14/05/2020 08:19 GMT+7

BOT thân thiện, tại sao không?

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Xét về kinh tế, nhiều dự án BOT quốc lộ triển khai trong thời gian qua rơi vào cảnh như chương trình 1 triệu tấn đường từng triển khai cách nay hơn 20 năm.

BOT thân thiện, tại sao không? - Ảnh 1.

Thu phí tự động tại trạm thu phí BOT Cam Thịnh (Khánh Hòa) - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Các nhà máy đường khi đó phần lớn do doanh nghiệp nhà nước đầu tư, nhiều nhà máy thua lỗ nên Nhà nước phải đứng ra giải quyết.

Với BOT quốc lộ, dù tư nhân đầu tư nhưng do Nhà nước có cam kết đảm bảo lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư, hiện nhiều dự án doanh thu không như kỳ vọng, do vậy khó tránh khỏi Nhà nước phải gỡ khó cho các dự án này. 

Vì vậy, không có gì lạ khi Bộ GTVT đề xuất phương án gỡ khó, như ngân sách nhà nước "hỗ trợ" ngàn tỉ cho các doanh nghiệp BOT chưa được tăng phí.

Từng gây ra nhiều lùm xùm, có lẽ chẳng mấy ai ủng hộ gỡ khó cho BOT quốc lộ. Nhưng không thể né tránh thực tế là với dự án BOT triển khai từ 2017 trở về trước, giữa nhà đầu tư dự án và Chính phủ, thông qua hợp đồng BOT, thường do đại diện Bộ GTVT ký kết có cam kết đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Chính phủ cam kết những gì? Đó là lộ trình tăng phí BOT. Là đảm bảo doanh nghiệp BOT đạt lợi nhuận định mức... Nếu phí thu không đạt như kỳ vọng, Nhà nước phải cho kéo dài thời gian thu phí để không phá vỡ phương án tài chính...

BOT thân thiện, tại sao không? - Ảnh 2.

Từ cam kết này mới có chuyện khi dự án không đạt số thu như dự kiến, đã có nhà đầu tư dự án BOT ở ĐBSCL đòi trả lại dự án hoặc Chính phủ phải hoàn trả 880 tỉ đồng làm dự án. Mới đây Bộ GTVT đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp BOT do chưa được tăng mức phí, số tiền trên 5.000 tỉ đồng...

Dư luận không đồng tình với các ưu đãi này. Đặc biệt, so với những gì được bàn thảo gần đây khi xây dựng Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư với "nguyên tắc" như BOT giao thông là phải làm đường mới, không cải tạo đường cũ rồi thu phí; đặc biệt là phải đấu thầu và "lời ăn lỗ chịu", không có chuyện lời hưởng lỗ Nhà nước chịu... thì các cam kết trên là không bình thường. Nhưng đã cam kết, thật khó nếu đảo ngược lại cam kết...

Đã cam kết, đến lúc nào đó Nhà nước cũng phải xắn tay giải quyết "hậu" của BOT quốc lộ vì tình hình tài chính của nhiều dự án rất bi đát. Giải quyết thế nào để quyền lợi của các bên: người dân, Nhà nước, nhà đầu tư không bị xâm phạm là cực kỳ khó. Việc này chẳng kém gì như trước đây khi Chính phủ mất cả chục năm để giải quyết "hậu" chương trình 1 triệu tấn đường.

Khó nhưng phải giải quyết. Không nên kéo dài những lùm xùm quanh các dự án BOT quốc lộ vì dưới mắt người dân, BOT giao thông đã rất xấu xí. Người dân dị ứng BOT giao thông. Ngân hàng quay lưng vì BOT giao thông luôn gắn với nợ xấu, thua lỗ. 

Mới nhất, 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam không thể triển khai bằng vốn của nhà đầu tư trong nước, có lý do khả năng vay vốn ngân hàng... không rõ ràng!

BOT không xấu xí mà do làm không đúng đẩy BOT giao thông vào chỗ "tai tiếng", trở thành gánh nặng cho cả xã hội, vô hiệu hóa một phương thức huy động vốn xã hội để phát triển hạ tầng.

Phải sớm trả lại hình ảnh cho BOT. BOT giao thông vẫn thân thiện với người dân nếu mở thêm đường mới, phải đấu thầu công khai, lời ăn lỗ chịu...

Bộ Giao thông kiến nghị tăng phí để hỗ trợ các dự án BOT Bộ Giao thông kiến nghị tăng phí để hỗ trợ các dự án BOT

TTO - Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án BOT, thay vào đó, Nhà nước không phải chi 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án này.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên