05/12/2018 10:55 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Việt Nam không cải cách sẽ tụt hậu'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Động lực tăng trưởng Việt Nam chính là cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp phù hợp, hữu hiệu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam không cải cách sẽ tụt hậu - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn cải cách và phát triền VN 2018 - Ảnh: LÊ TIÊN

Diễn đàn thường niên về Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất - "Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới" do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức đã diễn ra sáng 5-12

Ông Nguyễn Chí Dũng, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho rằng yêu cầu cải cách đặt ra cho Chính phủ cần phải xây dựng được hệ thống những giải pháp, hành động cụ thể.

Nhận định nền kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng trung bình 6,85% trong các năm 2018-2020, song ông Dũng cho rằng Chính phủ vẫn luôn ý thức các thách thức, khó khăn. 

Do đó, vấn đề là làm thế nào để tận dụng triệt để được mọi cơ hội, làm rõ các động lực tăng trưởng mới với tầm nhìn, tư duy đổi mới, cải cách.

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Dũng cho rằng nếu không thực hiện cải cách và phát triển, sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại.

Hiện Việt Nam vẫn đang ở thời điểm "vàng", gắn với cơ hội về tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động, cơ hội về hội nhập quốc tế... nhưng Bộ trưởng Dũng cho rằng giai đoạn tới cần giải quyết mối quan hệ giữa cải cách và phát triển, trong cả nhận thức và hành động; dự báo và ứng phó được với những tác động bất lợi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo, tận dụng mọi nguồn lực tư nhân...

Động lực tăng trưởng Việt Nam, theo ông Dũng, chính là cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp phù hợp, hữu hiệu, nhất là thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với đó, ông Dũng cho rằng cần gắn với phát triển kinh tế tư nhân trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; phát triển nguồn nhân lực, coi đó là yếu tố quyết định sự thành công và hiệu quả của tất cả những động lực khác.

Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng mô hình phát triển quốc gia sẽ thay đổi theo hướng mới, theo đó tài nguyên thiên nhiên sẽ bị cạn kiệt như than đá, dầu khí… nên cần chuyển sang mô hình phát triển mới dựa vào khoa học công nghệ.

"Vấn đề là "chọn gen gì là gen trội" trong mô hình kinh tế Việt Nam: nền kinh tế dựa vào nông nghiệp hay yếu tố nào?" - ông Vũ Khoan đặt vấn đề.

Do vậy, ông Khoan cho rằng nhân tố quyết định là chất lượng nguồn nhân lực, phải đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục. 

Ông Kamal Malhotra, trưởng đại diện Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần mô hình tăng trưởng mới để khai phá tiềm năng, hướng tới tăng trưởng xanh dựa trên nguồn vốn, việc làm xanh, và phát triển khu vực tư nhân năng động, từ đó tăng năng suất.

Mô hình này phải gắn liền với cam kết cải cách dịch vụ công, chi tiêu công cùng với cam kết đẩy lùi tham nhũng… tăng cường khả năng cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

"Tăng cường hòa nhập xã hội, giải quyết chênh lệch ngày càng gia tăng để đạt tăng trưởng ngày càng tăng và an sinh xã hội. Làm sao đảm bảo dịch vụ xã hội ngày một tốt hơn, không để ai bỏ lại phía sau" - ông Kamal nói.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên