Người hâm mộ luôn dành hết tình cảm cho đội tuyển bóng đá - Ảnh tư liệu |
So với cuộc đọ sức cũng trong khuôn khổ giải đấu trên vào năm 2015, ở lần "tái ngộ" này bóng đá Thái Lan đã không còn khiến chúng ta phải bận tâm nữa. Bởi đội tuyển bóng đá VN hiện nay vẫn được huấn luyện viên (HLV) Toshiya Miura (Nhật Bản) dẫn dắt, nhưng thể lực, trình độ chuyên môn và nhất là tinh thần thi đấu đã vượt xa nhiều nền bóng đá ở châu Á. VN đứng thứ 30 trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), trong khi Thái Lan đứng ở vị trí 118.
Chúng ta đã một lần giành chức vô địch cấp châu lục và đang hướng đến những mục tiêu xa hơn. Nhất là khi VCK World Cup 2042 sẽ diễn ra tại VN.
Gắn bó với tuyển VN đã 21 năm (chỉ kém Sir Alex Ferguson trước đây có 28 năm làm HLV cho CLB Manchester United của đảo quốc sương mù), HLV Miura nhanh chóng "phải lòng" đất nước và con người VN. Vậy nên, ông đã xin nhập quốc tịch VN và đưa vợ con sang nước ta "định cư". Một điều thú vị nữa là con trai lớn của ông đang khoác áo CLB SHB Đà Nẵng.
Không chỉ vậy, con trai của nhiều cựu danh thủ khác như Cristian Ronaldo (Bồ Đào Nha), Lionel Messi (Argentina) cũng đang chơi cho các đội bóng danh tiếng của VN như CLB TP.HCM, Hà Nội T&T. Về khía cạnh cầm quân, chúng ta cũng “xuất khẩu” nhiều HLV tên tuổi như Lê Công Vinh đang là thuyền trưởng của đội tuyển Indonesia, còn cựu trung vệ Quế Ngọc Hải thì dẫn dắt đội Singapore.
Các cô gái VN cũng không chịu thua kém phái mạnh. Họ vừa đăng quang tại vòng chung kết (VCK) Giải bóng đá nữ châu Á và đang chuẩn bị tham dự VCK World Cup dành cho nữ.
Không riêng bóng đá, nhiều môn thể thao khác của chúng ta đều phát triển mạnh, liên tục gặt hái thành công ở đấu trường châu lục cũng như thế giới. Đặc biệt tại Olympic 2032, lần đầu tiên VN giành được huy chương vàng ở bộ môn bơi lội và bắn súng.
Sự tiến bộ vượt bậc nói trên khiến cho các sân vận động, nhà thi đấu luôn đầy ắp khán giả và họ cư xử rất văn hóa, đúng mực.
Đó cũng chính là kỳ vọng của tôi đối với bóng đá nói riêng và thể thao VN nói chung 20 năm sau.
Muốn có được thành công như trên đầu tiên phải kể đến quyết định sáng suốt khi vào năm 2014 Việt Nam đã xin rút quyền đăng cai Asiad 19 (sẽ tổ chức năm 2018). Nhờ đó, tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn (ít nhất là 150 triệu USD) để đầu tư cho thể thao VN, cơ sở hạ tầng của thể thao được ưu tiên phát triển, ngân sách dành cho việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn của các vận động viên (VĐV), HLV ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, bộ máy lãnh đạo, điều hành của ngành thể dục thể thao (TDTT) cũng cần được củng cố, nâng cao số lượng lẫn chất lượng. Đưa những người có năng lực, phẩm chất, tác phong chuyên nghiệp và tâm huyết với nghề vào làm việc. Biết cách động viên tinh thần cho VĐV khi tập luyện cũng như tranh tài.
Một khi guồng máy này hoạt động trơn tru sẽ thúc đẩy thể thao, đặc biệt là bóng đá nhanh chóng đi lên. Duy trì tốt phong trào “Nhà nhà tập thể thao, người người tập thể thao”.
Chính phủ cũng nên quy định rõ mỗi doanh nghiệp từ 200 công nhân trở lên phải có ít nhất 400m2 sân bãi dành cho việc chơi thể thao. Các dự án chung cư cao tầng, khu dân cư dù bình dân hay cao cấp cũng cần có khu vực dành riêng cho hoạt động nâng cao sức khỏe.
Xây trường học cũng phải đảm bảo trung bình mỗi học sinh có từ 2m2 mặt bằng để rèn luyện thể chất, phát triển thể thao học đường. Đây chính là điều chúng ta đang rất thiếu và yếu. Nếu nhìn sang các cường quốc thể thao sẽ dễ dàng nhận thấy họ luôn chú trọng đến việc giáo dục nâng cao sức khỏe ngay trong trường học. Đội ngũ giáo viên dạy thể dục ngoài việc lên lớp theo giáo án, còn phải biết phát hiện những tài năng thể thao bẩm sinh trong trường, để áp dụng phương pháp bồi dưỡng riêng. Tạo nguồn cung cấp nhân tài cho nền thể thao nước nhà.
Cũng cần có sự cân đối trong phát triển thể thao. Hiện nay ở nước ta đang tồn tại nghịch lý, khu vực nông thôn thì mặt bằng rộng nhưng thiếu tiền xây dựng sân chơi thể thao, còn tại các đô thị, nguồn kinh phí dễ tìm hơn song lại không có mặt bằng để làm nơi tập luyện.
Do vậy, cần quan tâm đầu tư một cách hài hòa giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng, giúp người dân mọi thành phần, lứa tuổi đều được tiếp cận với thể thao. Tận dụng triệt để các không gian cho phép để làm nơi tập thể thao.
Tôi thấy nhiều bãi biển ở Đà Nẵng được chính quyền dựng lên các khung xà đơn, xà kép, hình thành sân bóng chuyền, bóng rổ… để người dân có thêm nhiều lựa chọn chơi môn thể thao mình ưa thích.
Chủ trương xã hội hóa thể thao luôn cần được đẩy mạnh, thu hút nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân tham gia tài trợ cho thể thao. Thời gian gần đây một số bộ môn như bóng đá nữ, bóng chuyền nam rất gian nan trong việc tìm nguồn tài chính để duy trì hoạt động nên phải tăng cường vận động ủng hộ cho thể thao. Các VĐV một khi không còn phải canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền, họ sẽ toàn tâm toàn ý cho việc luyện tập, thi đấu.
Chính sách đãi ngộ hợp lý cho những người phục vụ trong lĩnh vực TDTT trở thành động lực giúp họ luôn cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo. Mặt khác, mỗi VĐV cũng cần ý thức được rằng nếu họ thi đấu trung thực, nhiệt tình thì mới được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ.
Riêng môn bóng đá, bên cạnh những “lò” đào tạo bài bản đã có như: Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - Arsenal - JMG, trung tâm bóng đá Viettel… và hiện nay học viện bóng đá Nutifood - HAGL - Arsenal - JMG ở TP.HCM đang chuẩn bị tuyển sinh khóa đầu tiên. Cần nhân rộng nhiều hơn mô hình này, vì đây là nền móng của bóng đá nước nhà mai sau.
Đưa những em có năng khiếu về môn thể thao “vua” vào trung tâm huấn luyện chuyên nghiệp, giúp các em vừa được học văn hóa lại vừa học đá bóng. Những thế hệ cầu thủ sau này sẽ là những người chơi bóng giỏi và có nhân cách. Thái độ cư xử rất đúng mực của lứa cầu thủ U-19 HAGL năm ngoái là minh chứng thuyết phục nhất.
Cũng cần tiếp tục thực hiện những chuyến tập huấn, cọ xát với các đội bóng ở châu Âu để học hỏi thêm kinh nghiệm thi đấu. Tổ chức nhiều giải bóng đá giao hữu quốc tế như Cúp Nutifood năm 2014 giúp các cầu thủ trẻ nhanh trưởng thành.
Tôi tin rằng 20 năm nữa, thể hình và thể lực của người VN được nâng lên vì ý thức được tầm quan trọng của chơi thể thao. Bởi vậy, chiều đến các sân bãi sẽ luôn đông người tập luyện. Không còn cảnh nhậu nhẹt say sưa dẫn đến tai nạn giao thông hay đánh nhau. Các nhân viên y tế đỡ vất vả còn ngành công an cũng ít việc làm. Mỗi năm người VN cũng không phải tốn 3 tỉ USD mua bia nữa.
Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới. Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15 tuổi đến 30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (Ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi). Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện 2 nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ). Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi. Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất. Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online. Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút. Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi). Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo). Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có: - 1 giải nhất: 25.000.000 đồng - 1 giải nhì: 15.000.000 đồng - 1 giải ba: 10.000.000 đồng - 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015. Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ nguyentran@tuoitre.com.vn. Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận