Các doanh nghiệp bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép đứng trước nguy cơ bị phạt nếu xuất nhập khẩu xăng dầu - Ảnh: TỐNG DOANH
Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Công Thương với năm thương nhân đầu mối xăng dầu phía Nam đã được cơ quan này ban hành trước đó.
Cơ quan này cho biết đã có công văn đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến về việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu một tháng đối với năm thương nhân này. Tuy nhiên, đến nay Tổng cục Hải quan cho hay chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ Công Thương.
Theo cơ quan hải quan, trong thời gian thương nhân bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thì sẽ không đủ điều kiện để nhập khẩu xăng dầu.
Tổng cục Hải quan thông tin thêm trong khoảng thời gian từ 31-8 đến 10-10 đã có hai công ty làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu. Đây là hai trong số năm doanh nghiệp bị Thanh tra Bộ Công Thương xử phạt vi phạm rút phép có thời hạn trong một tháng, nhưng hiện đang áp dụng việc tạm đình chỉ hình thức xử phạt này. Bao gồm Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp và Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu.
Vì vậy, cơ quan hải quan cho rằng để có căn cứ cho các thương nhân làm thủ tục xuất nhập khẩu xăng dầu, đề nghị Bộ Công Thương xem xét và có ý kiến trả lời, cũng như cung cấp thông tin về thời điểm các thương nhân này nhận được quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Công Thương để Tổng cục Hải quan làm căn cứ thông quan hàng hóa, hoặc xử phạt vi phạm nếu có.
Trước đó (ngày 6-9), Thanh tra Bộ Công Thương đã chính thức có thông báo về việc tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với năm doanh nghiệp đầu mối phía Nam. Văn bản này cũng được gửi tới Tổng cục Hải quan và các cơ quan liên quan.
Việc tạm dừng rút giấy phép với năm doanh nghiệp đầu mối được thực hiện cho tới khi các đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xem xét, trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận