22/03/2019 07:10 GMT+7

'Bức ảnh 3 tỉ đồng': Sắp đặt thế nào thì chất lượng vẫn là quyết định

MAI THỤY ghi
MAI THỤY ghi

TTO - Những tranh luận quanh chuyện sắp đặt trong nhiếp ảnh một lần nữa được khơi lên sau khi bức ảnh đoạt giải gần 3 tỉ đồng bị tố là tác phẩm được chụp từ một cuộc sáng tác tập thể.

Bức ảnh 3 tỉ đồng: Sắp đặt thế nào thì chất lượng vẫn là quyết định - Ảnh 1.

Nhóm nhiếp ảnh cùng sang tác ảnh qua việc sắp đặt múa tại đền tháp Chăm Pôsah Inư, Phan Thiết - Ảnh : NGUYỄN CÔNG THÀNH

Việc chụp những kiểu ảnh giống nhau và chiến thắng các cuộc thi không phải mục tiêu của nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh là nghệ thuật và nó hướng tới việc kể những câu chuyện, nó là sự biểu đạt tiếng nói của bản thân bạn thông qua những tác phẩm của chính bạn.

Etienne Bossot

Tuổi Trẻ giới thiệu những góc nhìn khác nhau của giới nhiếp ảnh trong và ngoài nước về "trường phái" sắp đặt trong nhiếp ảnh.

* Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Thông: Sắp đặt hay không không quan trọng

Bản thân khái niệm "ảnh nghệ thuật" vốn đã rất mơ hồ với nhiều người. Nhìn chung, ảnh nghệ thuật đề cao tính biểu tượng và hình tượng nghệ thuật, kết hợp với ánh sáng, khoảnh khắc, bố cục và có thể là màu sắc để tạo nên tác phẩm.

Chính vì vậy, nhiếp ảnh nghệ thuật có sự tự do phóng khoáng. Việc sắp đặt hay không trong nhiếp ảnh nghệ thuật không phải là vấn đề. Nhiều nhiếp ảnh gia có con mắt tinh tế, tính kiên trì, sự nhạy cảm và đầu tư về thời gian... vẫn có thể tạo ra những tác phẩm ảnh nghệ thuật hoàn toàn không sắp đặt.

Photo tour là một hoạt động tích cực, mọi người có thể chia sẻ với nhau kinh nghiệm, chi phí, công sức... nhưng có mặt trái là khó tránh khỏi các tác phẩm trùng lặp hoặc tạo ra yếu tố gây nhiễu trong quá trình sáng tác.

Với những người mới chơi ảnh, hoặc chỉ coi ảnh là sở thích song hành cùng du lịch thì photo tour là ý tưởng không tồi. Trong khi đó, nhiều nhiếp ảnh gia muốn dấn thân và ưa thích phiêu lưu, họ coi việc tự khám phá và tự trải nghiệm là một phần quan trọng của chuyến đi, vì vậy họ không muốn tham gia vào các photo tour như vậy.

Bức ảnh 3 tỉ đồng: Sắp đặt thế nào thì chất lượng vẫn là quyết định - Ảnh 3.

Chụp ảnh chân dung theo kiểu sắp đặt của một nhóm nhiếp ảnh gia tại xóm làm heo đất ở Lái Thiêu, Thuận An, tỉnh Bình Dương - Ảnh : NNN

* Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: Những tiếng nói giống nhau biểu hiện sự thiếu sáng tạo

Nếu coi nhiếp ảnh là ý kiến, thông điệp, tư tưởng của người cầm máy thì có một thực tế đáng buồn ở Việt Nam hiện nay khi có rất nhiều người cất tiếng nói thông qua ảnh nhưng lại là những tiếng nói giống nhau, biểu hiện cho sự thiếu sáng tạo.

Nhiều người thường sắp đặt, chụp rồi về nghĩ cho ảnh một cái tên mỹ miều làm thông điệp. Thế nhưng, ảnh nghệ thuật thực sự phải thể hiện ý tưởng và thông điệp của người chụp ngay trong bản thân bức ảnh.

Quan niệm của tôi về sự sáng tạo là đừng chụp lại y hệt những gì người khác đã làm. Tất nhiên, đôi khi làm thương mại, người cầm máy có thể phải chiều theo ý khách hàng nhưng cần có góc sáng tạo cho riêng mình.

Bức ảnh 3 tỉ đồng: Sắp đặt thế nào thì chất lượng vẫn là quyết định - Ảnh 4.

Ảnh: ĐẶNG QUANG VINH

* Ông Hoàng Thạch Vân (phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM): Tính khoảnh khắc được đề cao

Trong nhiếp ảnh, tính khoảnh khắc vẫn luôn được đề cao vì mang đến sự sinh động cho tác phẩm.

Tuy nhiên, yếu tố sắp đặt trong một chừng mực nhất định vẫn có thể chấp nhận được, cũng giống như điện ảnh, có thể tái hiện một khoảnh khắc, giai đoạn nào đó nhưng phải đúng với thực tế, bối cảnh của thời kỳ ấy. Tính sắp đặt trong tác phẩm vẫn có thể mang đến sự rung động cho người xem nếu người chụp bắt được khoảnh khắc cảm xúc, thần thái của nhân vật.

Riêng về photo tour, đây là hoạt động cho phép người chụp ảnh đến đúng nơi cần đến, đúng thời điểm và thường được tổ chức cho những người vừa tiếp cận với nhiếp ảnh để họ có cơ hội học tập kinh nghiệm từ những người đi trước.

Bên cạnh đó, photo tour cũng dành cho những người nước ngoài, không biết nhiều về Việt Nam. Với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, dù có đi chung với nhau thành một nhóm, đến nơi chụp họ vẫn sẽ tách ra để tìm ý tưởng, chủ đề cho riêng mình.

Trong quá trình chấm nhiều cuộc thi ảnh, chúng tôi không ít lần gặp những bức ảnh giống nhau, xuất phát từ những chuyến photo tour. Với những trường hợp ấy, ban giám khảo sẽ thảo luận về màu sắc, bố cục, nội dung của từng bức ảnh để chọn ra tác phẩm giá trị hơn.

Bức ảnh 3 tỉ đồng: Sắp đặt thế nào thì chất lượng vẫn là quyết định - Ảnh 5.

Ảnh: ĐẶNG QUANG VINH

NSNA Lê Hồng Linh: Quan trọng vẫn là tài năng và vốn sống

Trong nhiếp ảnh, có những thể loại ảnh mà người chụp phải tôn trọng sự thật, theo đó không được phép can thiệp, dàn dựng để có tác phẩm, trong đó ảnh báo chí là thể loại đặt ra yêu cầu tối thượng về điều này.

Ngoài ra, hiện nay có nhiều thể loại ảnh cũng được yêu cầu tôn trọng sự thật, không dàn dựng như ảnh du lịch (travel), ảnh phong cảnh (landscape), ảnh thiên nhiên (nature)...

Tuy nhiên với sáng tác nghệ thuật, không ai cấm việc dàn dựng. Mặc dù rất nhiều khi ảnh chụp sự thật tự nhiên (không dàn dựng) vẫn có thể tạo nên những tấm ảnh nghệ thuật.

Trong sáng tác nghệ thuật, có những người có vốn sống phong phú, họ muốn chọn cảnh, mẫu để có được bố cục khuôn hình như ý muốn, đó là chuyện bình thường và thế giới không cấm điều đó.

Lại có những người dàn dựng mà thiếu vốn sống, ví như chụp người leo cột điện mà không có đồ bảo hiểm, chụp phòng mổ mà bác sĩ không đeo khẩu trang... thì sự sắp xếp đó trở nên lộ liễu, khiên cưỡng và phản cảm.

Cho nên rốt cuộc, sản phẩm cuối cùng của anh, dù có sắp xếp hay không, chất lượng như thế nào mới là quan trọng. Dàn dựng mà người xem không nhận ra có bàn tay sắp đặt không phải là điều đơn giản, nhất là khi anh thiếu vốn sống và tài năng.

Thử hỏi những người cầm máy, trong suốt cuộc đời mình, ai dám nói mình là người chưa từng dàn dựng? Bản thân anh, tại sao khi chụp ảnh, anh không đứng góc này mà lại chọn đứng góc kia, đó chẳng phải anh cũng đang "set-up" chính mình đó sao?

Cho nên đừng dị ứng quá mức với việc này. Điều quan trọng vẫn là hiệu quả cuối cùng. Quan trọng là bức ảnh có tạo ra được mỹ cảm, cảm xúc về nội dung sâu sắc, có thuyết phục được người xem hay không.

D.KIM THOA ghi

'Bức ảnh 3 tỉ đồng': Hóa ra nhiếp ảnh ‘mua nước mắt’ vẫn thắng thế

TTO - Tác giả bức ảnh thắng giải thưởng gần 3 tỉ đồng vừa bác bỏ thông tin bức ảnh của ông là dàn dựng. Nhưng câu chuyện đáng bàn là tại sao đến thời điểm này những hình ảnh mang tính ‘mua nước mắt’ như vậy vẫn được tôn vinh?

MAI THỤY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên