26/08/2018 11:43 GMT+7

Ở bên cha mẹ khi có thể

LƯU ĐÌNH LONG thực hiện
LƯU ĐÌNH LONG thực hiện

TTO - Không đợi đến mùa Vu lan nhiều người mới nhắc nhớ nhau về chữ hiếu, về đạo làm con. Nhưng mỗi năm đi qua mùa lễ Vu lan báo hiếu, những ai vẫn còn được “nghe” hơi ấm của cha mẹ, đó chính là “phúc duyên” rất lớn lao...

Ở bên cha mẹ khi có thể - Ảnh 1.

Cài hoa hồng trong lễ Vu lan - Ảnh: LƯƠNG ĐÌNH KHOA

Ngày nay, lễ Vu lan không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu lan tại các chùa còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, với tiên tổ ông bà cha mẹ

Đại đức Thích Chí Giác Thông

Nói về ý nghĩa Vu lan, đại đức Thích Chí Giác Thông, phó ban kiêm chánh thư ký Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo TP.HCM, cho biết:

- Lễ Vu lan xuất phát từ sự tích Tôn giả đại hiếu Mục Kiền Liên sau khi chứng quả thánh, đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). 

Vu lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những cái ơn mà mình thọ nhận trong cuộc đời, nhắc nhở bổn phận làm con luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa - thể hiện qua lời nói, việc làm, chăm sóc cha mẹ cả vật chất lẫn tinh thần.

Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu lan (ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, tri ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người dân Việt.

* Đạo hiếu là đạo đức căn bản của con người. Vậy, theo thầy, cần làm gì để báo hiếu - tri ân một cách thiết thực?

- Đức Phật dạy rất rõ về vấn đề này, khi cha mẹ còn sống, ngoài những việc chăm sóc, chăm lo đầy đủ những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường ngày, chúng ta còn phải lắng nghe và hỏi ý kiến cha mẹ với thái độ cung kính, ôn hòa, tôn trọng và yêu thương thể hiện qua lời nói cũng như hành động. 

Kế nữa chúng ta phải tự hoàn thiện bản thân với việc làm đạo đức để ba mẹ khỏi lo lắng và đau khổ vì mình.

Điều đặc biệt là phải hướng dẫn cha mẹ phát tâm làm các việc thiện, chia sẻ những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống, để tạo phúc duyên tốt cho cha mẹ trong đời sống sau này.

* Nhân mùa Vu lan, thầy có thể gợi ý cách sống tăng sự kết nối tình thân, nhất là để cha mẹ và con cái không bị "gián đoạn", "nghẽn mạng"?

- Nhiều người trẻ ngày nay mải lo cho cuộc sống riêng mà quên đi việc phụng dưỡng cha mẹ. Khi còn nhỏ ở với cha mẹ, lớn lên lo ăn học, đến khi ra trường lại lập gia đình sớm và lo cho gia đình mình, cha mẹ vì thế ít có cơ hội được phụng dưỡng. 

Đến khi biết làm cha mẹ, muốn báo hiếu thì cha mẹ qua đời. Chúng tôi có duyên được tiếp xúc với nhiều bạn trẻ bị mất cha mẹ, khi ôn chuyện cũ các bạn thường vỡ òa những giọt nước mắt hối lỗi vì đã làm cha mẹ buồn phiền mà không còn cơ hội báo đáp.

Vậy nên, chúng ta hãy quán niệm về vô thường, bởi sự có mặt của cha mẹ còn sống trong cuộc đời là một phúc duyên, chúng ta nên có những lời nói, cử chỉ, lòng hiếu thảo để cha mẹ có thể nghe thấy được.

Mùa Vu lan năm nay, chúng ta có thể tạm gác mọi công việc về dùng bữa cơm thân mật gia đình, các bạn trẻ nên có những món quà nhỏ để tặng cha mẹ trong bữa cơm sum họp ấy, rồi cùng nhau đến chùa lễ Phật, cầu mong cha mẹ sức khỏe, sống an vui.

* Xin cảm ơn thầy!

"Hiếu" sẽ dẫn lối cho con người vào nẻo thiện

Mùa Vu lan đã dần trở thành nét văn hóa đẹp của người Việt vì đây là dịp nhắc nhở con người quay về bên gia đình, sống có hiếu đạo.

Người con có hiếu là người có đạo đức, biểu hiện của người có đạo đức là biết ơn, trong đó có ơn cha mẹ, ơn Tổ quốc và mọi người trong cuộc sống.

Người sống có đạo đức sẽ biết giữ gìn những nguyên tắc cơ bản như tôn trọng sự sống của mình, mọi người; sống chung thủy; không tham lam, trộm cắp; tôn trọng sự thật, không nghiện ngập...

Nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa Vu lan nên nghĩ tháng 7 là tháng cô hồn rồi cúng kính, đốt vàng mã để... cầu an.

Thực ra như vậy không đúng mà phải tạo các việc lành như bố thí, phụng dưỡng cha mẹ.

Theo Phật giáo, việc lành tối thượng là hiếu kính cha mẹ, người hiếu kính cha mẹ cũng là người có đạo đức. Nên có thể nói hiếu sẽ dẫn lối cho con người đi vào nẻo thiện, trở thành đạo lý đẹp cần được lan tỏa.

Nên nhớ sống thiện là sống an và sẽ được an, không cần cầu!

Thượng tọa THÍCH ĐỒNG NGUYỆN (phó ban trị sự kiêm trưởng Ban hoằng pháp Phật giáo Quảng Nam)

LƯU ĐÌNH LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên