28/09/2018 14:25 GMT+7

Bữa cơm tình mẹ

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Mẹ Hồ Thị Miết, mẹ Việt Nam anh hùng duy nhất còn sống của huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, hơn một năm nay được bớt cảnh thui thủi một mình giữa miền biên giới nhờ sự chung tay chăm sóc của tập thể giáo viên Trường tiểu học Hướng Phùng...

Bữa cơm tình mẹ - Ảnh 1.

“Bữa cơm tình mẹ” của giáo viên Trường tiểu học Hướng Phùng hơn một năm qua dành cho mẹ Hồ Thị Miết - Ảnh: QUỐC NAM

Hơn một năm nay, mẹ Miết đã bớt hiu quạnh. Cứ mỗi tuần hai ngày đều đặn, mẹ được các giáo viên Trường tiểu học Hướng Phùng nấu cơm đưa qua tận nhà, rồi giúp dọn dẹp nhà cửa và trò chuyện, sẻ chia. 

Mẹ cũng vui hơn khi tuần nào cũng có thêm mấy học sinh của trường được thầy cô giáo chở qua chơi.

Mẹ Hồ Thị Miết (85 tuổi, trú thôn Mã Lai, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) là mẹ Việt Nam anh hùng duy nhất còn sống của huyện Hướng Hóa. Mẹ sống lủi thủi một mình nhiều năm qua, khi con trai duy nhất đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Góp tiền lo bữa cơm cho mẹ

Cô hiệu phó Trần Thị Lài là một trong ba người trong tổ nấu cơm và đưa cơm hằng tuần cho mẹ Miết. Hai người còn lại là nhân viên cấp dưỡng Trần Văn Ngự và cô giáo Nguyễn Thị Nga. 

Cô Lài kể mọi chuyện bắt đầu từ tháng 7-2017. Đó là giai đoạn cuối của mùa hè và chuẩn bị vào năm học mới. Đây là thời điểm hằng năm các giáo viên trong trường phải về các bản làng xa của địa bàn vận động học sinh đi học.

"Có lần nhóm giáo viên của trường vô tình ghé vào nhà mẹ Miết, thấy mẹ nằm một mình. Mẹ ốm, đến bữa không ai lo cơm nước cho. Nhà cửa thì mấy hôm rồi không ai dọn dẹp" - cô Lài kể.

Về, những hình ảnh đó cứ ám ảnh mãi nhóm giáo viên. Câu chuyện đó được kể đến tai ban giám hiệu. 

Thầy Nguyễn Mai Trọng, hiệu trưởng nhà trường, kể trước đó từng biết mẹ Miết là mẹ Việt Nam anh hùng duy nhất của huyện Hướng Hóa còn sống. Nhưng ngay chính thầy cũng không ngờ cuộc sống của mẹ lại hiu quạnh đến thế. 

"Lễ tết thấy nhà mẹ cũng có nhiều người tới lui. Nhưng đúng là ở nơi rừng núi heo hút này chăm lo được cho mẹ trọn vẹn là điều không dễ" - thầy Trọng nói.

Một cuộc họp được ban giám hiệu trường tổ chức ngay sau đó. Quyết định nhanh chóng được hội đồng trường đưa ra. Nhà trường sẽ ngay lập tức thành lập một tổ chuyên nấu cơm đưa qua cho mẹ Miết hằng tuần, mỗi tuần hai ngày vào thứ ba và thứ năm. 

Chi phí những bữa cơm này sẽ do chính giáo viên, nhân viên trong trường đóng góp. Ngoài việc đưa cơm, những giáo viên này sẽ kiêm luôn nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa cho mẹ. Chương trình nấu cơm cho mẹ Miết được nhà trường đặt tên là "Bữa cơm tình mẹ".

Bữa cơm tình mẹ - Ảnh 2.

Thi thoảng các em học sinh lại phụ giúp thầy cô dọn dẹp nhà cửa cho mẹ - Ảnh: QUỐC NAM

Giờ mẹ có cả đàn con

Thầy Trọng nói rất mừng là khi đưa ra quyết định thì tất cả giáo viên trong trường ai cũng hưởng ứng nhiệt tình. 

Giáo viên trường biên giới hầu hết ở xa nhà, nghe việc nghĩa tình là ai cũng xung phong làm. Khoảng cách 7km đường núi giữa nhà mẹ và nhà trường khi đó không còn là vấn đề nữa. 

"Mẹ Miết năm nay đã 85 tuổi. Mẹ không còn nhiều thời gian nữa, nên mọi việc phải làm thật nhanh. Mẹ đã hi sinh cho đất nước nhiều rồi. Không thể để mẹ sống cô đơn thêm nữa. Dù không chăm sóc được mẹ cả đời thì cũng được chăm mẹ những năm cuối đời" - thầy Trọng nói.

Nói thì đơn giản, nhưng không phải dễ lo đều đặn cho mẹ hai bữa cơm mỗi tuần. Tổ nấu cơm phải lo thêm phần cơm "đặc biệt" kiểu... người già cho mẹ Miết, ngoài bữa ăn bình thường cho các giáo viên miền xuôi ở lại dạy học tại trường. 

Xong giờ dạy, đến giữa trưa, cô Lài và cô Nga lấy hai cà mèn đựng cơm và thức ăn rồi chạy xe máy 7km đến nhà mẹ Miết. 

Biết hôm nay đến ngày giáo viên Trường Hướng Phùng đưa cơm, nên mẹ Miết ngồi tựa lưng ở cửa đợi. Mẹ nói mỗi tuần có hai bữa được ăn cơm ngon, có canh, có cá. Mẹ già rồi, đau yếu liên miên, nên bữa ăn thường ngày mẹ chỉ làm được một chén đồ khô để ăn cơm, rất khó nuốt.

Thấy nhà bề bộn, cô Lài và cô Nga xắn tay áo dọn dẹp từ trong nhà ra ngoài vườn cho mẹ, tiện thể hai cô giặt luôn mớ quần áo cho mẹ mặc. Thấy tóc mẹ rối vì nằm nhiều, cô Lài với tay lấy chiếc lược chải lại mái tóc cho mẹ, hỏi han chuyện trò. 

Mẹ Miết hay kể cho các cô nghe chuyện về con trai mình. Mẹ tiếc vì con trai chưa kịp lấy vợ đã hi sinh. Suốt mấy chục năm qua, mẹ buồn và thương con trai nhiều lắm. Nhưng từ khi có các cô vô với mẹ, mẹ đỡ buồn hẳn. Mẹ mất con trai, nhưng giờ mẹ có lại cả đàn con.

Mẹ Miết lập gia đình và sinh con từ năm 1953. Hồ Miê A - con trai duy nhất của mẹ - tự nguyện đi bộ đội từ năm 17 tuổi.

Mẹ Miết không níu chân con, mà động viên con đánh thắng giặc trở về, cưới vợ sinh con. Miê A nhập ngũ. Đến năm 1971, anh tham gia trận đánh ở đồi Tà Púc thuộc biên giới Việt - Lào và hi sinh ở đó.

Bài học đạo lý

Thầy Trọng nói việc các giáo viên ở trường làm còn mang một thông điệp lớn hơn.

Đã thành thông lệ, từ khi trường bắt đầu nấu cơm mang đến cho mẹ Miết, cứ đều đặn mỗi tháng, từng lớp trong trường sẽ cử thêm một số học sinh cùng đến nhà mẹ với các cô giáo.

Những học sinh này đến để được nghe trực tiếp câu chuyện về mẹ, được nghe mẹ kể những ngày tháng khổ cực khi con mẹ hi sinh vì nước.

Những hôm có các em học sinh đến, mẹ vui vẻ lạ. Mong muốn lớn nhất cuộc đời mẹ cũng chỉ đơn giản là được có con đàn cháu đống quây quần khi về già.

Con mẹ hi sinh, không làm được điều đó nữa thì nay có các giáo viên Trường tiểu học Hướng Phùng làm.

"Đây chính là bài học về đạo lý đơn giản và gần gũi nhất mà các em học sinh cần học" - thầy Trọng nói.

Truy tặng danh hiệu 18 Mẹ Việt Nam Anh hùng Truy tặng danh hiệu 18 Mẹ Việt Nam Anh hùng

TTO - Ngày 11-12, tại huyện Hóc Môn, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Mẹ Việt Nam Anh hùng".

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên