13/01/2014 08:03 GMT+7

"Bóng ma" Al Qaeda trở lại Iraq

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Từ khi quân đội Mỹ rút đi, “bóng ma” Al Qaeda đã bắt đầu hiện hữu bằng việc tấn công chiếm đóng một số thành phố.

Al-Qaeda chiếm thành phố Fallujah ở Iraq

o49exOkO.jpgPhóng to
Các tay súng nổi dậy dòng Sunni bên chiếc xe quân sự của quân đội Iraq bỏ lại tại Fallujah ngày 9-1 - Ảnh: Reuters

Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), hôm 10-1, thông qua nghị quyết ủng hộ Chính phủ Iraq trước việc quân nổi dậy có dính dáng Al Qaeda chiếm giữ hai thành phố Fallujah và Ramadi, tình hình có vẻ vẫn còn giằng co. Tuy nhiên từ ngày 11-1, người dân tại Fallujah, sau nhiều ngày đi lánh nạn đạn bom, đã bắt đầu quay trở về thành phố.

Một số cửa hiệu đã mở trở lại, đã thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông, tuy nhiên ẩn sau những ngôi nhà loang lổ vết đạn vẫn còn những kẻ nổi dậy trang bị vũ khí. Lực lượng quân đội Iraq chỉ bao vây vòng ngoài chưa thể đột kích vì lo ngại thiệt hại dân sự quá lớn. Người ta cũng chưa thể đoán biết bao giờ thì tình trạng này mới được giải quyết khi mà các chuyên gia quân sự đánh giá rằng lực lượng quân đội Iraq thiếu cả kinh nghiệm, vũ khí lẫn thông tin tình báo để dẹp lực lượng phiến quân.

Vẫn câu chuyện Shiite-Sunni

Ngày 4-1, Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Sham” (ISIL) đã làm chủ thành phố Fallujah thuộc tỉnh al-Anbar của Iraq. Liền sau đó, các tay súng ISIL đánh chiếm thủ phủ tỉnh này là thành phố Ramadi nằm về phía tây. Al-Anbar, giáp giới với Syria, là một trong bốn tỉnh tập trung đông đảo nhất các dòng tộc theo dòng Hồi giáo Sunni ở Iraq.

Việc quân đội Mỹ hoàn toàn rút khỏi Iraq cuối năm 2011 đã tạo môi trường cho các mâu thuẫn phe nhóm, chủ yếu giữa người theo dòng Shiite đang nắm quyền với người theo dòng Sunni được dịp bùng phát trở lại. Chính quyền trung ương Iraq rất lúng túng ứng xử với những hoạt động phản kháng của người Sunni tại các địa phương. Chính phủ hầu như chỉ còn các bộ trưởng người Shiite hoạt động và trên thực tế là Shiite nắm toàn quyền hành pháp. Người Sunni cũng tẩy chay các cuộc họp quốc hội khiến cơ quan lập pháp này hầu như tê liệt. Tình thế “buộc” Thủ tướng Nuri al-Maliki (người Shiite) càng rảnh tay thực thi hành pháp.

Người Sunni bị “mất” vị trí tại trung ương thì càng củng cố thế lực tại các địa phương thánh địa của họ. Các nhóm vũ trang tự phát trong các dòng tộc Sunni xuất hiện trở lại “để tự vệ”. Nhiều vụ đụng độ, thậm chí đổ máu, đã xảy ra giữa người Sunni biểu tình với lực lượng vũ trang của chính phủ khiến cuộc đối đầu càng thêm căng thẳng.

Trong nửa cuối năm 2013, các vụ đánh bom tự sát hầu như xảy ra hằng ngày tại Baghdad và nhiều thành phố khác, đặc biệt nhắm vào các khu vực đông người Shiite. Mới nhất là hôm qua (12-1), một vụ đánh bom xe tại Baghdad đã làm tám người thiệt mạng, 12 bị thương tại một điểm tuyển tân binh.

Kéo Mỹ phải quay lại

Sự “xuất hiện” của ISIL tại Fallujah và al-Anbar “bỗng nhiên” thu hút sự quan tâm của Mỹ, bởi một trong số mục tiêu ít ỏi của chiến lược Mỹ hiện nay tại Trung Đông là “chống khủng bố”. Mỹ chỉ quan tâm đến khủng bố, cũng như vũ khí hủy diệt (hóa học và nguyên tử), bởi nó đe dọa các lợi ích của Mỹ ở bất cứ đâu.

ISIL xuất hiện tham chiến tại Syria, nay “chuyển lửa” về Iraq, trở thành một vấn đề nghiêm trọng, bởi nguy cơ ISIL - al Qaeda rắp tâm kiểm soát một khu vực rộng lớn nối liền miền đông Syria với miền tây Iraq.

Nhưng giải quyết vấn đề ISIL không đơn giản bởi tổ chức này có nền tảng xã hội tại địa phương, có chiến trường - khu vực kiểm soát nhất định và có đồng minh là Mặt trận Nusra (nhóm thánh chiến ra đời tại Syria tháng 12-2012 và tuyên bố trung thành với al-Qaeda, đã bị Mỹ xếp vào danh sách “các tổ chức khủng bố”). Hơn nữa, ISIL chắc chắn được sự trợ giúp của một số thế lực Sunni cực đoan tại chỗ cũng như từ phía môi trường Ả Rập xung quanh.

Năm 2008, quân đội Mỹ khó khăn lắm mới dẹp được al-Qaeda tại Iraq nhờ dựa vào chính người Sunni ôn hòa. Nhiều thủ lĩnh Sunni không chấp nhận sự hà khắc của al Qaeda mà họ coi là “ngoại lai” (từ bên ngoài du nhập vào). Họ đã lập ra các nhóm vũ trang của các dòng tộc để chống lại al Qaeda. Từ các nhóm vũ trang đơn lẻ này, hình thành “Lực lượng thức tỉnh” của người Sunni ôn hòa.

Quân đội Mỹ đã nâng cấp “Lực lượng thức tỉnh”, cung cấp vũ khí, trả lương và yểm trợ hỏa lực cho lực lượng Sunni ôn hòa này trực tiếp chiến đấu với al Qaeda. Đến năm 2010, Lực lượng Thức tỉnh có tới 100.000 tay súng. Nhưng sau khi Mỹ rút hết (năm 2011), chính quyền Nuri al-Maliki đã giải tán “Lực lượng thức tỉnh” vì coi đây là một “hiểm họa Sunni” đối với chính quyền Shiite.

Giờ đây chắc Mỹ cũng phải thuyết phục Thủ tướng al-Maliki dựa vào người Sunni ôn hòa để đối phó với ISIL. Trên thực tế, người Sunni tại al-Anbar hiện nay tuy chống chính phủ al-Maliki nhưng cũng kháng cự lại việc ISIL cướp chính quyền tại Fallujah. Mọi chuyện chỉ có thể ổn thỏa nếu người Shiite và Sunni thật sự hòa thuận với nhau trong một nước Iraq thống nhất.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên