29/10/2016 19:33 GMT+7

Cá rô phi dày đặc, nên thả thêm cá gì ở Nhiêu Lộc - Thị Nghè?

TƯỜNG HÂN ghi
TƯỜNG HÂN ghi

TTO - Theo PGS.TS Vũ Cẩm Lương, loài cá thả hiệu quả ở kênh là cá mùi (hường) vì cá có cơ quan hô hấp phụ, thích nghi tốt, ít chết và khó bị câu.

Rất nhiều cá rô phi chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tháng 5-2016 - Ảnh: Hữu Khoa
Rất nhiều cá rô phi chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tháng 5-2016 - Ảnh: Hữu Khoa

Liên quan lo ngại số lượng áp đảo của cá rô phi - loài ngoại lai tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nói riêng, ở ruộng đồng, sông rạch nói chung, PGS.TS Vũ Cẩm Lương, khoa thủy sản Đại học Nông lâm TP.HCM, cho biết:

Cá rô phi, cá chép là hai loài cá ngoại lai nhưng với khả năng phát tán nhanh, rộng nên một số người nhầm tưởng là loài bản địa.

Riêng cá rô phi được nhập về Việt Nam từ những năm 1950 với các giống rô phi đen, rô phi vằn, rô phi đỏ, rô phi dòng GIFT.

Cá rô phi ngoài tự nhiên hiện nay không còn loài thuần chủng ban đầu nữa.

Cá rô phi có thể phát triển nhanh và mạnh ở các thủy vực tự nhiên tại Việt Nam, có tập tính ấp trứng trong miệng và có sức sinh sản cao, dễ dàng chiếm ưu thế về mật độ trong quần xã các loài cá bản địa, có nguy cơ cạnh tranh thức ăn (phiêu sinh vật, mùn bã hữu cơ...) và môi trường sống với các loài cá bản địa.

Tuy nhiên, vì cá rô phi có tập tính ăn tạp thiên về thực vật nên không phải là loài cá dữ và không gây áp lực tiêu diệt các loài cá bản địa.

Trên quan điểm khoa học, các loài ngoại lai thường không được khuyến khích thả ra môi trường tự nhiên. Ở Việt Nam hiện nay đã thống kê được 41 loài thủy sản ngoại lai phát tán ra ngoài tự nhiên và được chia thành ba cấp độ nguy hại khác nhau.

Trong đó có những loài được xếp vào mức độ gây hại cao như cá hoàng đế (Cichla ocellaris), chim trắng (Stromateoides argenteus), lau kiếng (Hypostomus plecostomus) vì có khả năng phá vỡ cấu trúc quần xã và ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài bản địa.

Cá ngoại lai còn có nguy cơ gây suy thoái di truyền do lai tạp với loài địa phương, điển hình là mối nguy đến từ cá trê lai (cũng có mặt nhiều ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Ở thời điểm hiện tại, cá trê lai được xem là bất thụ (không khả năng sinh sản).

Tuy nhiên, đã có thông tin về việc lai tạp của cá trê lai với loài bản địa ở Thái Lan, mặc dù nghiên cứu hiện nay ở Trường đại học Cần Thơ chưa phát hiện ra hiện tượng đó.

Tóm lại, đối với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cá rô phi hiện không được khuyến khích thả thêm vì mật độ cá ở kênh đã vượt quá sức tải môi trường của thủy vực.

Ngoài ra cá rô phi và cá chép là những loài không có cơ quan hô hấp phụ, khi có sự cố môi trường và có sự thay đổi đột ngột về chất lượng nước, cá dễ bị sốc và chết.

Loài cá thả hiệu quả ở kênh là cá mùi (hường) vì cá có cơ quan hô hấp phụ, thích nghi tốt, ít chết và khó bị câu.

Có thể thả thêm cá trê vàng, tra, rô đồng, lóc là những loài cá bản địa và có cơ quan hô hấp phụ để chống chịu được với những biến động môi trường bất lợi ở dòng kênh...

TƯỜNG HÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên