24/02/2018 11:05 GMT+7

Đổ bệnh khi đi làm ngày tết

PHƯƠNG VY
PHƯƠNG VY

TTO - Trước nghỉ tết vài ngày, nhiều bạn trẻ đua nhau lên mạng xã hội săn tìm công việc thời vụ với hy vọng mức lương nhân hai, nhân ba.

Đổ bệnh khi đi làm ngày tết - Ảnh 1.

Nam sinh đóng vai ông đồ chơi với trẻ nhỏ dịp Tết Mậu Tuất - Ảnh minh hoạ: Vietopia

Minh Anh (CĐ Phát thanh - Truyền hình II, nhà ở đường Tô Ký, Q.12, TP.HCM) đăng ký làm nhân viên thời vụ cho một quán ăn ở gần sân bay Tân Sân Nhất. Một giờ công của cô giá 35.000 đồng. Nghe thấy thích, Minh Anh bèn rủ một số bạn thân cùng làm.

Trước đó, công ty buộc sinh viên phải vượt qua vòng phỏng vấn, hướng dẫn, thực hành,… qua nhiều ngày. Người đạt yêu cầu mới được tham gia công việc. Khi "làm thử" cho quen việc, các bạn hoàn toàn không được nhận chi phí hỗ trợ nào. Thế nhưng không ai dám kêu ca vì sợ không được nhận.

Đổ bệnh khi đi làm ngày tết - Ảnh 2.

Một thông báo tuyển người làm dịp Tết Mậu Tuất - Ảnh chụp màn hình

Minh Anh chia sẻ: "Tụi mình làm 10 tiếng/ ngày để có thu nhập nhỉnh hơn một chút. Nói 10 tiếng nhưng thật ra còn nhiều hơn vì phải đến sớm để quét dọn cửa hàng, tối về trễ để dọn dẹp sạch sẽ. Nhiều khi khách đông, tụi mình phải chờ mọi người về hết mới được phép dọn dẹp. Có bạn còn ngủ gật vì quá mệt".

Theo cô, hầu hết nhân viên cũ đều lựa chọn làm ca xoay từ 4 đến 6 tiếng để về nhà sớm ăn tết với gia đình, nhưng vẫn có thêm thu nhập gấp đôi rủng rỉnh hơn ngày thường. Chỉ có nhân viên mới như Minh Anh mới lựa chọn cách "hành xác" làm 10 tiếng.

Ngày tết, khách đông nên cả nhóm làm không xuể. Vừa ngồi nghỉ một xíu, cả nhóm bị quản lý rầy. Tóc tai, trang phục không chỉnh tề xíu do chạy việc quá nhiều cũng bị la. Minh Anh kể, làm tết có tình trạng "ma cũ bắt nạt ma mới", sai các bạn làm việc, còn mình ngồi chơi.

Bên cạnh đó, nhiều bạn nhà ở ngoại thành chấp nhận đi đường xa tuốt lên quận 7, quận Tân Phú để làm việc ngày tết. Khu vực này có rất nhiều trung tâm thương mại, khu vui chơi lớn cần nhân lực.

Ngày tết, xe buýt khan hiếm hơn, nên các bạn chọn cách chạy xe máy. Mỗi khi tan ca, tầm 7 giờ tối, họ phải tất tả chạy về vì sợ trời tối, đi đường xa nguy hiểm.

Đổ bệnh khi đi làm ngày tết - Ảnh 3.

Thuỷ Tiên (quận Bình Thạnh) kể: "Làm tết việc nhiều, cả ngày chỉ chạy và chạy. Về nhà, người đứa nào cũng hôi rình, họng bị đau rát vì nói quá nhiều. Mình còn nằm mơ thấy ác mộng. Làm được vài hôm thì cả đám lăn ra đổ bệnh".

Chờ tiền sau tết

Rất nhiều bài đăng trên các diễn đàn việc làm sinh viên, việc làm thời vụ ngày Tết 2018 ghi tiền nhận liền sau khi công việc kết thúc, tuy nhiên, không nhiều bạn trẻ nhận được đầy đủ như đúng lời hứa ban đầu.

Thiên Long (ĐH Nông lâm TP.HCM) kể: "Mình nhận làm mascot (người mặc đồ thú để hoạt náo) ngày tết, lương 50.000 đồng/ giờ. Công việc bắt mình phải hoạt động liên tục, không ngơi nghỉ, nhiều lúc còn phải nhảy để mua vui. Mình cảm thấy khá đuối. Mỗi khi cởi nón, áo ra, mình phải uống nước liền và thở.

Tuy nhiên, sau khi công việc kết thúc, mình và vài bạn nữa có đề cập đến tiền lương thì "sup" (quản lý) nói khi nào chị kế toán… đi làm lại mới thanh toán tiền. Nhưng trước đó, anh "sup" thoả thuận trước là sau khi làm xong sẽ trả tiền liền, làm tụi mình rất bức xúc".

Thậm chí, có nhiều trường hợp tiền bị ăn chặn, cắt xén. Thanh Tân (quận Thủ Đức) chia sẻ, trong thoả thuận có trả thêm tiền ăn trưa nhưng lúc nhận lương, một vài bạn trong nhóm không hề nhận được khoản tiền này.

Anh nói: "20.000 đồng ăn trưa tưởng lớn, nhưng không phải. Làm trong đó ít được ra ngoài, tụi mình phải ăn tại công ty. Mỗi phần ăn cũng giá 35.000 đồng trở lên, nên đứa nào cũng phải bỏ thêm tiền túi".

Tân kể, ngày thường tiền lương khi làm tại chỗ này là 15.000 đồng, ngày tết tăng gấp đôi là 30.000 đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa áp lực tăng lên rất cao.

Đổ bệnh khi đi làm ngày tết - Ảnh 4.

Nhân viên Snowtown quận 2, TP.HCM làm việc ngày Tết. Nhiệm vụ của họ là cào tuyết và đảm bảo an toàn cho người chơi dưới cái lạnh 8 - 9 độ C - Ảnh: PHƯƠNG VY

Như Ý (ĐH Ngân hàng TP.HCM) chia sẻ: "Mình làm pha chế ngày thường được 9.000 đồng/ tiếng, tết thì được 20.000 đồng. Ngày thường, công việc của mình là pha nước, rửa ly, cắt bánh. Tết thiếu người nên kiêm thêm bưng bê, lâu lâu xếp xe lại cho ngay ngắn. Ở nhà thì buồn nên mình chọn đi làm cho vui".

Như Ý cũng cho rằng, phần tiền cô nhận được trong tết vẫn chưa thoả đáng vì phải hi sinh nhiều cái để đi làm. "Sau nghỉ tết là hạn đóng tiền cho các môn mới ở học kỳ 2, thế nên sinh viên mới lựa chọn đi làm để kiếm thu nhập. Nhưng bây giờ mọi người đều đi làm, đi học hết rồi mà tiền vẫn chưa thấy đâu", chị cho biết.

Ngoài ra, việc làm thêm giờ quá nhiều, kèm theo áp lực công việc tăng cao sẽ khiến sức khoẻ của bạn giảm sút trầm trọng. Theo trang Healthline.com, có bảy báo động đỏ khi bạn làm việc quá sức. Đó là năng suất bị trì hoãn; gia tăng khả năng uống rượu để thư giãn; ngủ không đủ giấc và mệt mỏi ban ngày; có khả năng bị trầm cảm; đau lưng và cổ; các mối quan hệ bị ảnh hưởng; trái tim cũng liên tục "làm thêm giờ".

Vì thế, nhiều sinh viên mong mỏi quản lý sẽ trả tiền đầy đủ, công tâm, đúng sức mà các bạn bỏ ra trong tết.

Chi tiền triệu cho dịch vụ chăm chó mèo ngày tết Chi tiền triệu cho dịch vụ chăm chó mèo ngày tết

TTO - Nhà có khách là trẻ nhỏ, cần về quê... là nhiều lý do khiến nhiều người tìm dịch vụ trông giữ thú cưng trong dịp tết.

PHƯƠNG VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên