Các bạn trẻ tham gia Xuân tình nguyện tại Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giải quyết việc làm huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) gói bánh chưng ở nhà người dân để tặng các học viên ăn Tết - Ảnh: MY LĂNG
Suốt bốn năm là sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM (từ năm 2004 - 2008), tôi đã có một quyết định trải nghiệm: không đón Tết ở nhà.
1. Tết 2005, cái Tết xa nhà đầu tiên của tôi là ở Trung tâm giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên 2 (Cơ sở xã hội thanh thiếu niên 2) ở Củ Chi, TP.HCM. Giao thừa xa nhà lần đầu tiên mà lại ở nơi khá "phức tạp" đã mang đến cho tôi những trải nghiệm mới lạ đầy thú vị. Nỗi nhớ nhà đã bị "đè bẹp" bởi sự háo hức, tò mò.
Đêm giao thừa, 23h, chúng tôi mỗi người một góc ôm điện thoại gọi về nhà. Nhiều cô nàng mấy bữa trước cười nói giờ khóc thút thít. 23h30, 20 sinh viên rồng rắn, hăm hở, háo hức đi theo đội trưởng đến chúc Tết và tặng bánh chưng cho các phòng.
Chúng tôi ai cũng im lặng, hồi hộp chờ xem phản ứng của các học viên thế nào. Đội trưởng gõ cửa, một gương mặt ló ra sau cánh cửa sắt. Khi biết chúng tôi đến chúc Tết, từ sự lạnh lùng trong tích tắc thành sự bất ngờ, lúng túng và cười ngượng ngùng. Cánh cửa mở ra đầy thân thiện chứ không dè chừng như mấy giây trước đó.
Đằng sau cánh cửa im lìm là một không gian rất khác, không khí xuân tràn ngập: những mâm ngũ quả, bánh kẹo và cả nước ngọt, bia được trang trí rất đẹp mắt, khéo tay và lung linh dưới ánh điện.
Trong phòng, những hình dán, vẽ, cắt hoa mai, hoa đào, chim én, chữ Happy New Year... được các học viên làm rất sinh động, tài tình. Họ còn dùng cả những dải đèn màu nhỏ lấp lánh nhấp nháy để trang trí mâm ngũ quả và treo cả lên trần.
Chủ và khách cùng ngồi quây quần bên nhau. Các anh vui vẻ, nhiệt tình mang ra đủ mọi thứ để đãi khách: hạt dưa, bánh kẹo, giò chả, nước ngọt... Các anh lịch sự mặc vội chiếc áo vào nhưng tay chân vẫn lộ ra những hình xăm ngổ ngáo của một thời, vậy mà lúc đó ngồi gần họ, chúng tôi không còn sợ hay e dè nữa.
Sau những xã giao ban đầu là những lời hỏi han và chia sẻ với nhau như những người bạn, người anh, người em. Phát, nhà ở quận 8, nói: "Mình hạnh phúc lắm, không ngờ các bạn lại hi sinh cả ngày Tết để đến đây đón Tết với những người như chúng mình...".
Khi về, đại diện phòng còn đứng lên chúc Tết và tặng chúng tôi rất nhiều trái cây. Đêm giao thừa, chúng tôi đi khoảng 3-4 phòng chúc Tết. Đến khi trở về phòng đã hơn 1h sáng, xuân đã về ngoài kia...
2. Tết năm 2006, tôi đón cái Tết xa nhà thứ hai ở Trung tâm chữa bệnh Phú Văn (Bình Phước). Khi thấy sinh viên đến, ban đầu những người ở đó giữ khoảng cách, e dè. Chúng tôi nói: "Chúng em đến ăn Tết cùng các anh các chị, sẽ ở đây một tuần", họ không tin. Chúng tôi bắt chuyện, họ né tránh.
Giao thừa, cả nhóm đến chúc Tết. Chẳng ngại ngần, chúng tôi cùng ngồi bệt xuống nền nhà, nắm tay, ôm vai, hỏi thăm thân thiết như những người bạn lâu ngày mới gặp lại. Có người khi thấy chúng tôi quá thân thiện, bẽn lẽn hỏi tụi em không sợ bị lây bệnh sao, không lo gì hay sao...
Và họ chủ động ngồi dịch ra xa chúng tôi một chút. Khi biết trong nhóm chúng tôi có rất nhiều bạn vì khó khăn không về quê ăn Tết, ở lại TP.HCM và đến đây đón Tết cùng trung tâm, nhiều người cảm động rơi nước mắt. Có chị nghẹn ngào nói: "Cảm ơn các em đã đến, chị cứ nghĩ người như mình không còn được ai quan tâm nữa. Đến cả gia đình còn bỏ rơi chị...".
Lúc đó, tôi lại một lần nữa nhận ra ý nghĩa khác của một đêm giao thừa không ở bên gia đình. Thấy người khác hạnh phúc, mình cũng hạnh phúc.
Các bạn trẻ tham gia Xuân tình nguyện và các học viên Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giải quyết việc làm huyện Xuyên Mộc
3. Năm 2007, tôi đón giao thừa xa nhà lần thứ ba ở đồn biên phòng Tịnh Biên - một huyện miền núi biên giới của An Giang. Sau khi nghe đọc thư chúc Tết của Chủ tịch nước, cả đoàn kéo nhau về phòng, cắt bánh tét và khui nước ngọt, trò chuyện đến gần sáng.
Một vài bạn lần đầu đón Tết xa nhà ngồi im lặng đầy tâm trạng. Các bạn gái say sưa kể về những giao thừa ở nhà mình, nhắc đến bố mẹ, ông bà...
Lúc đó chợt nhận ra bạn nào cũng rất yêu thương gia đình mình nhưng dám "đi bụi" để trải nghiệm ở một nơi xa. Có bạn để xua đi nỗi nhớ nhà và ngăn dòng nước mắt chỉ chực tràn bằng cách nghe nhạc rồi đi loanh quanh đồn ngắm cây, ngắm sao.
Còn tôi vào một góc lấy sổ tay nắn nót viết vài dòng về kế hoạch ấp ủ trong năm mới của mình - như người ta thường nói là khai bút đầu năm cho may mắn, nhất là với công việc của một phóng viên tương lai. Khi đặt lưng xuống định chợp mắt, tôi chợt nhớ lại tất cả những hình ảnh không thể quên trong mấy ngày ở Tịnh Biên.
Tôi nhớ buổi chiều đạp xe đi tặng quà một số gia đình nghèo trên con đường xóc lên xóc xuống toàn sỏi đá. Thấy chúng tôi đến thăm, các cô chú ngạc nhiên. Chú Út, gần 50 tuổi, nhận quà từ chúng tôi mà cảm động chảy nước mắt.
Thương nhất là mẹ con cô Phượng ở trong túp lều trống hoác, che tạm bợ bằng mấy tấm nilông. Khi chúng tôi trao quà, cô Phượng rớt nước mắt. Cả đội bàn nhau góp tặng cô Phượng tiền ăn Tết. Bạn nào cũng nhiệt tình đóng góp dù có bạn gia cảnh cũng rất khó khăn...
4. Tết năm thứ tư, năm 2008, chúng tôi đi Bà Rịa - Vũng Tàu, đến Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giải quyết việc làm huyện Xuyên Mộc.
Ở đây, 70% học viên bị nghiện và 50% nhiễm HIV. Khi kim đồng hồ khẽ nhích từng giây chuyển giao năm cũ và năm mới, tôi thấy nhớ nhà, chắc giờ này ba mẹ cũng đang nghĩ đến mình. Chắc ba mẹ buồn lắm vì Tết mà con gái lại vắng nhà.
Nhưng tôi nhận ra rằng: khi mình dành một giao thừa truyền thống để ở bên những người xa lạ, mặc cảm, nghèo khó và mang niềm vui đến cho họ, chính là cũng tạo ra một giao thừa ý nghĩa với mình.
Tôi cũng nhận ra trong cuộc đời, có những điều chúng ta tưởng là cho đi nhưng thật ra đang nhận lại, nhận lại rất nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận