12/02/2015 11:00 GMT+7

​Bơi trong những dòng sông đen

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TT - Những tảng thạch nhũ với hình dạng kỳ quái tủa ra khắp mọi nơi trên dòng sông. Chiếc đèn gắn trên mũ bảo hiểm chỉ đủ soi sáng một bước chân đi.

Đoàn thám hiểm bơi trên dòng sông lạnh lẽo - Ảnh: Tấn Vũ

Những tiếng ầm ào vọng lại từ lời nói của chúng tôi phát ra trước đó như lời ai thì thầm. Một cảm giác rờn rợn ở sống lưng. Nhưng chưa hết, bạn phải trầm mình bơi ngược dòng sông đen ngòm phủ đầy bóng tối ở cái lạnh trên 10OC.

Hang Chim - dòng sông dưới núi

Sau bữa trưa ngắn ngủi, chúng tôi tức tốc hành quân để về nơi cắm trại trước khi trời tối. Những porter (người khuân vác) của chúng tôi không thể cõng hàng đi trong hang Chim vì quá cồng kềnh, họ phải đi một con đường tắt về đích trước để chuẩn bị bữa tối, dựng lều bạt và mắc võng.

Như thường lệ Adam Spillane, chuyên gia hang động của Hiệp hội Hang động hoàng gia Anh vẫn là người dẫn đầu. Vừa vào hang, một cảm giác rất ngột ngạt, khó thở khi phải đi bộ trong lòng núi đá vôi.

Có những đoạn chúng tôi phải đi rất chậm, chân người đi sau phải đặt đúng bàn chân người đi trước, nếu không muốn trượt chân rơi tõm xuống vực.

Vào hơn 100m trong động, Adam khoát tay bảo mọi người dừng lại. Cởi bỏ balô sang một bên, ông bắt đầu quấn dây an toàn vào thắt lưng và tuột trước xuống hẻm núi.

Ánh đèn sáng trên chiếc mũ của Adam nhỏ dần, nhỏ dần đến đáy của bờ sông chỉ còn như một ngọn nến le lói. Nguyễn Văn Phương, hướng dẫn viên của đoàn, kiểm tra và cẩn trọng buộc dây an toàn cho từng người trước khi xuống vực. Anh là người xuống cuối cùng.

Càng xuống sâu không khí càng ít, nhưng ngược lại một cảm giác ấm dần bắt đầu tăng lên. Những tiếng thì thầm từ đâu vọng lại, cảm giác như có dòng người đang đi phía trước chúng tôi hoặc đi theo chiều ngược lại.

Adam giải thích đó chính là tiếng nói của chúng tôi phát ra những âm thanh này vòng vèo đâu đó trong các vách đá rồi “trả” lại chính tai mình.

Những con suối nhỏ róc rách bắt đầu hiện ra. Những con cua đá lưng đen, bụng màu vàng ngước mắt nhìn ánh đèn du khách. Những con nhện màu sắc sặc sỡ giăng tơ trên miếng thạch nhũ ẩm ướt.

Tiếng những con dơi lít chít phát ra trong các khe đá rồi chợt bay vù khi nghe tiếng động. Christopher Leong, 24 tuổi, người Úc, thì thầm: “Có lẽ đây là nơi đẹp nhất mà tôi từng chứng kiến từ khi tôi sinh ra trên đời này”.

Christopher bảo tiếc nuối nhất của anh là không có đủ ánh sáng để ghi lại những tấm hình đẹp. Bởi ánh sáng trên chiếc mũ chỉ đủ soi đường, muốn có những tấm ảnh đẹp bắt buộc phải có đèn chiếu lớn hơn để máy ảnh có thể bắt ánh sáng.

“Mọi người dừng lại, mặc áo phao. Bơi theo hướng của tôi! Cẩn thận” - Adam hô lớn. Sau khi kiểm tra áo phao và balô cho từng người, Adam chậm rãi dò chân dưới mép sông rồi thả mình bơi rất chậm.

Vừa bơi ông vừa dò tìm tránh các mảng thạch nhũ sắc như dao nhọn chĩa lên từ đáy sông. Trầm mình trong dòng nước lạnh chỉ trên 10OC, bơi trong bóng đêm đen kịt không phải là điều dễ dàng. Dòng sông chảy khá chậm, chúng tôi phải bơi ngược nước, không biết phía trước khi nào thì đến đích.

Thỉnh thoảng những khối đá với hình thù kỳ quái nhô ra từ lòng sông đen ngòm như con quái vật khiến không ít người sợ hãi. Giày và quần áo bắt đầu ngấm nước, cảm giác nặng trĩu như sắp chìm xuống lòng sông.

Cái lạnh như muốn đông cứng mọi thứ. Gần 20 phút chúng tôi mới bám được ghềnh đá. Một chút ánh sáng hiện ra cuối dòng sông trong sự mừng rỡ của không ít người đã thấm mệt.

Thác nước thứ nhất trong hang Tú Làn - Ảnh: Ryan Deboodt

Tú Làn - nàng tiên ngủ giữa rừng

Không phải ngẫu nhiên mà Oxalis Adventure Tours chọn hang Tú Làn làm tên chính cho chuyến hành trình mạo hiểm của đoàn.

Vẻ đẹp lộng lẫy của hang Tú Làn như nàng tiên ngủ quên giữa rừng già đã nói lên điều đó. Và để đến thăm được nàng Tú Làn xinh đẹp, du khách phải trải qua một hành trình hiểm nguy là điều tất yếu.

Đêm đầu tiên trong chuyến hành trình của mình, chúng tôi ngủ trong một thung sâu bên những con suối đá phủ đầy rêu xanh. Mỗi người một chiếc võng, bên trong có túi ngủ, màn chắn côn trùng, phủ một lớp bạt để che mưa.

Bữa tối giữa rừng được các đầu bếp là người địa phương bày ra khá thịnh soạn cũng là bữa ăn chính sau một hành trình dài mệt mỏi. Một ít rượu mạnh của Adam mang theo không đủ làm ấm đoàn người. Thêm vài ly rượu gạo của những porter mang theo “giải mỏi”, chúng tôi ngồi quanh đống lửa cho đến lúc tro tàn.

Cũng như Sơn Đoòng, Tú Làn là hang động giấu miệng. Hơn một giờ băng rừng từ nơi cắm trại, miệng hang động mở ra chỉ là vòm đá nhỏ.

Càng vào sâu hang càng rộng ra và tưởng dài đến bất tận. Để đi hết hang động Tú Làn không dễ, cứ hết trèo cao lại lội suối, hết bơi lại xuống vực.

Những gì đoàn khám phá của chúng tôi tập luyện để đu mình bằng dây xuống vực sâu bắt đầu được áp dụng ở Tú Làn. Dù đã thuần thục các kỹ năng tuột dây xuống vực nhưng cảm giác bạn đang tuột xuống một khoảng tối đen ngòm thật không dễ dàng.

Chúng tôi không còn đoán được độ cao của miệng vực là bao nhiêu vì bên dưới là dòng sông. Khi vừa tuột xuống hết miệng vực, lập tức bàn chân chạm vào mép nước. Những chiếc ruột ôtô được bơm hơi căng phồng chờ sẵn bên dưới. Cứ thế hai người bám lấy hai chiếc ruột xe cột vào nhau và chèo đi trong bóng đêm.

Chuyên gia hang động Adam Spillane cho biết ông đã có gần sáu năm ở Quảng Bình. Tất cả hang động mới, cũ đều in dấu chân ông. Nhưng riêng với Tú Làn ông dành cho nó một tình cảm đặc biệt. “Mỗi lần trở lại đây tôi đều thích thú bởi vẻ mỹ miều của nó. Bạn thấy đấy, nhìn mãi những hình ảnh này vẫn không thấy chán bao giờ” - Adam tâm sự.

Chưa ai biết độ sâu của những sông ngầm trong lòng hang Tú Làn là bao nhiêu. Chỉ biết mùa nước cạn những người đàn ông địa phương hay vào đây săn cá chình.

Những thợ lặn với chiếc đèn pin trên đầu lặn sâu vào các hang đá, dùng cung tên bắn những con cá chình to bằng bắp chân.

Tú Làn là một hệ thống hang động gồm năm hang khác nhau. Có chỗ rộng hàng trăm mét, có chỗ dòng sông chợt khựng lại như những bể bơi xanh ngát.

Thạch nhũ ở đây cũng khác lạ, có những nơi tròn như viên bi khổng lồ, có nơi bằng phẳng như một chiếc bàn vuông vức, lại có nơi là hình hài của những cánh đồng ruộng bậc thang khô khốc sau mùa gặt.

Ngồi trên chiếc thuyền bằng ruột ôtô thong dong chèo ra phía miệng hang, Joe Tharayi, người Ấn Độ sống ở Mỹ, kể rằng anh đi khắp nơi từ Nam Mỹ đến Philippines, qua Thái Lan rồi về quê nhà Ấn Độ thám hiểm nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa có nơi nào quyến rũ hơn Tú Làn.

“Lương tôi mỗi tháng 8.000 USD, ở Mỹ không phải là quá dư dả, nhưng tôi sẽ quay lại đây lần nữa trong đời.

Tôi cũng sẽ vào Sơn Đoòng để tận mắt chứng kiến kỳ quan này. Tôi chỉ nghe nói rằng Sơn Đoòng là hang động kỳ vĩ đến độ nó có thể chứa trong mình nhiều hang động lớn trên thế giới. Tôi sẽ đi” - Joe nói.

_________

Kỳ tới: Phu trầm bước ra thế giới

 

 

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên