05/03/2020 08:51 GMT+7

Cà Mau: kênh rạch khô cạn, dân khó bán được lúa

NGUYỄN HÙNG
NGUYỄN HÙNG

TTO - Trở lại vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau tháng 3 với cái nắng rát da thịt, chạy xe máy theo con lộ nông thôn cặp dòng kênh Hội (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), chúng tôi thấy nhiều nơi đã cạn kiệt nước, có đoạn đã khô nứt nẻ.

Cà Mau: kênh rạch khô cạn, dân khó bán được lúa - Ảnh 1.

Giao thông thủy bị tê liệt do hạn nên người dân muốn bán lúa phải vận chuyển bằng xe ôm - Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Theo cư dân trong vùng, khi dòng kênh Hội đầy nước, ghe xuồng chạy tấp nập, nhất là đoạn đầu kênh (tại cống Kênh Hội tiếp giáp với sông Ông Đốc), vào mùa thu hoạch lúa ghe thu mua đậu tấp nập bên ngoài. 

Phía bên trong ghe lúa chạy liên tục nên không khí nhộn nhịp, dòng kênh đầy sức sống. Nhưng hiện tại, kênh Hội như "dòng kênh chết", xuồng, ghe của người dân mắc cạn, nằm bất động dưới lòng kênh.

Không chỉ kênh Hội mà rất nhiều tuyến kênh mương trong vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời và U Minh bị khô nước, trơ đáy, giao thông thủy tê liệt. 

Còn trên bờ đường giao thông sụp lún khắp nơi. Điều này khiến các trà lúa đông xuân thu hoạch muộn của người dân trong vùng rất khó bán vì xe và ghe của thương lái không vào mua.

Chị Phạm Ngọc Ái (xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) cho biết: "Lúa nhà tôi thu hoạch xong chất đầy bên hiên nhà. Mấy ngày nay, tôi kêu lái bán nhưng không có ai mua. Do nơi tôi sống hiện nay đường thủy bị tê liệt, còn đường bộ thì đường sá bị sụp lún, xe ôm vận chuyển khó khăn nên thương lái không mặn mà vào mua". 

Theo chị Ái, đối với lúa mùa có thể trữ đến mưa xuống bán cũng được, còn lúa thơm trữ lại rất khó bán vì lúa này thương lái yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và độ ẩm. Đa số người dân phơi tại nhà thường không đạt theo yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Lê Văn Hùm, một thương lái thu mua lúa, cho biết thông thường các ghe thu mua lúa đậu tại các đầu kênh dọc theo tuyến Tắc Thủ - Sông Đốc, do kẹt các cống thủy lợi không vào vùng ngọt hóa được. Vì vậy, tùy theo người bán lúa xa gần mà giá mua khác nhau.

"Trung bình từ chỗ bán đến ghe thu mua từ 2 - 3km, công vận chuyển bằng xe máy là 200.000 đồng/tấn. Càng xa thì giá vận chuyển càng cao, có khi đến 500.000 đồng/tấn. 

Tuy nhiên, đó là những nơi xe máy vận chuyển được, còn những nơi đường bị sụp xe chạy khó khăn hoặc không chạy được thì chúng tôi không mua. Có rất nhiều người dân kêu tôi bán lúa nhưng tôi từ chối vì đường vận chuyển quá khó" - ông Hùm nói.

Hạn mặn Hạn mặn 'lên đỉnh', 80.000ha cây ăn trái nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng

TTO - Từ ngày 7 đến 15-3, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ 'đạt đỉnh', xâm nhập mặn vào sâu 100-110km. Tình trạng thiếu nước ngọt, nhiễm mặn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây ăn trái và nước sinh hoạt của người dân.

NGUYỄN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên