thông tin, FUNAI đã đặt biệt danh cho ông là "người sống trong hố" (índio do buraco).
Thuyền độc mộc và căn chòi của bộ tộc Flecheiros - Ảnh: FUNAI
Bộ tộc "người dùng cung tên"
Điều khiến tổ giám sát ngạc nhiên là ý chí sống còn của người này. Điều phối viên Altair Algayer nhận xét: "Ngay cả khi đã mất tất cả, mất bộ tộc và tập tục truyền thống, người đàn ông này đã chứng tỏ dù một mình trong rừng vẫn có khả năng sống sót".
Fiona Watson, giám đốc nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Survival International, nhận xét: "Ông ấy là biểu tượng cuối cùng về khả năng thích ứng và chịu đựng. Nhưng chúng ta đang chứng kiến trực tiếp nạn diệt chủng.
Một khi ông ấy ra đi, bộ tộc của ông ấy sẽ biến mất mãi mãi cùng với lịch sử và kiến thức của bộ tộc".
Tương tự người đàn ông cô độc là một bộ tộc vô danh cư trú trong khu bản địa thung lũng Javari thuộc bang Acre (Brazil).
Cuối tháng 8-2018, FUNAI công bố băng video ghi hình từ máy bay không người lái cho thấy vài thổ dân đi lại trong khoảnh rừng thưa. Trong số đó có một người đàn ông cầm cây cung dài và nhiều mũi tên bằng tre.
Bộ tộc mới phát hiện chỉ còn 16 người. Các nhà dân tộc học không rõ tên bộ tộc là gì và họ nói thổ ngữ nào nên đặt tên là bộ tộc Flecheiros, nghĩa là "người dùng cung tên" vì họ sử dụng thành thạo cung tên.
Nhiều ý kiến e ngại hai băng video được FUNAI công bố trong vòng một tháng sẽ kích thích những kẻ phiêu lưu truy tìm các bộ tộc sống biệt lập.
Điều phối viên Altair Algayer giải thích FUNAI công bố hai băng video với hi vọng bảo vệ các khu bản địa về mặt pháp lý và đánh động dư luận về điều kiện sống bấp bênh của các bộ tộc sống biệt lập ở Brazil.
Ông Bruno Pereira, giám đốc Phòng Các bộ tộc sống biệt lập của FUNAI, giải thích: "Công chúng càng thông hiểu, cuộc tranh luận càng sôi nổi và càng có cơ hội bảo vệ các bộ tộc ấy.
Sống giáp giới vùng nông nghiệp và các hoạt động như khai thác mỏ và rừng trong rừng Amazon, họ có thể sẽ biến mất trước khi được biết đến".
10 bộ tộc biệt lập nhất
Theo tổ chức phi chính phủ quốc tế Survival International (trụ sở chính ở Anh), trên thế giới có 370 triệu dân bản địa, trong đó có 150 triệu thổ dân cư trú tại hơn 60 quốc gia.
Cách đây 30 năm còn nhiều bộ tộc sống biệt lập ở khu vực Borneo, Thái Lan, Philippines, Úc nhưng dần dà họ đã giao tiếp với xã hội công nghiệp.
Hiện nay vẫn còn hơn 100 bộ tộc sống biệt lập, hầu hết cư trú ở Nam Mỹ, đặc biệt trong rừng Amazon tại Brazil (khoảng 60%).
Trong số này có 10 bộ tộc sống biệt lập hơn hết gồm bộ tộc Sentinel và bộ tộc Jarawa ở Ấn Độ, bộ tộc vô danh còn một người duy nhất và bộ tộc Korubo ở Brazil, bộ tộc Mashco-Piro ở Peru, các bộ tộc ở New Guinea, bộ tộc Pintupi Nine ở Úc, bộ tộc Ayoreo ở Bolivia, bộ tộc Carabayo ở Colombia và bộ tộc Wayampi ở Guyane.
Kỳ tới: Bộ tộc Sentinel và cái chết của nhà truyền giáo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận