Chuyến đi này kéo dài năm ngày, gồm 36 người và tốn khoảng 1 tỉ đồng, theo lời ông Phạm Ngọc Viễn - phó chủ tịch Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF). Trong chuyến đi năm ngày này, có bốn ngày làm việc.
Đoàn VPF tại Trung tâm bóng đá quốc gia Paju (Hàn Quốc). Ảnh lấy từ facebook cá nhân của ông Cao Văn Chóng - tổng giám đốc VPF |
Từng đi theo đoàn VPF sang Nhật học hỏi cách làm bóng đá chuyên nghiệp trước đây, chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An Võ Thành Nhiệm cho biết chuyến sang Hàn Quốc này cho thấy mỗi nơi có một cái hay riêng. Tuy nhiên, ông Nhiệm cũng cho rằng mô hình của Nhật Bản chuyên nghiệp hơn. Đánh giá chung về chuyến đi Hàn Quốc lần này, ông Nhiệm cho biết: “Chuyến đi làm việc bốn ngày, nhưng ngày làm việc 2-3 giờ/buổi, có ngày làm việc 1-2 giờ/buổi. Nói chung lớt phớt là nhiều”.
Tương tự, phó giám đốc truyền thông CLB Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng chuyến đi Hàn Quốc cũng có những cái mới gây hứng thú. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận rằng những cái mà anh muốn học hỏi thì lại không được đề cập trong chuyến đi.
Vẫn biết tiền của VPF, VFF không phải là ngân sách nhà nước, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, bóng đá cũng chạy ăn từng bữa, vậy mà tổ chức những chuyến đi học tập lớt phớt kiểu du lịch là điều không cần thiết. Trong thời đại Internet bùng nổ, việc nắm thông tin lớt phớt kiểu này chỉ cần ngồi nhà trao đổi qua mạng là quá đủ. Còn gọi là đi học, nên làm như ông tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Thái Lan sang ăn dầm nằm dề cả năm trời ở Anh để học (ông này đi bằng tiền túi của mình!), và sau đó trở về giúp bóng đá Thái lột xác.
Nay học Hàn Quốc, hôm qua học Nhật, hôm trước học châu Âu... nhưng kết quả thì bóng đá Việt vẫn không phát triển, đó là vấn đề mà người hâm mộ có quyền bức xúc, đặt dấu hỏi về những chuyến đi học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận