06/11/2014 17:58 GMT+7

​Bộ trưởng Thăng kêu khó cách chức quân mình sai phạm

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Bộ trưởng Bộ GTVT  Đinh La Thăng cho biết như vậy tại Hội nghị kiểm điểm, đánh giá tình hình triển khai các dự án BOT nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 và quốc lộ 14.

Hội nghị do Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) tài trợ tổ chức ngày 6-11.

Nhiều chuyện loanh quanh nên khó xử lý

Ông Thăng cho biết mục tiêu là phấn đấu hoàn thành toàn bộ các dự án mở rộng quốc lộ (QL) 1 và QL 14 vào cuối 2015,  trước một năm so với yêu cầu. 

Theo ông Thăng, Thủ tướng nhắc đi nhắc lại nhiều lần tiến độ các dự án này phải nhanh nhưng chất lượng phải là số một. Vì vậy, Bộ GTVT đã thành lập Hội đồng nghiệm thu các dự án.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng phát biểu tại một buổi họp - Ảnh tư liệu
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng phát biểu tại một buổi họp - Ảnh tư liệu

“Nếu thứ trưởng này chỉ đạo dự án này thì hội đồng nghiệm thu là thứ trưởng khác để có sự kiểm tra giám sát chéo lẫn nhau. Kiên quyết xử lý những nhà thầu, chủ đầu tư làm không nghiêm túc”- ông Thăng cho biết.

Tuy nhiên ông Thăng cho biết là bản thân rất tiếc là bộ trưởng không có quyền xử lý trực tiếp nhà thầu, chủ đầu tư có sai phạm. Bởi vì muốn xử phạt nhà thầu thì phải làm văn bản đề nghị thanh tra Sở Xây dựng của địa phương có dự án mới phạt được.

“Chất lượng thì Bộ trưởng Bộ GTVT chịu trách nhiệm nhưng xử phạt thì phải đề nghị Chánh thanh tra Sở Xây dựng phạt." - ông Thăng nói.

Ông Thăng phát biểu: "Muốn cách chức một ông quân mình làm bừa làm ẩu cũng không cách chức được. Bảo cách chức ngay thì Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ bảo là sai, phải kiểm điểm từ dưới lên rồi Bộ thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét thì mới xử lý kỷ luật được hay không thì bộ trưởng mới ký quyết định."

"Nếu cách chức ngay thì người vi phạm không kịp thời gian để xoay xở. Còn “ngưng” thì người vi phạm có thời gian để xoay xở như nói “em là quê ở Bình Định cách nhà anh Bắc Hà (Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV) 3m nên anh Hà gọi điện bảo thôi tha cho nó lần đầu nên không xử lý được. Ví dụ có những chuyện như vậy. Có rất nhiều chuyện chạy loanh quanh nên rất khó xử lý. Còn đình chỉ là bình thường nhưng đình chỉ xong có xử lý được hay không lại là chuyện khác”- ông Thăng nói.

Đường có vấn đề phải làm lại

Tại cuộc họp, thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết qua kiểm tra các dự án mở rộng QL 1 và QL 14 cho thấy vốn đối ứng là vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư không đủ.

Tại hội nghị Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi về những nghi ngại rủi ro mà nhiều người đặt ra  khi ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay dài hạn với nhiều dự án giao thông.

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV - cho biết hiện nay tổng dư nợ của BIDV trong các dự án kết cấu hạ tầng chiếm tỉ trọng khoảng 18% trong tổng số nợ. Với QL 1 và QL 14,  BIDV cung cấp tín dụng hơn 17.000 tỉ đồng trên tổng dư nợ xấp xỉ 450.000 tỉ đồng. Đây không phải là tỉ trọng lớn.

Quy định  phải đủ 15% vốn chủ sở hữu trong tổng mức đầu tư (TMĐT) của dự án thì ngân hàng mới cho vay. Bây giờ nhà đầu tư không đủ tiền đối ứng thì cần cam kết để ngân hàng giải ngân. Bởi vì không đủ vốn đối ứng thì ngân hàng không cho vay thì dự án  lại tắc.

Ông Trường cũng cho biết thêm có hiện tượng nhà đầu tư làm khó, thanh toán hạn chế cho nhà thầu như chỉ thanh toán 70%, nhà đầu tư giữ 30%  nên tiến độ không đảm bảo.

Vì vậy, ngoài nhà đầu tư, chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy định thì cần thiết ngân hàng phải can thiệp điều chỉnh: nếu không giải ngân cho nhà thầu  thì không cấp vốn cho chủ đầu tư.

Ông Trường đề nghị nhà đầu tư cần thanh toán 95% cho nhà thầu, giữ lại 5%  vốn làm cam kết.

Ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc BIDV - cho biết theo quy định thì nhà đầu tư phải có 15% vốn đối ứng mới được vay. Nhưng do các dự án giao thông có TMĐT lớn nên làm nhà đầu tư đuối vốn đối ứng.

Để đảm bảo tiến độ các dự án mở rộng QL 1 và QL 14, BIDV đồng ý giải quyết theo cách BIDV cho vay và nhà đầu tư giải ngân song song với BIDV, cho phép nhà đầu tư ứng bằng khối lượng, vật tư, vật liệu.

Với nhà đầu tư thiếu vốn chủ sở hữu, ông Đinh La Thăng đề nghị BIDV giải ngân đến 85% TMĐT của dự án, phần còn lại nhà đầu tư phải cam kết bỏ vốn chủ sở hữu.

Theo ông Thăng, đến giai đoạn này các dự án cần tiền lớn để mua nhựa và thảm nhựa, nếu BIDV không giúp giải ngân thì khó khăn. Về chất lượng dự án, ông Thăng cho biết tất cả dự án mà phát hiện chất lượng có vấn đề thì phải làm lại.

Đến thời điểm này BIDV đã chấp thuận tài trợ cho 12 dự án BOT nâng cấp mở rộng QL 1 và QL 14. Trong đó ký kết hợp đồng tín dụng cho 11 dự án với tổng số tiền cam kết cho vay là 17.362 tỉ đồng (chiếm 45% tổng mức cam kết của các tổ chức tín dụng là 38.662 tỉ đồng cho tổng số 23 dự án BOT mở rộng QL 1 và QL 14).

Nếu tính cả  số tiền BIDV dự kiến cho vay với các dự án BOT khác đang thẩm định thì BIDV đã cam kết tài trợ tới 20.765 tỉ đồng cho các dự án hạ tầng giao thông và trở thành ngân hàng tài trợ lớn nhất, chiếm khoảng 50% số dự án tài trợ cũng như số tiền tài trợ.

 

 

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên