15/04/2016 09:29 GMT+7

Cả đôi bên cần nhìn lại

C.NHẬT ghi
C.NHẬT ghi

TTO - Sau bài viết “Bỗng dưng được... tung hô”, Nhịp sống trẻ đã nhận về nhiều ý kiến, quan điểm đa chiều từ bạn đọc, xin giới thiệu.

* ThS Huỳnh Thị Đoan Thùy (trưởng phòng thị trường, Trung tâm Xúc tiến du lịch TP.HCM):

Cả đôi bên đều cần nhìn lại

Sự nổi tiếng, đặc biệt những trường hợp đến quá nhanh, thường là con dao hai lưỡi. Tôi mong các bạn luôn cân nhắc để không phải gánh những hệ quả khó lường sau này vì chỉ có tài năng thật sự thì mới dẫn đến danh vọng, còn không sẽ là ảo vọng.

Cũng cần nhắc lại trường hợp L.R., một người bỗng dưng nổi tiếng dù giọng hát rất tầm thường. Theo tôi biết, kết cục của L.R. khá là cay đắng khi tất cả hoạt động sau đó của anh (mở công ty giải trí, quán ăn...) đều ra đi “không kèn không trống”.

* TS tâm lý Nguyễn Hữu Long (CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM):

Cần nhiều bước chuẩn bị

Tôi nghĩ các bạn trẻ cần nhớ nằm lòng những điều sau:

Đầu tiên, phải đoan chắc bản thân đã có tâm thế sẵn sàng cho việc được nhiều người biết đến. Bên cạnh đó là phải trau dồi đầy đủ một năng lực nào đó để bản thân tránh được những thị phi, áp lực không đáng có...

Kế đến, đầu tư vào kỹ năng giao tiếp, ứng xử... Hiện có nhiều khóa học về nội dung này nên các bạn có thể tham gia. Hoặc chúng ta cũng có thể tham khảo ý kiến từ người đi trước, gia đình. Các bạn cũng nên học cách duy trì tốt đẹp các mối quan hệ xã hội cả lúc chưa nổi tiếng lẫn đã nổi tiếng vì chắc chắn chúng ta sẽ không thể tự mình vượt qua những rắc rối phát sinh sau này.

Cuối cùng, nên nhận thức được rằng sự nổi tiếng dễ đến thì dễ đi bất cứ lúc nào. Chỉ khi không ngừng học hỏi từ những người đi trước, biết tôn trọng, yêu thương... thì tiếng tăm, nếu có, mới tồn tại bền vững.

* ThS giáo dục học Trương Phạm Hoài Chung (ĐH Harvard, Hoa Kỳ):

Tạo cảm xúc tích cực

Tôi mong khi muốn nhiều người biết đến mình, các bạn trẻ hãy chú trọng vào việc tạo ra một cảm xúc tích cực cho người khác thay vì khoe khoang những điều bản thân có. Nhà văn người Mỹ Maya Angelou đã từng nói: “Cuối cùng thì người ta sẽ không nhớ bạn nói gì hay làm gì, người ta chỉ nhớ bạn đã cho họ cảm xúc như thế nào”.

* Lâm Trọng Kha (23 tuổi, nguyên chánh văn phòng Đoàn Trường ĐH Luật TP.HCM):

Quyền lợi và nghĩa vụ

Với các mạng xã hội, kênh truyền thông... hiện hoàn toàn có thể làm cho các bạn trẻ nổi tiếng trong vài ngày hoặc thậm chí chỉ vài giờ đồng hồ.

Sự tung hô quá mức suy cho cùng cũng là một hình thức nói sai sự thật mà theo quy định của pháp luật, hành vi này cần được khắc phục, xử lý (theo điều 37 Bộ luật dân sự năm 2005, điều 10 Luật báo chí năm 1989 và điều 9 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí ban hành năm 1999).

Việc phản ánh thông tin không đúng sự thật là lỗi của người đưa tin. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tôi nghĩ các nhân vật cũng nên xem lại những lời nói và hành động của mình bởi đó là quyền lợi nhưng cũng là nghĩa vụ.

Khen quá hóa... hại

Nói về vấn đề khen, tôi nhớ trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã từng có bài về chuyện “Khen cho nó chết”, đọc thấm kinh khủng. Khen cho nó chết là một lời xu nịnh, thổi phồng cái tôi của một người ưa được nghe những lời mật ngọt, dù không thật.

Ông bà mình nói “mật ngọt chết ruồi”, nghĩa là món ngon ngọt đó chỉ là mồi nhử đưa “khổ chủ” vào chỗ mê li, say sưa với bản thân giả tạo - được kiến thiết bởi những lời khen không thật. Do vậy, sống ảo không chỉ là việc “like” (thích), “tám” (bàn luận) trên mạng vì những dụng ý riêng nào đó, người ta lấy lòng nhau để đưa nhau vào những hang hẻm hiểm nguy khó đoán.

Người trẻ “được” khen trong những tình huống như thế, như đã nói, sẽ ảo tưởng với những “sắc màu” ngôn ngữ tung hô ở chốn mà người ta sống theo kiểu “ai sao mình vậy”, thấy nhiều người “ném đá” cũng ném theo, thấy khen thì cũng nhào vô khen theo, không cần biết đối tượng ấy là ai, như thế nào.

Bài báo “Bỗng dưng được... tung hô trên mạng” (Tuổi Trẻ ngày 14-4) đã phần nào nói lên những tác động tiêu cực vì những lời khen, vì những thổi phồng, thông tin sai sự thật từ mạng dẫn đến người "được" khen đã lao tâm khổ tứ, phiền muộn, bất an trong đời sống hằng ngày, ảnh hưởng sức khỏe, việc học, tình yêu, tình bạn.

Vì thế cần trau dồi sự vững chãi trong khi tiếp nhận những lời khen chê bởi cộng đồng, nhất là từ mạng xã hội. Một việc quan trọng khác là khi “được khen nhầm”, “khổ chủ” phải kêu ai để đính chính, để “nói lại cho rõ”, xử lý những phát ngôn không thật trên mạng như thế nào...

LƯU ĐÌNH LONG

C.NHẬT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên