Phóng to |
Bé Thiện Nhân cùng mẹ nuôi - nhà báo Trần Mai Anh - Ảnh nhân vật cung cấp |
Tác giả bộ sách có cái tên là lạ: Bubbafish. Tìm hiểu thêm thì ra đây là hai tập sách được xuất bản để gây quỹ phẫu thuật "tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may" trong Hành trình Thiện Nhân (Tuổi Trẻ từ ngày 26-12-2011 đến 4-1-2012). Tuổi Trẻ trao đổi với nhà báo Trần Mai Anh, mẹ nuôi của bé Thiện Nhân, người đang trực tiếp điều hành chương trình này, về các bước tiến mới trong việc chuẩn bị cho các cuộc phẫu thuật.
* Qua mấy tháng, Hành trình Thiện Nhân hẳn đã có nhiều bước tiến mới. Việc chuẩn bị cho đợt phẫu thuật sắp tới đã tiến hành tới đâu rồi, thưa chị?
- Có nhiều tin vui. Từ sau loạt bài Hành trình Thiện Nhân trên Tuổi Trẻ, rất nhiều bạn đọc đã liên lạc và đóng góp cho chương trình. Thống kê đến lúc này chúng tôi nhận được hơn 420 triệu đồng. Hai tập sách tranh do nhóm Bubbafish sáng tác cũng được Công ty Phan Thị đầu tư và đóng góp lợi nhuận cho quỹ. Bubbafish đã sáng tác được hơn 20 tập sách và sẽ xuất bản dần tùy vào tình hình tài chính.
Bên cạnh những người đóng góp, chương trình cũng nhận được hơn 50 hồ sơ mới của các bệnh nhi và sẽ sắp xếp để được bác sĩ thăm khám trong đợt tới.
Có một thay đổi trong kế hoạch phẫu thuật và khám bệnh đợt 2 là sẽ dời thời điểm từ tháng 4 sang tháng 6-2012. Lý do thứ nhất là vì đa số bệnh nhi đang trong độ tuổi đi học, sắp xếp vào dịp hè sẽ thuận tiện cho các em hơn. Lý do thứ hai là tài chính: dự kiến đợt 2 này cần khoảng 1,2 tỉ đồng để phẫu thuật 30 ca và tái khám, chưa tính chi phí khám cho các bệnh nhân mới và phát sinh. Như vậy chúng tôi mới chỉ có 1/3 số tiền cần có, từ giờ đến tháng 6 nhất định phải tìm mọi cách để "điền vào chỗ trống" vì không thể hoãn thêm được nữa. Lịch trình của các bác sĩ (từ Ý, Mỹ sang Việt Nam - NV) đã được lên kế hoạch từ ngày 8 đến 26-6-2012.
Trong thời gian này, tình hình diễn biến của các bệnh nhân đã mổ đợt 1 vẫn liên tục được cập nhật để bác sĩ Roberto De Castro theo dõi, hướng dẫn điều trị. Có sáu trường hợp đã hoàn toàn bình phục.
* Chị nhắc nhiều đến Bubbafish. Chị có thể nói rõ hơn về cái tên này?
- Trong quá trình tìm hướng phẫu thuật và điều trị cho Thiện Nhân, tôi và một người bạn là nhà văn, họa sĩ Elka Ray đã cùng sáng tạo một số mẫu đồ chơi handmade (làm bằng tay) và gọi nó là Bubbafish. Ðây là tiếng lóng của từ babyfish (cá con) theo cách nói của người Úc, nơi tôi đã học thạc sĩ, gợi lên cảm giác đầu tiên bạn biết mình được làm mẹ: nghe như có một con cá con quẫy, búng một cái trong bụng mình. Ấy là khi em bé bắt đầu bơi.
Những sản phẩm búp bê Bubbafish của chúng tôi được làm hoàn toàn bằng tay, mỗi búp bê được đặt tên riêng và có một bài thơ nhỏ đính kèm, hiện đang gửi bán ở một số nhà hàng, khách sạn. Trước đây 100% lợi nhuận được dành cho ca phẫu thuật của Thiện Nhân, giờ là cho chương trình "Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may". Sau búp bê, Bubbafish còn in được lịch bàn và hiện giờ là xuất bản sách cho trẻ em, với tranh và lời tiếng Anh của Elka Ray, lời Việt do Thiên Minh (anh trai của Thiện Nhân, con chị Mai Anh - NV) viết.
* Chị có kỳ vọng nhiều vào các hoạt động này không?
- Tiền thì không nhưng niềm vui và hạnh phúc thì có. Các hoạt động này mang đến cho chúng tôi niềm vui và cảm hứng sáng tạo trong hành trình không thể nói là không mệt mỏi.
Những cuốn sách của chúng tôi không ghi trên bìa là sách gây quỹ cho Hành trình Thiện Nhân, tôi muốn người đọc mua trước hết là vì thấy sách hay, thú vị hoặc cần thiết. Hi vọng các sản phẩm của Bubbafish sẽ mang được niềm vui cho người dùng, qua đó họ sẽ biết đến chương trình, nhớ đến những đứa trẻ không may mắn. Kỳ vọng của chương trình là từ họ.
Hôm trước, có một bạn đọc báo Tuổi Trẻ ở Vũng Tàu gọi cho tôi. Anh gợi ý chương trình nên lên kế hoạch tìm nhà tài trợ cho từng bệnh nhân, theo đó một nhà hảo tâm sẽ nhận tài trợ toàn bộ chi phí cho một bệnh nhân xuyên suốt các đợt phẫu thuật. Qua đó, người tài trợ sẽ theo dõi được sát sao diễn tiến sau phẫu thuật và có mối quan hệ thân thiết hơn với bệnh nhân. Bản thân anh đã nhận tài trợ cho một trường hợp và hẹn tôi sẽ gọi lại khi đợt 2 bắt đầu. Tôi thấy ý của anh rất hay nhưng chưa nghĩ ra mình sẽ phải tìm những nhà tài trợ khác như thế nào. Ðang chờ người hiến kế và chờ anh ấy giữ lời hứa.
* Cảm ơn chị và hi vọng Hành trình Thiện Nhân sẽ có thêm nhiều người đồng hành.
Hành trình tiếp nối Bắt đầu từ hành trình "Tìm lại người đàn ông" của bé Thiện Nhân và mẹ, chương trình "Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may" đã ra đời. Tháng 11-2011, ba bác sĩ phẫu thuật chuyên ngành tiết niệu nhi: bác sĩ Roberto DeCastro (Ý), bác sĩ Emilio Merlini và bác sĩ Ðinh Tuệ (Mỹ) đã tới Việt Nam. 25 bệnh nhân đã được phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục và chức năng của các bộ phận trong đường tiết niệu tại Bệnh viện Nhi trung ương Hà Nội. 52 bệnh nhân khác được khám sàng lọc cho đợt phẫu thuật tiếp theo. Tổng chi phí cho đợt 1 tính đến hết tháng 2-2012 gần 1,5 tỉ đồng. Ðến nay, sáu bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục, tám trường hợp sẽ được tiếp tục mổ lần hai, 11 trường hợp có biến chứng sau phẫu thuật sẽ được tái khám vào tháng 6-2012. Cũng trong đợt 1, các chuyên gia nước ngoài cùng với bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương đã tổ chức hội thảo chuyên ngành tiết niệu, sinh dục nhi nhằm chuyển giao kiến thức và công nghệ cho hơn 200 bác sĩ đến từ khắp Việt Nam. |
PHẠM VŨ thực hiện
__________
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thànhKỳ 2: Hi vọng từ Thiện NhânKỳ 3: Vì tôi là mẹKỳ 4: Chú lính chì dũng cảmKỳ 5: Vòng quanh thế giớiKỳ 6: Nhọc nhằn trang cổ tíchKỳ 7: Hành trình của sẻ chiaKỳ 8: Những người đồng hànhKỳ 9: Bác sĩ RobertoKỳ cuối: Trả cho con người cuộc sống của họ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận