24/10/2022 08:16 GMT+7

Điều hành xăng dầu vẫn loay hoay, lúng túng

TS NGUYỄN TIẾN THỎA (nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính) - NGỌC AN ghi
TS NGUYỄN TIẾN THỎA (nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính) - NGỌC AN ghi

TTO - Gần một năm trôi qua, thị trường xăng dầu luôn diễn ra những biến động bất thường, mặc dù Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan đã thường xuyên "bắt mạch" và đưa ra những giải pháp.

Điều hành xăng dầu vẫn loay hoay, lúng túng - Ảnh 1.

Một cây xăng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM tạm dừng bán (ảnh chụp ngày 19-10) - Ảnh: NHẬT XUÂN

Nhưng có lẽ kết quả "bắt mạch" chưa chuẩn xác.

Thiếu giải pháp kinh tế

Do chưa tìm ra trúng những nút thắt ở đâu nên các giải pháp ứng xử, các biện pháp can thiệp nhiều hơn vẫn chủ yếu xoay quanh giải pháp mang tính mệnh lệnh hành chính như hô hào, kiểm tra, xử phạt, rút giấy phép...

Đây là những giải pháp cần thiết trong bối cảnh thị trường lộn xộn, nhưng lại thiếu đi những giải pháp điều tiết kinh tế cốt lõi. Tệ hơn, đại biểu Quốc hội còn đánh giá Bộ Công Thương và bộ liên quan còn đổ lỗi qua lại cho nhau.

Từng trực tiếp tham gia điều hành giá xăng dầu, cá nhân tôi nhận thấy việc điều hành thời gian qua vẫn loay hoay, lúng túng trong việc xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường.

Chính vì vậy, doanh nghiệp kinh doanh thì kêu lỗ, một số nơi đứt đoạn nguồn cung, người tiêu dùng thì bất bình do khó mua xăng dầu.

Vậy nút thắt của dòng chảy xăng dầu ở đâu? Cung - cầu căng vì sao?

Trước hết, việc nhập xăng dầu trên thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn. Nhập khẩu ở thị trường có thuế suất ưu đãi thì hàng không có nhiều, nhập khẩu ở thị trường có thuế cao hơn mức thuế suất ưu đãi thì không được phép, do lỗ.

Doanh nghiệp không được tăng thêm hạn mức tín dụng. Chi phí đưa xăng dầu về nước như premium, chi phí vận chuyển... tăng cao hơn quy định nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp. Giá trị thị trường biến động liên tục, nhưng chu kỳ tính giá trong nước thì dài, dẫn đến những rủi ro rất lớn khi đưa hàng về bán theo giá trong nước.

Chính vì vậy, một số thương nhân đầu mối hạn chế nhập, nhập cầm chừng, thậm chí không nhập. Chưa kể 12 thương nhân đầu mối bị tước giấy phép không nhập khẩu trong tháng 7, tháng 8-2022, dẫn đến nguồn cung thêm căng thẳng... Số liệu công bố của Bộ Tài chính cho thấy lượng nhập khẩu xăng dầu quý 3-2022 giảm 30 - 40% tùy loại so với quý trước đã minh chứng điều đó...

Thương nhân đầu mối chỉ đảm bảo cung ứng cho hệ thống của họ, thương nhân phân phối khó mua được hàng. Mặt khác, giá bán lẻ không đủ bù giá vốn, gây lỗ cho các chi phí như premium, tỉ giá, chi phí kinh doanh định mức không được tính đúng, tính đủ... 

Theo dây chuyền, chiết khấu bán lẻ bị cắt giảm còn 0 đồng, thậm chí chiết khấu âm. Đương nhiên các cửa hàng bán lẻ sẽ bị lỗ và không cách nào khác họ phải đóng cửa, ngừng bán hàng... Bởi họ là doanh nghiệp kinh doanh chứ không phải là doanh nghiệp công ích, nên không thể tuân theo lời hô hào: bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống, bằng mọi giá.

Cần thay đổi quy định

Thực tế thị trường xăng dầu là như vậy, không nhìn thẳng thì không thể xử lý bình ổn được. Thiết nghĩ cấp bách cần có một tổng chỉ huy quyết sách ngay các giải pháp để các bộ thi hành, mới mong bình ổn thị trường.

Trong đó, giải pháp cần tập trung trước hết là cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu không chỉ ở thị trường có thuế suất ưu đãi mà ở cả những thị trường có mức thuế suất không ưu đãi, chấp nhận mức thuế suất này trong giá cơ sở, để chủ động nguồn cung hơn. Đi liền với đó là tính toán tăng thêm hạn mức tín dụng.

Các cơ quan liên quan cũng cần bãi bỏ ngay các quy định thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối bằng quy định: chỉ được mua hàng của hai thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối phải đăng ký, cam kết số lượng mua, đăng ký hệ thống thuộc mình quản lý với thương nhân đầu mối đã ký kết.

Phải điều chỉnh ngay các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã lỗi thời theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Cần hướng dẫn các đầu mối, thương nhân phân phối tỉ lệ tối thiểu cho từng khâu trong tổng số chi phí kinh doanh định mức, để chấm dứt tình trạng chiết khấu 0 đồng.

Cần giảm chu kỳ tính giá còn 5 ngày

Cần đổi mới chu kỳ tính giá theo hướng rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. Đặc biệt, cần tránh tính giá thế giới bình quân gồm cả các ngày nghỉ do đây là những ngày không công bố giá. Không lùi ngày điều hành giá trong nước khi trùng ngày nghỉ, lễ, Tết... nhằm phản ánh sát hơn biến động của giá thế giới, giảm sự lệch pha giữa giá trong nước và giá thị trường thế giới.

Ổn định thị trường xăng dầu: Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Ổn định thị trường xăng dầu: Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

TTO - Hôm nay 12-10, Bộ Công Thương sẽ chủ trì cuộc họp với các thương nhân sản xuất và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.

TS NGUYỄN TIẾN THỎA (nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính) - NGỌC AN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên