Phóng to |
Tới đây thị trường thực phẩm chế biến gia cầm trong nước phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt hơn khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Trong ảnh: khách hàng chọn thịt heo tại cửa hàng Vissan, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Nhiều kịch bản cho thị trường nội địa VN được phác thảo, ở đó doanh nghiệp VN sẽ gặp không ít thách thức.
Khó cho nông nghiệp
Lo mất thị phần Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo lắng “điều gì xảy ra với chủ trương vận động người VN dùng hàng VN, sau TPP có thách thức nào với chủ trương này không? Các hàng nước ngoài vào VN một cách chính quy thì thị trường nội địa ắt sẽ khó”. Theo bà Lan, doanh nghiệp VN chỉ còn vài năm để chạy, và nếu không có những động thái tức thì, việc mất thị phần ngay trên sân nhà là khó tránh khỏi. Còn bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, thừa nhận cái được lớn nhất từ TPP là “VN sẽ có một môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch”. Nhưng đổi lại, cái khó lớn nhất của VN “là khả năng hưởng lợi từ các ưu đãi đó”. |
Ông Văn Đức Mười, giám đốc Công ty Vissan, ví von gia nhập TPP cũng có nghĩa mình vào được nhà người ta thì ngược lại họ cũng có thể vào nhà mình. Điều quan trọng nhất để bảo vệ thị trường là phải chứng minh họ không đủ điều kiện vào nhà mình, nói cách khác vấn đề hàng rào kỹ thuật sẽ ngày càng nhiều hơn.
Theo ông Mười, ngay khi gia nhập WTO, VN khó vượt qua các rào kỹ thuật mà các nước dựng lên, cụ thể đến nay thịt bò, heo, gà của VN đều vẫn chưa thể vào Mỹ, châu Âu hay các nước phát triển vì cho rằng VN đang ở trong vùng dịch tễ, sản phẩm không đủ điều kiện đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Trong khi đó, thịt heo, bò, gà từ Mỹ, Chile, Úc... ồ ạt nhập vào VN. “Vào TPP, thuế những nhóm hàng này đương nhiên về mức 0% nên giá cả chắc chắn sẽ rẻ hơn, ngành chăn nuôi trong nước gặp không ít khó khăn” - ông Mười nhận định.
Đại diện Công ty Cầu Tre cho biết dù VN chưa tham gia TPP, thuế nhập khẩu lên tới 15-20%, nhưng rất nhiều sản phẩm chế biến từ thịt đã được nhập vào VN và đang được khá ưa chuộng như xúc xích, thịt xông khói, patê..., khiến nhiều nhà sản xuất trong nước mệt mỏi. So với WTO, TPP quy định chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa hơn, điều VN vốn đang rất yếu. “Sẽ có nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm yếu vốn, làm ăn manh mún phải chết” - ông này nhận định.
Ông Mười cho rằng lợi thế của doanh nghiệp VN là tính truyền thống và am hiểu thị trường nhưng về lâu dài, muốn cạnh tranh được phải thay đổi quy trình sản xuất, đầu tư, kiểm soát quy trình sản xuất sản phẩm tốt. TPP cũng sẽ giúp ngành chăn nuôi của VN thấy cần phải thay đổi, tái cấu trúc toàn bộ ngành nông nghiệp của mình để có sản phẩm cạnh tranh.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp VN, với quy tắc xuất xứ trong TPP, ngành nông sản như trái cây VN hoàn toàn có thể tận dụng được TPP, vì vậy nên tập trung vào thế mạnh này. “Nhiều sản phẩm nông nghiệp VN đã và đang vào nhiều nước nhờ làm tốt quy trình xuất xứ nguồn gốc” - bà Trang nói.
“Có tiếng nhưng không có miếng”
Là thị trường có mức chi dành cho hàng may mặc thời trang lên đến ngàn tỉ đồng/năm, với tốc độ tăng trưởng trong nhiều năm liên tiếp mức 15-20%/năm, nhưng theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), VN vẫn chưa có một thị trường hàng thời trang có khả năng đáp ứng được tất cả mọi nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.
Ở phân khúc hàng bình dân, gần chục năm “đánh nhau” với hàng xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, đến nay hàng may mặc sản xuất trong nước vẫn chưa thể tự tin đứng nổi “một mình một chợ” như mong muốn. “Nếu đi về các tỉnh hoặc vùng ven ở TP.HCM, hàng Trung Quốc vẫn là số 1 đối với sự chọn lựa của người tiêu dùng. Số 1 về giá, về mẫu mã dù chất lượng rất thấp” - bà Đặng Quỳnh Đoan, giám đốc Công ty thời trang Việt Thy, thừa nhận.
Ở phân khúc trung bình khá trở lên, những thương hiệu được cho là có tiếng của VN như N&M, BlueExchange, An Phước, Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Sanding... đếm mãi cũng không hết mười ngón tay. “Ngành dệt may VN lâu nay chỉ tập trung cho xuất khẩu. Còn thị trường nội địa rất ít có nhân tố mới, ít sự đột phá vì không mấy ai mặn mà” - ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, nói.
Sự phân hóa này càng rõ nét hơn nếu đi vào các khu trung tâm thương mại mua sắm hào nhoáng, khi hàng loạt thương hiệu nước ngoài như Gucci, Levi’s, Mango, GAP, Bosini, Zara, H&M, Mango, Uniqlo... ngày một trở nên phổ biến với người tiêu dùng về độ nhận diện, cũng như “bành trướng” hơn về quy mô gian hàng trưng bày, kinh doanh qua từng năm.
“Sự không ổn định về chất lượng của từng đợt hàng đưa ra thị trường, cũng như chưa có nhiều khác biệt trong phong cách thiết kế đã làm người tiêu dùng mau chán, chưa kể giá bán còn khá cao so với mức thu nhập hiện nay khiến sản phẩm N&M chưa thật sự hấp dẫn với người tiêu dùng” - chị Hồng Hạnh, nhân viên kinh doanh Công ty thương mại MN (Q.1), nhận xét.
Ông Lâm Quang Thái, giám đốc thương hiệu thời trang BlueExchange, thừa nhận “việc cạnh tranh sẽ rất khó, đặc biệt nếu doanh nghiệp không tự chủ động chuẩn bị kế hoạch đối phó từ bây giờ”. Việc lệ thuộc gần như tất cả vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu là một trong những nguyên nhân chính khiến giá thành sản phẩm của doanh nghiệp khó có được mức giá cạnh tranh nhất.
Ông Thái Tuấn Chí, giám đốc Công ty cổ phần Thái Tuấn, cho rằng việc VN gia nhập TPP sẽ đem lại tiềm năng tăng trưởng lớn, trong đó cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng nhiều hơn là điều dễ nhận thấy. Tuy nhiên để tồn tại, doanh nghiệp trong nước phải có sự khác biệt và chọn thị trường ngách phù hợp với năng lực của mình. Muốn vậy phải đầu tư vào đội ngũ khoa học kỹ thuật, chất xám, công nghệ cao... tạo ra những sản phẩm khác biệt dẫn đầu, phù hợp với xu hướng” - ông Chí khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận