Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - Ảnh: Reuters |
Theo báo Guardian của Anh, các điều tra viên đang tìm hiểu liệu những người ủng hộ ông Trump và các trang web cực hữu có tham gia sáng tác những tin giả, như ám chỉ bà Clinton dính líu đến án mạng, hoặc trả tiền để giúp những tin này lan truyền trên mạng xã hội Facebook hay không.
Đài CNN mới đây đưa tin lãnh đạo chiến dịch tranh cử trên mạng của ứng viên Donald Trump, ông Brad Parscale, đã bị triệu tập điều trần trước Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ liên quan đến cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ.
Báo Guardian dẫn lời nghị sĩ Dân chủ Mark Warner thuộc Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ, cơ quan cũng đang có cuộc điều tra riêng, cho biết ít nhất 1.000 cá nhân liên quan đến Nga tham gia bơm các tin giả về bà Clinton lên các trang mạng xã hội trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm ngoái.
Ông Warner khẳng định có bằng chứng cho thấy hoạt động này tập trung vào các cử tri quan trọng tại các bang chiến địa (còn do dự), đặt ra nghi vấn liệu có sự hợp tác nào từ trong chính trường Mỹ nhằm lèo lái các câu chuyện này hay không.
Mối liên quan giữa “các nhà máy tin giả” của Nga và các trang cực hữu tại Mỹ cũng là một phần trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller - người được bộ Tư pháp Mỹ bổ nhiệm lãnh đạo cuộc điều tra chính về vai trò của Matxcơva trong cuộc bầu cử Mỹ.
“Vai trò của tin tức giả do Nga tạo ra là một phần tách biệt và thu hút ít sự chú ý hơn, nhưng việc nó góp phần làm giảm lá phiếu của bà Clinton tại các bang chủ chốt như Wisconsin, Michigan và Pennysylvania trong những ngày cuối vô cùng quan trọng của chiến dịch 2016 có thể tiếp tay làm thay đổi lịch sử hiện đại của Mỹ” - cây bút Julian Borger của báo Guardian nhận định.
Báo Anh cũng dẫn lời các quan chức cho biết làn sóng tin giả xuất phát từ đông Âu đổ bộ vào cuộc bầu cử Mỹ trong những tháng đầu tiên của chiến dịch tranh cử. “Trong 30 ngày, hàng chục trang xuất hiện, chạy hết công suất để sản xuất tin. Điều đó khiến tôi thấy có điều gì đó kỳ lạ đang diễn ra” - ông John Mattes, nhân vật giúp định hình chiến dịch tranh cử của ứng viên Dân chủ Bernie Sanders, nhớ lại về giai đoạn tháng 3-2016.
Nhiều nghi vấn khác được kể ra như bốn tài khoản tung tin giả về bà Clinton trên Facebook, chẳng hạn bà tư lợi trong việc "thúc đẩy" bán vũ khí cho các nhóm thánh chiến ở Syria, bao gồm cả nhóm sau này trở thành khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), đều có tên Oliver Mitov. Ông Mattes cho biết khi thử kết bạn với các tài khoản này thì không được phản hồi.
Hoặc như việc các trang web sản xuất tin chống bà Clinton đều đặt tại Albania hay Macedonia nhưng khi báo Huffington Post phỏng vấn quản lý một trang ủng hộ ông Sanders thì người này không nói được tiếng Anh dù trang của anh ta đăng nhiều bài sử dụng ngôn ngữ này.
Chuyên gia Clint Watt, thuộc Trung tâm an ninh mạng và nội địa Đại học George Washington, cũng tin rằng có sự hợp tác giữa các trang tuyên truyền của Nga và các trang tin Mỹ mà ông gọi tất cả là “những con vẹt của Kremlin”.
“Điều chúng ta cần xem xét bây giờ là những trang này nhận tài chính từ đâu và chủ sở hữu của chúng. Làm thế nào chúng có nguồn tiền để khởi động”, ông Watt gợi ý,
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận