08/07/2025 07:54 GMT+7

BRICS kế thừa Phong trào không liên kết

Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đang diễn ra tại Brazil cho thấy sự cố gắng của nước chủ nhà trong xây dựng khối thành một tiếng nói đi đầu cho phát triển công bằng, bao trùm và củng cố chủ nghĩa đa phương.

BRICS - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva trước khi hai bên hội đàm song phương, bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS vào hôm 5-7 - Ảnh: AFP

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị tại Rio de Janeiro vào ngày 6-7 (rạng sáng 7-7 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã so sánh BRICS với Phong trào không liên kết - một nhóm các quốc gia đang phát triển phản đối việc tham gia vào bất kỳ phe nào trong quan hệ quốc tế. "BRICS là người thừa kế của Phong trào không liên kết", ông Lula da Silva nhấn mạnh.

Củng cố chủ nghĩa đa phương

Nhà lãnh đạo Brazil có tự tin để khẳng định điều này. Việc mở rộng BRICS thời gian gần đây đã tăng thêm sức nặng ngoại giao cho hội nghị lần này với 10 nước thành viên, 10 nước đối tác và sự hiện diện của lãnh đạo Liên hợp quốc cùng các tổ chức quốc tế khác.

"Nếu quản trị quốc tế hiện tại không phản ánh thực tế đa cực mới của thế kỷ 21 thì BRICS phải giúp đưa nó trở lại hiện thực", ông Lula nhấn mạnh.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, trong bài phát biểu khai mạc, cũng nhấn mạnh rằng vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang bị xói mòn, "sự hợp tác mới là sự đổi mới vĩ đại nhất của nhân loại".

Kể từ khi ra đời cách đây 16 năm, BRICS vẫn thường bị diễn giải trên truyền thông phương Tây rằng đây là một tập hợp các nước mong muốn tạo ra thể chế "phi phương Tây hóa".

Trong bối cảnh toàn cầu hiện tại, với sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại, nước chủ tịch BRICS 2025 là Brazil đã đề xuất các con đường cụ thể để có một chủ nghĩa đa phương công bằng hơn.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhà báo Daniel Henrique Diniz (Brazil) chỉ ra việc BRICS trong năm nhiệm kỳ của Brazil đã nỗ lực thúc đẩy các mục tiêu cải cách mà nhiều nước đang phát triển mong muốn như quản trị trí tuệ nhân tạo, cải tổ Liên hợp quốc, tăng hạn ngạch tại Quỹ Tiền tệ quốc tế hay tỉ lệ nắm giữ vốn ở Ngân hàng Thế giới.

Sự coi trọng và tập trung vào các nước mới nổi, đang phát triển đã được thể hiện qua tuyên bố chung của các nước thành viên BRICS ngày 6-7.

"Chúng tôi nhận ra rằng đa cực có thể tăng cường cơ hội cho các nước đang phát triển và thị trường mới nổi (DCS) phát triển tiềm năng xây dựng của họ và hưởng lợi từ toàn cầu hóa và hợp tác kinh tế có lợi, toàn diện và công bằng.

Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của Global South như một động lực của sự thay đổi tích cực, đặc biệt là khi đối mặt với những thách thức quốc tế đáng kể, bao gồm căng thẳng địa chính trị gia tăng, suy thoái kinh tế và chuyển đổi công nghệ tăng tốc, các biện pháp bảo hộ và thách thức di cư" - tuyên bố chung nêu.

"Bằng cách liên kết các hành động của mình với các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), Brazil muốn chứng minh rằng BRICS không chỉ bảo vệ các nước nhóm Global South (phương Nam) mà còn đưa ra các giải pháp toàn cầu dựa trên công bằng, hợp tác và trách nhiệm chung", nhà báo Daniel Henrique Diniz nhận định.

Thông điệp của Việt Nam

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng lần đầu tiên với tư cách nước đối tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận cấp cao BRICS mở rộng về "Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính và trí tuệ nhân tạo".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò và đóng góp của các nước phương Nam (Global South) trong quản trị toàn cầu.

Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động, ông cho rằng các nước cần tiếp tục đề cao đoàn kết, tăng cường hợp tác và đối thoại nhằm xử lý các thách thức với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện, bao trùm.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đưa ra ba đề xuất quan trọng và thiết thực. Thứ nhất, BRICS và các nước phương Nam cần tiên phong làm sống động lại chủ nghĩa đa phương, kiên trì đối thoại và hợp tác trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Theo Thủ tướng, BRICS cần tham gia tích cực thúc đẩy cải cách các thể chế toàn cầu như Liên hợp quốc, IMF, WB, WTO theo hướng đáp ứng thực tế và nhu cầu của các nước đang phát triển, tăng cường hợp tác Nam - Nam; đẩy mạnh kết nối, xây dựng lòng tin và hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Thứ hai, BRICS cần tiên phong trong thúc đẩy tự do hóa thương mại, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia.

Để nâng cao tự chủ chiến lược, BRICS và các nước phương Nam cần tăng cường mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng, huy động và chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án y tế, giáo dục, hạ tầng số, chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba là tiên phong phát huy sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ con người, chứ không thay thế con người.

Theo Thủ tướng, BRICS cần cùng các cơ chế đa phương thúc đẩy xây dựng hệ thống quản trị AI toàn cầu công bằng, an ninh, an toàn, dễ tiếp cận. Xây dựng hệ sinh thái AI tuân thủ các giá trị đạo đức, cân bằng giữa đổi mới sáng tạo và lợi ích xã hội.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng, ngày 6-7 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các nước Cuba, Malaysia, Nam Phi, Ấn Độ, Uganda, Nigeria; tiếp Phó chủ tịch thứ nhất Thượng viện Uzbekistan, Bộ trưởng Ngoại giao Nga và lãnh đạo Tổ chức Thương mại thế giới, Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á...

BRICS kế thừa Phong trào không liên kết - Ảnh 2.Thủ tướng nêu 3 đề xuất tại thượng đỉnh BRICS mở rộng

Phiên thảo luận cấp cao BRICS mở rộng có sự tham dự của 35 nhà lãnh đạo và đại diện các nước thành viên, nước đối tác cùng các tổ chức quốc tế ngày 6-7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên