​Bối rối trước kỳ thi chung

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Năm nay nhiều hiệu trưởng cho biết các hoạt động học tập, hướng nghiệp cho khối 12 rối như tơ vò vì thiếu thông tin về kỳ thi “hai trong một”.

Giáo viên và HS khối 12 lo lắng chờ đợi phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH. Trong ảnh: một tiết học môn sinh của học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Giáo viên và HS khối 12 lo lắng chờ đợi phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH. Trong ảnh: một tiết học môn sinh của học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

 

Tình cảnh này khác đi nhiều năm trước ở thời điểm này các trường THPT đã có phương án tư vấn hướng nghiệp, ôn tập cho học sinh (HS) khối 12.

“Không biết Bộ GD-ĐT còn thay đổi gì nữa không vì lứa HS 12 năm nay đang phải đứng trước những thay đổi quá lớn và quá nhanh về thi cử. Thầy và trò chúng tôi đang hồi hộp, căng thẳng chờ đợi phương án tuyển sinh của các trường để học trò biết đường mà lần” - một giáo viên trưởng khối 12 của một trường THPT tại TP.HCM than thở.

Ôn tập theo kiểu... đoán mò

Thầy NGUYỄN ĐÌNH ĐỘ (phó hiệu trưởng Trường tư thục Thành Nhân, TP.HCM):

Nếu công bố trễ thì không xoay xở kịp

Đề án hai trong một rất hay, nhưng ở thời điểm này các trường ĐH chưa đưa ra phương án tuyển sinh cụ thể. Nếu công bố trễ thì thầy trò không xoay xở kịp, giáo viên khó khăn khi lên lịch dạy học. HS cũng rất bối rối vì các em có thể sẽ phải thi thêm môn, hoặc tham gia các kỳ thi phụ khác theo tiêu chí của từng trường để vào được ngành mình chọn. Hồi trước các em chú trọng vào các môn khối A chẳng hạn thường xem nhẹ môn văn vì nghĩ chỉ cần đạt 4, 5 điểm và lấy điểm các môn kia kéo lại, nhưng năm nay nếu điểm môn văn thấp phải coi chừng. Môn ngoại ngữ cũng được dự đoán là lựa chọn của nhiều trường khi tuyển sinh nên cần được đẩy mạnh trong thời điểm này.

Ở các trường THPT tư thục, ban giám hiệu đang rất đau đầu khi phải lên các phương án và định hướng học tập cho HS. Chưa nói đến chuyện thành tích mà các trường thường cố gắng đạt được để khẳng định uy tín của mình, điều mà phụ huynh mong mỏi khi gửi con vào các trường tư với mức học phí cao là con mình có thể đậu tốt nghiệp THPT và ĐH.

Chính vì vậy, từ lâu các trường tư đã trở thành những “lò luyện” chuyên nghiệp. Giáo viên chủ nhiệm, quản nhiệm, các tổ bộ môn dồn sức cho HS để có thể đạt kết quả cao nhất bằng cách nghiên cứu kỹ lưỡng phương án thi, tuyển sinh, cấu trúc đề thi, tổ chức thi thử, tư vấn, cho HS đăng ký trường thi, nguyện vọng nghề nghiệp từ đầu năm.

Riêng khối thi thì đa số HS trường tư đã được xác định từ đầu năm lớp 10. Tuy nhiên ở thời điểm này, thông tin còn chưa đầy đủ về những thay đổi của kỳ thi quốc gia khiến các trường hoang mang. Nhiều trường cho biết hiện nay vẫn đang hướng dẫn HS ôn các khối thi truyền thống và thêm một số môn thi theo phương thức... “đoán mò” về phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH.

Giáo viên quản nhiệm một trường tư thục ở Q.Bình Thạnh cũng cho biết hiện nay HS chủ yếu ôn theo kiểu “cầu may”, vừa đoán vừa ôn. Ngoài ôn các môn trong khối thi truyền thống, HS sẽ tự chọn và ôn thêm một số môn nữa để phòng khi trường ĐH mình chọn yêu cầu thêm môn thi. Giáo viên cũng cùng HS dự đoán: trường y, kinh tế, bách khoa... có thể yêu cầu thêm những môn gì ngoài khối thi truyền thống để có thể phục vụ nghề nghiệp, từ đó xác định các môn cần phải chú trọng thêm.

Hiện nay ngoài HS chọn thi khối D1, mỗi HS ngoài ba môn thi bắt buộc (văn, toán, ngoại ngữ) chọn ôn thêm 2-3 môn nữa. “Hiện nay HS chọn khối A1 và D1 là khá thuận lợi trong ôn tập, các em chọn khối thi khác thì khóc ròng. Học kiểu này đúng là học để thi, thi xong thì thôi, môn nào không thi thì không học” - giáo viên này nhận xét.

Tạm thời tổ chức ôn tập theo các khối thi truyền thống, chú trọng thêm môn văn và ngoại ngữ là lựa chọn của khá nhiều trường tư thục trong thời điểm này.

Đành phải chờ “nước đến chân”

Tại nhiều trường THPT công lập ở TP.HCM, công tác hướng dẫn, giới thiệu cho HS về những điểm mới của kỳ thi quốc gia năm nay đang được thực hiện trong những buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp.

Tuy nhiên công tác tư vấn thì chưa. “Chưa ai dám tư vấn gì cho HS khi mà chính giáo viên chúng tôi vẫn đang hoang mang không biết phương án tuyển sinh của các trường sẽ ra sao, nên chọn trường nào, ngành nào để giảm thiểu số môn thi. HS hỏi mình đều trả lời là chưa biết, đang chờ, bản thân các em cũng gặp khó khăn bởi với những em có sức học trung bình, việc quyết định chọn ngành nào, trường nào, khối thi nào ở thời điểm này hết sức quan trọng” - giáo viên phụ trách hướng nghiệp một trường THPT tại Q.10 than thở.

Tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (Q.Gò Vấp), một giáo viên cho biết hiện nay HS đang ôn tập ba môn thi bắt buộc và một môn tự chọn. Điều cả giáo viên lẫn HS băn khoăn nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH sử dụng chung một đề thì cấu trúc đề sẽ ra sao, ngoài bốn môn này khả năng HS phải học thêm 1-2 môn nữa. “Bộ cứ thay đổi xoành xoạch khiến cả thầy lẫn trò trở tay không kịp. Lúc đầu nói thi không theo khối, bây giờ lại theo khối, năm ngoái ngoại ngữ có viết bài luận (kỳ thi tốt nghiệp), năm nay lại thi trắc nghiệm hoàn toàn...” - cô nói thêm.

Tại một trường THPT ở Q.5, hiệu trưởng nêu quan điểm: “Với cách thi này, đành chấp nhận HS học lệch. Cơ chế này mà khuyến khích HS học đều tất cả các môn cũng khó. Chính bản thân ban giám hiệu cũng lúng túng huống gì HS. Việc học cần trải đều chứ không phải chờ nước đến chân mới nhảy. Nhưng giờ trường nào cũng phải chờ các trường ĐH công bố phương án tuyển sinh, mà tới lúc đó thì nước đến chân rồi, không biết nhảy có kịp không! Hiện nay chưa thể nói lợi hay hại, nhưng trước mắt HS đã thiệt thòi khi định hướng chọn ngành, chọn nghề. Giáo viên các bộ môn thì rất tâm tư vì bây giờ cùng làm nghề nhưng người thì HS đăng ký dạy không hết, người thì ngồi chơi không”.

Tại trường này, nhà trường đã bước đầu tư vấn cho HS và đề nghị phụ huynh hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho con em. HS cũng được giáo viên đề nghị suy nghĩ, chọn môn thi theo năng lực của mình, tránh trường hợp chọn môn theo phong trào, theo bạn bè nhưng không phù hợp, phải đổi lại khi không còn thời gian nữa. Mỗi em sẽ đăng ký các môn thi thứ 4 và thứ 5, 6 (nếu có), tùy khả năng và định hướng của từng em. Sau đó nhà trường mới có kế hoạch ôn tập.

“Các trường cần đưa ra phương án tuyển sinh càng sớm càng tốt, nếu không sẽ gây một sự nhốn nháo, xáo trộn không hề nhỏ khi công bố. Việc công bố chậm, ảnh hưởng đến việc ôn tập có thể sẽ khiến nguyện vọng nghề nghiệp của HS không thực hiện được. HS đang than thở rất nhiều và thường nói: “Các thầy ở trên cứ bảo an tâm đi, các thầy có đặt mình vào vị trí chúng em đâu mà biết” - hiệu trưởng một trường tư thục tại Tân Phú nêu ý kiến.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên