16/08/2015 10:35 GMT+7

Buông ra 
mới nắm được

NGUYỄN VẠN PHÚ
NGUYỄN VẠN PHÚ

TT - Cái sai lầm của ngành giáo dục nước ta có lẽ bắt đầu từ suy nghĩ “biết tuốt” nên lúc nào cũng lo toan, ôm đồm, bao biện và làm hết mọi chuyện.

Nếu được góp ý cho Bộ GD-ĐT làm sao để giải quyết trọn vẹn những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục đang gây băn khoăn cho xã hội, chỉ xin nói một ý thôi: đó là bộ nên buông bỏ mong muốn ôm đồm hết mọi chuyện về mình, hãy lùi lại, tin tưởng ở năng lực chưa bao giờ được khai thác của các thành phần khác trong xã hội và để cuộc sống tự giải quyết các vấn đề nó đặt ra.

Sau khi đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh toàn quốc, Bộ GD-ĐT nên để các trường đại học xây dựng và thật sự triển khai phương án tuyển sinh riêng cho mỗi trường, trường nào chọn đủ sinh viên cho mình rồi thì cứ công bố rồi khóa sổ, để còn lo chuyện dạy và học.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy các tiêu chí tuyển chọn sinh viên cho trường đâu chỉ dựa vào điểm số. Từng có những trường hợp những trường danh tiếng từ chối học sinh có điểm cao, thành tích học tập xuất sắc để chọn học sinh có điểm thi thấp hơn nhưng họ nghĩ phù hợp với họ hơn.

Nhiệm vụ của các trường đại học là cạnh tranh nhau giành học sinh xuất sắc về cho mình - thế thì cứ để họ quảng bá, tiếp thị, mời chào, công bố kết quả tuyển sớm nhất.

Từng trường đại học sẽ biết học sinh nào phù hợp với ngành nghề họ đào tạo nhất nên cứ để họ yêu cầu học sinh viết thư, viết luận, viết trình bày hay thậm chí phỏng vấn gặp gỡ trực tiếp. Chính cái đó sẽ giúp hai bên gặp nhau tốt nhất chứ không phải phần mềm thần diệu nào cả.

Biên soạn chương trình giáo dục phổ thông cũng nên thực hiện theo tinh thần lùi lại như thế. Nếu thật sự cầu thị muốn công luận đóng góp vào bản dự thảo chương trình, bộ nên làm gọn lại dự thảo, soạn ngay vào cái nội dung chương trình tổng thể đó.

Các phần như quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, định hướng, điều kiện thực hiện đâu phải là chương trình, cứ đưa vào phụ lục, ai muốn hiểu dự thảo được biên soạn trên các nền tảng nào thì mới vào đọc.

Phải xem các phần này là chuyện bếp núc của nội bộ các chuyên gia. Công luận chỉ cần biết chúng ta muốn đổi mới chương trình như thế nào, khác gì so với hiện nay và hình hài chương trình có làm được chuyện đó không.

Lấy ví dụ, ai cũng thấy chương trình hiện nay nặng hướng từ chương trong khi học sinh lại thụ động, lười suy nghĩ. Vậy để nhấn mạnh tính sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ thì chương trình làm gì, thể hiện như thế nào? Đọc bản dự thảo hiện nay đố mà thấy được điều đó.

Như hiện nay, mọi người, kể cả các thầy cô giáo sẽ bị lạc trong một rừng từ ngữ rậm rịt của bản dự thảo và chỉ còn chú ý để các điểm phụ nhưng quan trọng với họ như áp dụng dạy tích hợp liệu họ có bị thất nghiệp không!

Người ta cũng sẽ bị dội ngược vì các cụm từ như “phân hóa trong - phân hóa vi mô” hay “phân hóa ngoài - phân hóa vĩ mô” rồi tích hợp đủ kiểu nên khó lòng kỳ vọng nhiều người đóng góp cho bản dự thảo hay tài liệu hỏi đáp đi kèm vừa được công bố.

Không biết từ đâu ra mà đang phổ biến một suy nghĩ: bộ trưởng là người toàn năng, chuyện gì cũng biết hết, chuyện gì cũng chỉ đạo được hết. Thật ra bộ trưởng là người đứng đầu bộ máy quản lý hành chính, chỉ rành những chuyện hành chính, rành các vấn đề chuyên môn liên quan đến quản lý nhà nước. Chuyện hiểu tâm lý, sinh lý học sinh để từ đó định hình phong cách giảng dạy, tiếp xúc, gần gũi học sinh là chuyện của từng thầy cô, bộ trưởng làm sao rành rẽ bằng?

Cái sai lầm của ngành giáo dục nước ta có lẽ bắt đầu từ suy nghĩ “biết tuốt” như thế nên lúc nào cũng lo toan, ôm đồm, bao biện và làm hết mọi chuyện.

NGUYỄN VẠN PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên