24/10/2022 21:01 GMT+7

Bộ trưởng yêu cầu bảo đảm nguồn cung xăng dầu 'dù giá cao hay thấp'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược, kinh doanh có điều kiện, nên trong mọi tình huống, dù giá cao hay thấp, dù rủi ro cao hay thấp, bộ trưởng yêu cầu phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Bộ trưởng yêu cầu bảo đảm nguồn cung xăng dầu dù giá cao hay thấp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu - Ảnh: BCT

Ngày 24-10, Bộ Công Thương tổ chức họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng qua bộ này họp với doanh nghiệp đầu mối.

Theo ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2022 được Bộ Công Thương giao 36 thương nhân đầu mối xăng dầu 20,7 triệu m3/tấn. Bộ cũng đã phân giao sản lượng nhập khẩu tăng thêm cho 10 thương nhân đầu mối 2,4 triệu m3 xăng, dầu.

Phân giao tổng nguồn nhưng vẫn khó đáp ứng

Báo cáo từ các thương nhân cho hay tổng nguồn xăng dầu thực hiện trong 9 tháng đầu năm là 17,2 triệu m3/tấn. Trong đó nhiều doanh nghiệp có tổng nguồn gần đạt, thậm chí vượt, thì cũng có những doanh nghiệp không thực hiện theo đúng tổng nguồn được giao.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu quý 4-2022, bộ đã phân giao tổng nguồn cho các thương nhân đầu mối 2,2 triệu m3 xăng; 3,1 triệu m3 dầu diesel cùng các mặt hàng khác… Tổng cộng 5,5 triệu m3/tấn.

Tuy vậy, ông Bùi Ngọc Bảo - chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cho rằng đây là năm "dị biệt", nên doanh nghiệp dù đã đăng ký theo sản lượng nhưng vẫn xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung. 

Lý do, tình hình địa chính trị, giá thế giới biến động rất lớn, doanh nghiệp gặp khó khăn về chi phí, bao gồm chi phí lưu thông, bán lẻ đã được áp dụng suốt từ năm 2014 đến nay và chưa được sửa đổi. Chi phí tạo nguồn gồm giá cả thế giới, premium, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước.

Đơn cử, với chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước, đáng lẽ phải được áp dụng từ 11-7, nhưng đến 11-10 mới được áp dụng, chậm đến 3 tháng nên quý 3 các doanh nghiệp lấy hàng trong nước thiếu tới 600 đồng/lít xăng.

Trong khi đó, chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng biến động lại tăng rất cao, nên dù đã điều chỉnh cũng không sát thực tế, khiến trong quý doanh nghiệp lỗ tại 3 khâu tạo nguồn khoảng 2.000 tỉ đồng.

"Quý 3 chi phí tạo nguồn ở nước ngoài về, theo tính toán, doanh nghiệp chịu lỗ tới 650 đồng/lít xăng. Chưa tính tới những yếu tố do thời tiết, ảnh hưởng của bão gió khiến tàu bè không thể tiếp cận được vào các nhà máy thì đâu đó đứt nguồn là điều dễ hiểu" - ông Bảo phân tích.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho rằng với khối lượng xăng dầu bộ giao chắc chắn phải nhập thêm, nhưng giá cả quý 4 đang rất cao, premium nhập khẩu (chi phí cơ cấu trong giá thành) ở mức trên dưới 10 USD, doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít nên không thể thực hiện được. 

Chưa kể phía ngân hàng chỉ cho vay khi nhập khẩu có lợi nhuận, dù Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất.

Bộ trưởng yêu cầu bảo đảm nguồn cung xăng dầu dù giá cao hay thấp - Ảnh 2.

Ông Bùi Ngọc Bảo kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu, đặc biệt là chi phí tạo nguồn - Ảnh: BCT

Giá cao hay thấp vẫn phải nhập

Ông Bùi Ngọc Bảo kiến nghị để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do bộ đề xuất thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước.

Phương án đưa ra là có thể lấy quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu, bằng với giá trong nước. Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thay đổi 1 lần thì 3 tháng thay 1 lần để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng không phải chỉ Bộ Công Thương quyết định được tất cả các vấn đề liên quan đến quản lý xăng dầu, điều hành xăng dầu mà còn đến nhiều bộ ngành, địa phương khác. 

Theo đó, bộ đã có nhiều đề xuất với nhiều bộ ngành khác liên quan tới điều chỉnh chi phí, nhưng sau 3 tháng đã tăng rất cao và Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đề xuất.

Chia sẻ với những khó khăn và thiệt thòi của các doanh nghiệp đầu mối, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng sắp tới sẽ phải sửa đổi quy định để linh hoạt, phù hợp hơn với thực tiễn. 

Tuy nhiên, ông yêu cầu các doanh nghiệp phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi hoàn cảnh, phải thực hiện ít nhất bằng sản lượng đã cam kết; áp dụng kỷ luật khắt khe hơn giữa đơn vị sản xuất và thương nhân đầu mối để tránh tình trạng ký hợp đồng xong rồi để đấy.

Nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược, kinh doanh có điều kiện, nên trong mọi tình huống dù giá cao, giá thấp, dù rủi ro cao hay thấp, bộ trưởng yêu cầu phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Vì vậy, doanh nghiệp cần lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, mua bán cụ thể, bảo đảm lượng dự trữ. Gắn với ứng dụng phần mềm quản lý, minh bạch hóa thông tin, thuận lợi hóa trong quản lý lưu thông.

Bộ khẳng định sẽ nghiên cứu đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp, trên cơ sở làm rõ nguyên nhân tác động tới thị trường, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sửa đổi cơ chế quản lý phù hợp...

Điều hành xăng dầu vẫn loay hoay, lúng túng Điều hành xăng dầu vẫn loay hoay, lúng túng

TTO - Gần một năm trôi qua, thị trường xăng dầu luôn diễn ra những biến động bất thường, mặc dù Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan đã thường xuyên "bắt mạch" và đưa ra những giải pháp.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên