27/11/2018 14:51 GMT+7

Bộ lạc Sentinel: ‘Ngoại giao dừa’ và lằn ranh đỏ dẫn tới ‘mưa tên’

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Chính phủ Ấn Độ từng nhiều lần nỗ lực bắt liên lạc với bộ lạc bí ẩn Sentinel bằng một trong những quà tặng quan trọng: Dừa.

Bộ lạc Sentinel: ‘Ngoại giao dừa’ và lằn ranh đỏ dẫn tới ‘mưa tên’ - Ảnh 1.

Vị trí đảo Bắc Sentinel ở Ấn Độ Dương - Ảnh: Historic Mysteries. Việt hóa: BÌNH AN

Nhà nhân loại học Ấn Độ T N Pandit có lẽ là người hiểu bộ lạc Sentinel ở đảo Bắc Sentinel nhiều nhất.

Theo BBC, là một người có vị trí quan trọng trong Bộ Bộ lạc Ấn Độ, ông Pandit từng có nhiều chuyến thăm tới bộ lạc bí ẩn này.

Bộ lạc Sentinel sống gần như tách biệt ở quần đảo Andaman và Nicobar trong hàng chục ngàn năm qua. Họ trở thành tâm điểm chú ý sau khi bắn "mưa tên" khiến công dân Mỹ John Allen Chau thiệt mạng.

‘Ngoại giao dừa’

Sau cái chết của anh chàng 27 tuổi, bộ lạc Sentinel bị đánh giá là không thân thiện với người ngoài.

Tuy nhiên, ông Pandit cho biết theo kinh nghiệm của ông, bộ lạc này nhìn chung "yêu hòa bình". Do đó, việc dùng những tính từ kiểu "hung hãn" để nói về bộ lạc này là không công bằng.

"Trong những lần tiếp xúc với chúng tôi, bộ lạc Sentinel có đe dọa, nhưng chưa từng đi đến mức giết người hay làm bị thương người khác. Khi họ kích động, chúng tôi sẽ lùi bước", ông Pandit chia sẻ.

Nói về John Allen Chau, nhà nhân loại học 83 tuổi bày tỏ: "Tôi rất buồn vì cái chết của chàng trai trẻ người Mỹ. Nhưng cậu ta đã sai lầm. Cậu ta vốn có đủ cơ hội cứu mình, nhưng lại bất chấp và phải trả giá bằng tính mạng".

Bộ lạc Sentinel: ‘Ngoại giao dừa’ và lằn ranh đỏ dẫn tới ‘mưa tên’ - Ảnh 2.

Ông Pandit tặng dừa cho thổ dân Sentinel trên đảo Bắc Sentinel năm 1991 - Ảnh: T N PANDIT

Lần đầu tiên ông Pandit đặt chân đến đảo Bắc Sentinel là năm 1967, cùng một đoàn thám hiểm. Ban đầu, các thổ dân Sentinel ẩn trốn trong rừng. Trong những lần sau đó, bộ lạc này đã lộ diện ở khu vực bờ biển.

Ông Pandit cho biết trong những chuyến đi thời điểm đó, các nhà nhân loại học thường mang theo nhiều vật dụng và thức ăn để cố gắng bắt liên lạc với các thổ dân Sentinel.

"Chúng tôi đã mang tới nhiều món quà như bình lọ, xoong chảo, một lượng lớn dừa và các dụng cụ sắt như búa và dao. Chúng tôi cũng đi cùng ba thổ dân Onge (một bộ lạc khác) để giúp ‘dịch’ lời nói và hành vi của bộ lạc Sentinel", ông Pandit kể lại.

Nhà nhân loại học kể: "Tuy nhiên, các thành viên bộ lạc Sentinel đối mặt với chúng tôi bằng sự giận dữ. Họ trang bị cung tên để sẵn sàng bảo vệ vùng đất của họ".

Bộ lạc Sentinel: ‘Ngoại giao dừa’ và lằn ranh đỏ dẫn tới ‘mưa tên’ - Ảnh 3.

Nhà nhân loại học Pandit hiện đã 83 tuổi - Ảnh: INDIAN EXPRESS

Mặc dù vậy, đoàn thám hiểm vẫn để lại các món quà để xây dựng quan hệ với bộ lạc bí ẩn. Có lần bộ lạc Sentinel từ chối quà dứt khoát khi đoàn thám hiểm để lại một con lợn trên đảo. Bộ lạc đã dùng tên bắn chết con lợn này và chôn nó xuống cát.

John Chau vượt lằn ranh đỏ?

Sau một số chuyến đi bất thành, đoàn thám hiểm Ấn Độ đạt được thành công đầu tiên vào năm 1991 khi bộ lạc tiến ra xa bờ biển để tiếp cận một cách thân thiện.

"Chúng tôi bối rối, không hiểu tại sao họ lại cho phép đến gần. Chúng tôi nhảy khỏi tàu và phân phát cho họ dừa cùng các món quà khác. Nhưng chúng tôi không được phép bước lên đảo", ông Pandit nhớ lại.

Nhà nhân loại học người Ấn Độ cho biết đoàn thám hiểm đã tìm cách giao tiếp với bộ lạc nhưng không thành công.

Bộ lạc Sentinel: ‘Ngoại giao dừa’ và lằn ranh đỏ dẫn tới ‘mưa tên’ - Ảnh 4.

Ông Pandit (phải) đưa quà cho các thổ dân Sentinel bên ngoài bờ biển đảo Bắc Sentinel năm 1991 - Ảnh: PANDIT

Ông tiết lộ một câu chuyện có khả năng liên quan tới cái chết của John Allen Chau. Trong chuyến đi đó, một thành viên trẻ của bộ lạc đã dọa giết ông Pandit nếu ông vượt "lằn ranh đỏ".

"Trong lúc tặng dừa cho bộ lạc, tôi tách đoàn và bắt đầu tiến gần bờ biển. Một cậu bé Sentinel liền rút con dao và ra hiệu sẽ cắt đầu tôi. Ngay lập tức, tôi đã gọi đoàn thám hiểm và rút ra xa nhanh chóng. Cử chỉ của cậu bé thật đặc biệt. Cậu ấy rõ ràng muốn nói rằng tôi không được hoan nghênh", ông Pandit chia sẻ.

Cái chết của John Chau có thể liên quan đến "lằn ranh đỏ" này. Anh đã "giẫm" lên bất chấp các tín hiệu phản đối của bộ lạc Sentinel. Theo hãng tin AFP, các ngư dân nhìn thấy John Chau bị tấn công bằng tên, nhưng lúc đó anh vẫn tiếp tục đi vào đảo.

"Nói họ thù địch là cách nhìn không chính xác. Chúng ta mới là kẻ xâm lược. Chúng ta là những người tìm cách đi vào lãnh thổ của họ", ông Pandit nhận định với trên tờ Indian Express.

Từ sau chuyến đi năm 1991, chính phủ Ấn Độ không còn thực hiện các chuyến đi tặng quà như vậy và người ngoài cũng bị cấm tiếp cận hòn đảo. Hiện cảnh sát Ấn Độ đang tìm cách tiếp cận hòn đảo để lấy lại thi thể John Allen Chau.

Bộ lạc bắn Bộ lạc bắn 'mưa tên' vào du khách 'vì muốn được yên thân'

TTO - Tiếp xúc với thế giới bên ngoài là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy vong của các bộ lạc thổ dân sống cô lập. Chỉ một cái ho nhẹ cũng đủ để giết họ.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên