26/02/2019 13:21 GMT+7

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 4: Bộ tộc chiến binh ngạo mạn Mashco-Piro

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Nhà khảo cổ Diego Cortijo - thành viên Hội Địa lý Tây Ban Nha - cùng đoàn khảo sát đã đến Peru tìm kiếm các bức họa khắc trên đá dọc sông Madre de Dios lớn nhất miền nam Peru.

Đoàn khảo sát đã thuê Nicolás "Shaco" Flores, 65 tuổi, thổ dân bộ tộc Matsigenka, làm hướng dẫn viên. Flores kết hôn với một phụ nữ Mashco-Piro nên biết nói thổ ngữ đủ để giao tiếp với bộ tộc sống biệt lập Mashco-Piro. Trong nhiều năm ông đã giữ vai trò như người trung gian giữa bộ tộc này với thế giới bên ngoài...

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 4: Bộ tộc chiến binh ngạo mạn Mashco-Piro - Ảnh 1.

Thổ dân Mashco-Piro cắm chéo hai mũi tên cấm người lạ - Ảnh: Survival International

Đây là những bức ảnh quý giá nhất từ trước đến nay. Các thổ dân được chụp ảnh chỉ ở khoảng cách 120m.

Tổ chức Survival International nhận xét ảnh chụp của Diego Cortijo


Tính khí thất thường của thổ dân

Một ngày năm 2010, Nicolás "Shaco" Flores gặp một nhóm thổ dân Mashco-Piro trong lúc đánh cá trên sông. Ông tặng dao rựa cho họ rồi nói họ theo ông về nhà chơi. Sáng 16-11-2011, thổ dân xuất hiện bên kia sông Madre de Dios và gọi tên Flores. Từ trong nhà Flores, nhà khảo cổ Diego Cortijo đã tận dụng cơ hội sử dụng ống kính chụp xa chụp ảnh một gia đình thổ dân khoảng 10 người. Sáu ngày sau, không rõ vì lý do gì Flores đã bị thổ dân Mashco-Piro bắn tên trúng tim thiệt mạng trong lúc ông đang làm vườn.

Hay tin Flores bị giết, nhà khảo cổ Diego Cortijo không tin đó là sự thật. Ông nói: "Quả thật đây là cú sốc lớn". Ông giải thích thổ dân có thể giận dữ vì Flores không đáp ứng yêu cầu của họ. Hôm đó, khi nhìn thấy thổ dân ra hiệu bên kia sông, Flores có nói với ông: "Họ muốn tôi sang đó và cung cấp dao cho họ nhưng tôi không đi". Flores cho biết hội đồng bản địa khu vực có khuyên ông hạn chế tiếp xúc vì thổ dân có thể gây nguy hiểm cho ông và ông cũng có thể vô ý truyền bệnh cho họ.

Vài tháng trước khi bị sát hại, ông đã từng bị họ nhắm bắn hai lần nhưng không trúng. Người dân bản địa giải thích: "Khi thổ dân Mashco-Piro muốn điều gì mà bạn nói không, họ đe dọa sẽ bắn bạn. Nếu bạn hỏi họ quá nhiều hoặc hỏi đi hỏi lại họ cũng tức giận".

Theo nhà nhân loại học Glenn Shepard người Brazil, tính khí thất thường của thổ dân Mashco-Piro có thể do họ sợ khi Flores liên tục bày tỏ thái độ muốn tiếp cận. Các bộ tộc lân cận nói với ông trong nội bộ bộ tộc Mashco-Piro có bất hòa, vì thế các thổ dân muốn giữ lối sống biệt lập đã giết Flores bởi không muốn những người trong bộ tộc tiếp xúc với người ngoài.

Từ lâu bộ tộc Mashco-Piro được đánh giá là những chiến binh ngạo mạn nhất khu vực Amazon. Họ không muốn tiếp xúc với bên ngoài, không muốn bị chinh phục và là một trong các bộ tộc hiếu chiến nhất. Họ rất hung hãn nếu vô tình gặp người ngoài. Họ sẵn sàng tấn công hoặc để lại dấu hiệu dằn mặt ai đến gần họ. Họ đã nhiều lần bắn tên vào du khách và nhân viên kiểm lâm để cảnh cáo. Tháng 10-2011, một nhân viên kiểm lâm Peru đã trúng tên bị thương.

Bộ tộc Mashco-Piro chọn lối sống biệt lập vì cho rằng đây là cách sống sót duy nhất. Năm 1894, hầu hết bộ tộc đã bị đội quân của trùm cao su Carlos Fermin Fitzcarrald tàn sát trên sông Manu. Trong cơn sốt khai thác cao su từ năm 1879-1912, nhiều thổ dân đã bị bắt làm nô lệ khiến họ phải chạy sâu hơn vào rừng. Nhà nghiên cứu Glenn Shepard lưu ý: "Lịch sử tiếp xúc của bộ tộc Mashco-Piro in đậm dấu ấn sợ hãi đối với bạo lực và bóc lột".

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 4: Bộ tộc chiến binh ngạo mạn Mashco-Piro - Ảnh 3.

Ông Nicolás “Shaco” Flores (bìa trái) đã bị trúng tên tử vong vào tháng 11-2011 - Ảnh: exploringtraditions.com

Chiến lược "tiếp xúc có kiểm soát"

Đến nay rất khó biết bộ tộc Mashco-Piro có bao nhiêu người. Con số ước tính từ 600-800 thổ dân. Họ sống du mục, săn bắt, hái lượm, di chuyển theo từng nhóm gia đình. Mùa mưa nước dâng cao, họ rút sâu vào rừng. Đến mùa khô, họ ra bãi bồi dọc sông dựng lều đánh cá và thu gom trứng rùa.

Những năm gần đây xuất hiện hiện tượng thổ dân Mashco-Piro muốn tiến ra bên ngoài. Đây là hiện tượng lạ. Năm 2013, thổ dân xuất hiện hơn 100 lần tại các nơi có dân, đặc biệt dọc bờ sông. Họ mang theo cung tên dài gần 3m và dao. Tháng 6-2013, gần 100 thổ dân ra bờ sông Las Piedras tiếp xúc với dân làng ba ngày. Họ đòi chuối, dây và dao rựa, sau đó quay vào rừng.

Cuối năm 2014, khoảng 200 thổ dân Mashco-Piro đến làng Monte Salvado (tỉnh Tambopata). Họ đòi dân cung cấp lương thực và vật dụng như dây, nồi, dao rồi đập phá nhà, lấy đồ. Chính quyền phải tạm sơ tán dân làng. Năm 2015 xảy ra nhiều vụ thổ dân lén lút vào nhà dân lấy nồi, dao. Tháng 3-2015, họ bắn tên suýt trúng một phụ nữ. Hai tháng sau, 30 thổ dân tấn công và bắn tên giết chết một người dân bản địa. Cuối năm 2015, họ bắn tên như mưa vào những người dân đánh cá trên sông.

Các nhà nghiên cứu ghi nhận các bộ tộc sống biệt lập thường không hung hãn và họ chỉ phản ứng quyết liệt khi cảm thấy bị đe dọa. Có thể thổ dân Mashco-Piro bị áp lực từ bọn lâm tặc phá rừng, bọn buôn ma túy đi qua lãnh địa của họ và hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực. Bộ Văn hóa Peru đã khuyến cáo người dân không cung cấp thức ăn, quần áo cho thổ dân Mashco-Piro và không tiếp cận trực tiếp vì họ dễ nhiễm khuẩn khi tiếp xúc với bên ngoài.

Đầu tháng 8-2015, Chính phủ Peru đã thông qua chiến lược "tiếp xúc có kiểm soát" với nội dung hạn chế người ngoài đến con sông nơi thổ dân Mashco-Piro hay xuất hiện, tuyên truyền cho dân địa phương hiểu vấn đề và mở chiến dịch tiêm chủng. Sống biệt lập là biện pháp duy nhất bảo vệ bộ tộc Mashco-Piro. Nhà nhân loại học Glenn Shepard nhận xét: "Cái chết của Nicolás "Shaco" Flores là một bi kịch. Ông ấy là người tốt bụng, can đảm, thông minh. Ông ấy nghĩ mình có thể giúp bộ tộc Mashco-Piro. Không may họ lại quyết tâm muốn sống biệt lập".

Các bộ tộc biệt lập nhất thế giới - Kỳ 4: Bộ tộc chiến binh ngạo mạn Mashco-Piro - Ảnh 4.

Tháng 11-2011, nhà khảo cổ Diego Cortijo đã chụp những bức ảnh đầu tiên về bộ tộc Mashco-Piro ở cự ly gần nhất 120m - Ảnh: Diego Cortijo

16 bộ tộc sống biệt lập ở Peru

Tại Peru có 16 bộ tộc sống biệt lập với khoảng 4.500 thổ dân, trong đó có các bộ tộc Mashco-Piro, Mastanahua, Matsigenka, Murunahua, Cacataibos, Isconahua, Nanti và Yora. Ngoài ra còn có ba bộ tộc với 2.500 thổ dân thỉnh thoảng có tiếp xúc với bên ngoài. Các bộ tộc cư trú trong ba khu bảo tồn Ucayali, Madre de Dios và Cusc ở miền đông Peru.

Nói chung, các bộ tộc sống biệt lập ở Peru được bảo vệ tương đối khá hơn ở Brazil. Sống biệt lập thật ra chỉ là khái niệm mang ý nghĩa tương đối bởi các bộ tộc vẫn chú ý quan sát thế giới xung quanh. Thông thường họ vẫn sử dụng các công cụ bằng kim loại, chứng tỏ họ vẫn duy trì tiếp xúc với người ngoài qua hình thức nào đó.

Kỳ tới: Bộ tộc ăn thịt người

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên