Dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt là một trong những dự án giao thông dang dở, đình trệ lâu nhất tại TP.HCM.
BOT đường nối Võ Văn Kiệt dài 2,7km làm gần 9 năm chưa xong
Cách đây gần 9 năm, dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương được khởi công. Theo hợp đồng, dự án có mốc hoàn thành vào năm 2017. Công trình cấp bách này được kỳ vọng khi làm xong sẽ "chia lửa" với quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh, giúp người dân đi từ trung tâm TP tới cao tốc TP.HCM - Trung Lương gần hơn.
Về quy mô, dự án dài khoảng 2,7km, tổng mức đầu tư 1.557 tỉ đồng. Dự án thực hiện theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (nhà đầu tư), Công ty TNHH MTV BOT TP.HCM - Trung Lương (doanh nghiệp dự án) triển khai.
Đến năm 2020, nhà đầu tư đã dừng thi công. Công trường đình trệ từ đó đến nay, khi tổng sản lượng xây lắp chỉ đạt 140 tỉ đồng, tương đương 12% giá trị hợp đồng. Với việc vi phạm hợp đồng của nhà đầu tư, nhiều năm qua các sở ngành TP đã rà soát thủ tục để chấm dứt hợp đồng nhằm tìm phương án mới triển khai hoàn thành tuyến đường này.
Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát dự án) đã thu thập thông tin, tài liệu liên quan, xác định khối lượng đã thực hiện... Tuy nhiên, do nhà đầu tư chưa cung cấp đủ các hồ sơ nên không có cơ sở xác định khối lượng, giá trị hợp pháp đã thực hiện để thanh quyết toán. Vì vậy, sở ngành TP chưa thể đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (tài trợ vốn cho dự án) để thanh lý hợp đồng.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng hay khởi kiện?
Hiện có hai phương án để chấm dứt hợp đồng đang được các sở ngành TP đánh giá ưu, nhược điểm. Phương án 1 là đơn phương kết thúc hợp đồng. Phương án hai là khởi kiện nhà đầu tư ra tòa án để có kết luận bản án làm căn cứ pháp lý thực hiện.
Trong văn bản gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM ngày 20-5, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho hay theo báo cáo, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã không thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu về chất lượng, tiến độ công việc theo hợp đồng...
Như vậy, bước tiếp theo hiện nay cần thực hiện quy trình về trình tự thủ tục chấm dứt hợp đồng, được quy định tại hợp đồng đã ký. Trường hợp nhà đầu tư không phối hợp, có thể thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc khởi kiện ra tòa.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đề nghị Sở Giao thông vận tải TP.HCM xác định nội dung vi phạm của nhà đầu để từ đó đề xuất việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Sở này cũng lưu ý cần phải tính đến tính khả thi trong việc yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng.
Cụ thể, trong trường hợp nhà đầu tư không hợp tác thì có thể thực hiện được việc thu hồi mặt bằng, nhận các công trình đã xây dựng hay vẫn phải khởi kiện ra tòa để làm căn cứ thực hiện.
Ngoài ra, qua rà soát trong hợp đồng đã ký không có điều khoản yêu cầu nhà đầu tư bồi thường các thiệt hại xảy ra trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do lỗi của nhà đầu tư.
"Việc nhà đầu tư chậm thực hiện dự án tiềm ẩn các thiệt hại về kinh tế - xã hội cho TP. Do đó, trong thông báo gửi nhà đầu tư về việc chấm dứt hợp đồng cần bảo lưu quyền lợi của UBND TP được yêu cầu nhà đầu tư bồi thường các thiệt hại xảy ra do việc nhà đầu tư chậm thực hiện dự án (khi các thiệt hại này được chứng minh hoặc theo đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định)", Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đề nghị.
Đối với phương án khởi kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng viện dẫn quy định trong hợp đồng dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt. Cụ thể, trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận hoặc thống nhất chấm dứt hợp đồng thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định. Về trình tự thủ tục, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đề nghị lấy ý kiến Sở Tư pháp TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận