Thật vậy, ở vòng loại World Cup nữ 2027, đội tuyển Triều Tiên nếu trở lại sau án cấm thi đấu của FIFA sẽ càng khiến việc giành vé không dễ dàng. Vắng Triều Tiên, ba đại diện của bóng đá nữ Đông Nam Á mới có cơ hội giành vé đến World Cup nữ 2015, 2019 và 2023.
Tận dụng cú hích World Cup
Thua cả 3 trận tại World Cup nữ 2023 trước Mỹ (0-3), Bồ Đào Nha (0-2) và Hà Lan (0-7), thầy trò HLV Mai Đức vẫn khiến người hâm mộ phần nào hài lòng khi thi đấu đầy nỗ lực ở lần đầu tham dự đấu trường thế giới.
Nhưng quan trọng là bóng đá nữ Việt Nam sẽ đầu tư như thế nào để phát triển sau những trải nghiệm đáng giá tại New Zealand.
"World Cup 2023 là cú hích cho các bạn trẻ biết đến và tham gia nhiều hơn với bóng đá nữ. Muốn có thể giành quyền dự World Cup nữ tiếp theo, chúng ta phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ với kế hoạch lâu dài. Thực ra, như vậy đã là muộn, bởi ở Nhật Bản, người ta đề ra một kế hoạch dài hơi cho từng mục tiêu cụ thể để đạt thành tích ở sân chơi World Cup như có bao nhiêu lứa U, bao nhiêu cầu thủ", cựu tuyển thủ Văn Thị Thanh chia sẻ.
Con đường đến World Cup của bóng đá nữ Việt Nam sắp tới xem ra vẫn dễ hơn bóng đá nam. Và đó là lý do mà bóng đá nữ Việt Nam phải tận dụng cú hích World Cup nữ 2023 thật tốt để đạt tiến bộ hơn nữa. Vì ngay ở Đông Nam Á, sự trỗi dậy của bóng đá nữ Philippines (thắng Việt Nam trong hai lần đối đầu gần nhất) đang là một thách thức trong việc tranh vé đi World Cup.
Lộ trình lâu dài
Khắc phục điểm yếu chuyên môn và thể hình cho bóng đá nữ Việt Nam như đã thấy ở World Cup nữ 2023 là câu chuyện rất dài. Với Giải nữ VĐQG chỉ có 7 đội, lựa chọn thêm cầu thủ tiềm năng là chuyện không dễ.
Do đó, điều cần nhất là phải có lộ trình đầu tư lâu dài. Trong đó, quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và tạo cơ hội ra nước ngoài tập huấn cho các cầu thủ nữ ngay khi còn là lứa U13 là yếu tố phải chú trọng nhiều nhất. Đây là tiền đề tạo ra một thế hệ cầu thủ nữ mới đủ sức tranh chấp ở sân chơi thế giới.
LĐBĐ Việt Nam (VFF) thời gian qua đã chú trọng rất nhiều trong việc tạo nguồn cho bóng đá nữ. Ngoài đội U15 nữ dự tuyển quốc gia đã có từ trước, VFF còn lần đầu tiên thành lập đội dự tuyển U13 nữ quốc gia vào năm 2020 sau khi đến nhiều tỉnh thành trong cả nước để tuyển quân.
Chăm lo chính cho hai lứa U13 và U15 này là HLV người Nhật Bản Akira Ijiri cùng một loạt cựu tuyển thủ nữ nổi tiếng như Nguyễn Thị Mai Lan (bằng A HLV), Văn Thị Thanh (đang học bằng HLV pro)... Dù vậy, điều quan trọng vẫn chưa thể làm được là chế độ dinh dưỡng và tập huấn nước ngoài cho lứa nữ trẻ tiềm năng.
Nói về chuyện dinh dưỡng, HLV Văn Thị Thanh cho biết các cầu thủ trẻ được ăn uống với chế độ cao. Nhưng để tăng chiều cao thì cần phải chú trọng dinh dưỡng hơn nữa.
Cô nói: "Cho đến giờ, ở cấp CLB hay đội tuyển, chúng ta cũng chưa có chuyên gia dinh dưỡng. Các cầu thủ chỉ mới ăn cho ngon, cho no chứ để ăn cho đủ chất thì chưa được quan tâm đúng mức. Mỗi cầu thủ có giai đoạn phát triển chiều cao khác nhau nên cần bổ sung dinh dưỡng khác nhau".
Chuyện tập huấn nước ngoài cho lứa nữ trẻ cũng cần phải làm quyết liệt. Bởi dù được tập trung đào tạo, nhưng lứa U13 và U15 nữ dự tuyển quốc gia chỉ tập chay trong nước. Điều này không thể giúp chuyên môn cầu thủ nữ phát triển.
Đặc biệt là lứa U19 nữ, nhiều em không có cơ hội đá ở đội 1 của CLB chuyên nghiệp. Ngay các CLB nữ cũng cần phải chú trọng hơn nữa trong đào tạo trẻ. Trong đó, tạo nguồn HLV giỏi là điều cần thiết bởi hiện nay HLV làm bóng đá nữ rất ít.
Giao lưu trực tuyến với thủ môn Trần Thị Kim Thanh
Trưa nay (3-8), đội tuyển nữ Việt Nam sẽ về đến Hà Nội và TP.HCM sau khi tham dự World Cup nữ 2023 tại New Zealand. 16h chiều cùng ngày, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với người hùng của tuyển nữ Việt Nam: thủ môn Trần Thị Kim Thanh.
Mời bạn đọc tham gia và gửi câu hỏi giao lưu với thủ môn đã cản phá thành công cú sút 11m của huyền thoại Alex Morgan (Mỹ) và có thêm hàng chục pha cứu thua xuất sắc trong ba trận đấu ở World Cup 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận