Theo tờ Khmer Times, ông Austin có mặt tại Phnom Penh ngày 4-6, sau khi dự Đối thoại Shangri-la ở Singapore và gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Cả ông Austin và ông Manet đều từng học tại Học viện quân sự West Point của Mỹ, ông Austin tốt nghiệp năm 1975, còn ông Manet tốt nghiệp năm 1999.
Trong chuyến thăm, ông Austin cũng sẽ gặp cựu thủ tướng Hun Sen, hiện là chủ tịch Thượng viện Campuchia, Phó thủ tướng Tea Seiha, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia.
Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry nói rằng chuyến thăm của ông Austin sẽ là "một cơ hội tốt khác để thúc đẩy quan hệ và quan hệ giữa hai nước".
Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng chuyến thăm chính thức sẽ tái khẳng định tình hữu nghị lâu dài, và nhấn mạnh cam kết của Bộ Quốc phòng Mỹ và Lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia về quan hệ đối tác quan trọng, tăng cường hợp tác quốc phòng nhằm duy trì vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của hai nước cũng như của toàn khu vực.
Theo Hãng tin AFP, mối quan hệ giữa Washington với Phnom Penh lạnh nhạt trong nhiều năm, trong khi Trung Quốc đổ hàng tỉ USD vào đầu tư cơ sở hạ tầng ở Campuchia dưới thời ông Hun Sen.
Mỹ cũng bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc có thể sử dụng căn cứ hải quân quan trọng của Campuchia để tăng cường ảnh hưởng ở vịnh Thái Lan. Campuchia đã phủ nhận điều này.
Chuyến thăm của ông Austin diễn ra chỉ vài ngày sau khi Campuchia và Trung Quốc kết thúc cuộc tập trận quân sự Rồng Vàng thường niên, với sự tham gia của một số tàu chiến Trung Quốc và hàng trăm binh lính.
Đầu năm 2017, Campuchia đã hủy bỏ một cuộc tập trận chung tương tự với lực lượng Mỹ. Nhà phân tích chính trị Campuchia Ou Virak nói với AFP rằng việc tái khởi động các cuộc tập trận chung có thể là một điểm thảo luận trong chuyến thăm của ông Austin.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng muốn truyền tải một thông điệp tới Bắc Kinh, "rằng khu vực này quá quan trọng và Trung Quốc sẽ không thể muốn làm gì thì làm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận