Nguồn cung ứng vắc xin tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn từ đầu năm 2023, khi có thay đổi về cơ chế mua vắc xin. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe trẻ nhỏ khi đến kỳ tiêm vắc xin phòng bệnh.
TP.HCM phải đợi vắc xin về
Từ nhiều tháng nay, các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM và nhiều địa phương cứ hết dần, không được cung ứng kịp thời.
Nhiều người dân quan tâm đến trạm y tế để hỏi tiêm vắc xin cho con em họ nhưng nhân viên của trạm cũng chỉ biết trả lời hiện đang thiếu loại vắc xin này, vắc xin kia và khuyên họ chờ hoặc là đưa con em đi tiêm vắc xin dịch vụ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 22-11, ông Nguyễn Trung Hòa - giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp (TP.HCM) - cho biết cùng với tình hình chung của cả thành phố, các trạm y tế trên địa bàn quận đã cạn kiệt vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tại trạm y tế phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), đại diện trạm cho hay tình trạng cạn kiệt vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã xảy ra vài tháng nay, đến nay chỉ còn vắc xin viêm não Nhật Bản.
Nhiều phụ huynh đưa con đến trạm rồi đành quay về. Có không ít phụ huynh kiên nhẫn chờ đợi cho con được tiêm vắc xin miễn phí vì điều kiện kinh tế eo hẹp, không có khả năng cho con đi tiêm vắc xin dịch vụ.
Tương tự, trưởng trạm y tế một phường thuộc quận Bình Thạnh cho biết trạm này chỉ còn duy nhất vắc xin viêm não Nhật Bản. Và với tình hình chung này chắc một vài ngày nữa trạm cũng không còn vắc xin này để tiêm cho người dân.
Hà Nội không còn nhiều loại vắc xin
Tại Hà Nội, nhiều trạm y tế cũng thông báo không còn một số loại vắc xin, trẻ muốn tiêm vắc xin buộc phải đợi hoặc lựa chọn tiêm dịch vụ.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng thông tin một số loại vắc xin bị gián đoạn. Cụ thể, vắc xin DPT hết từ tháng 4-2023, vắc xin sởi đơn hết từ tháng 9-2023, viêm gan B hết từ tháng 10-2023. Đối với vắc xin 5 trong 1 còn đủ tiêm chủng đến tháng 12.
Vắc xin dịch vụ lại dư dả
Ngày 22-11, theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến hết ngày 21-11, tại TP.HCM đã không còn các vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT), IPV (bại liệt tiêm), viêm gan B, SII (DPT-VGB-Hib). Các vắc xin khác còn lại rất ít, chỉ đủ dùng trong một hoặc vài ngày tới. Đó là vắc xin sởi, bại liệt uống, lao, sởi - rubella (MR), uốn ván, viêm não Nhật Bản.
Nghịch lý thay, tại Viện Pasteur TP.HCM và nhiều trung tâm tiêm chủng tư nhân trên địa bàn vào chiều cùng ngày lại có gần như đầy đủ các loại vắc xin dịch vụ phòng bệnh cho trẻ.
Sở Y tế TP.HCM cho biết trước tình hình thiếu hụt vắc xin Chương trình tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế đã tham mưu UBND TP.HCM có văn bản báo cáo và đề nghị Bộ Y tế khẩn trương phân bổ vắc xin, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho người dân.
Trước đó, ngày 27-10-2023 Bộ Y tế đã có công văn phúc đáp kiến nghị của UBND TP.HCM. Công văn này nêu: "Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đang tiến hành mua sắm vắc xin. Sau khi có kết quả mua sắm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương sẽ tiến hành phân bổ cho TP.HCM và các địa phương trong thời gian sớm nhất".
Còn Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết các vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng sản xuất trong nước dự kiến sớm nhất có thể được cung ứng trở lại là cuối tháng 11-2023, còn các vắc xin nhập khẩu phải chờ đến cuối tháng 12-2023.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm nếu để thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng
Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo số 183/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương, trong đó có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế cần rà soát, thống kê nhu cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cân đối với nguồn viện trợ để đấu thầu cấp quốc gia hoặc đặt hàng theo đúng chỉ đạo tại thông báo số 26/TB-VPCP. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp để xảy ra tình trạng thiếu các loại thuốc, vắc xin này.
Tại sao cứ liên tiếp thiếu vắc xin?
Chia sẻ với báo chí về nguyên nhân xảy ra tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay theo quy định khi kết thúc Chương trình mục tiêu y tế - dân số và chuyển về nhiệm vụ thường xuyên của ngân sách địa phương thì trách nhiệm địa phương phải thực hiện từ năm 2023.
Trên cơ sở đó, Chính phủ và các bộ ngành cũng đã hướng dẫn các địa phương thực hiện. Năm 2022, Bộ Y tế đã làm dự toán kinh phí gửi các ngành để bổ sung kinh phí để làm, nhưng do vướng mắc trong quá trình chi thường xuyên của các địa phương nên chưa được thực hiện.
Để giải quyết tình huống cấp bách, Bộ Y tế đã trình Chính phủ cho phép tiếp tục sử dụng ngân sách trung ương để mua vắc xin trong chương trình. Đến ngày 10-7, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế, tiếp tục sử dụng ngân sách trung ương mua vắc xin tiêm chủng mở rộng.
Thế nhưng, đến nay sau hơn 4 tháng được đồng ý phân bổ ngân sách trung ương, việc cung ứng vắc xin vẫn bị gián đoạn, các địa phương liên tục thông báo hết vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng dẫn đến nhiều trẻ em bỏ lỡ mũi tiêm. Thậm chí, vắc xin viêm gan B tiêm chủng trong 24 giờ sau sinh cho trẻ cũng không còn.
Đại diện Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng thừa nhận hiện các vắc xin sản xuất trong nước có xảy ra tình trạng thiếu cục bộ rải rác tại một số địa phương.
"Việc cung ứng vắc xin trong năm 2023 đang được Bộ Y tế chỉ đạo sát sao các đơn vị liên quan. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thực hiện theo đúng các quy định hiện hành", vị này khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận