15/06/2018 17:42 GMT+7

Bộ trưởng Nhạ nói các trường dù khó tuyển cũng đừng 'vơ vét'

ĐẶNG THẢO - TRẦN HUỲNH
ĐẶNG THẢO - TRẦN HUỲNH

TTO - Trong công tác tuyển sinh năm nay, Bộ trưởng yêu cầu các trường đại học cân nhắc, dù khó khăn đến mấy cũng không thể "vơ" bằng mọi cách.

Bộ trưởng Nhạ nói các trường dù khó tuyển cũng đừng vơ vét - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị tại đầu cầu TP.HCM - Ảnh: ĐẶNG THẢO

Chiều 15-6, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018.

Hội nghị tổ chức trực tuyến tại 5 đầu cầu truyền hình: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vinh, Cần Thơ với sự tham dự của đại diện các cơ sở giáo dục đại học cao đẳng và trung cấp trong cả nước.

Không được sơ sót, không để lọt, lạc đề thi

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng hội nghị này không phải để tổng kết, báo cáo thành tích mà nhằm phân tích những hạn chế để rút kinh nghiệm từ công tác tổ chức tuyển sinh năm 2017 và để bàn về công tác tuyển sinh năm 2018, hạn chế tối đa những sai sót nhỏ nhất có thể xảy ra.

Theo Bộ trưởng, 3 năm vừa qua cả nước thực hiện kỳ thi "2 trong 1", vừa xét tuyển tốt nghiệp, vừa phục vụ tuyển sinh. Năm đầu thành công nhưng bộc lộ không ít vấn đề. Tiếp đó, năm 2016 và 2017 kỳ thi đã tốt hơn nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập.

"Vấn đề của năm nay là cần khắc phục những bất cập đó để kỳ thi tốt hơn nữa. Quan trọng đặc biệt là công tác chuẩn bị để kỳ thi diễn ra an toàn, tuyệt đối không sơ sót, không lọt, lạc đề thi. Ví dụ việc lọt đề thi vừa rồi ở Hà Nội, một giáo viên mà làm ảnh hưởng cả kỳ thi", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, kinh nghiệm cho thấy nguyên nhân gốc rễ của sai sót là không nắm rõ quy chế, không đọc quy chế và đọc tắt quy chế.

"Vì thế phải rút kinh nghiệm từ những sai sót năm trước như nguyện vọng xét, điểm đầu vào, chỉ tiêu. Các trường được phép tự chủ nhưng phải chịu chất lượng đầu vào của sinh viên cũng như chất lượng đầu ra", Bộ trưởng nói thêm.

Trong công tác tuyển sinh năm nay, Bộ trưởng yêu cầu các trường đại học cân nhắc, dù khó khăn đến mấy cũng không thể "vơ" bằng mọi cách. 

Thương hiệu chất lượng của một trường được xây dựng từ điểm đầu vào. Điểm đầu vào thấp sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo.

Những điểm mới cần lưu ý

Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết về cơ bản kỳ thi năm nay được giữ ổn định như năm 2017, có một số điểm mới thí sinh cần lưu ý.

Thứ nhất, nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, chủ yếu là lớp 12. Nâng cao độ phân hóa của đề thi.

Thứ hai, thí sinh đã đăng ký dự thi cả hai bài tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thì phải thi đầy đủ hai bài thi này mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thứ ba, thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp rút ngắn xuống còn 10 phút thay vì 20 phút như năm 2017. Điều chỉnh này phù hợp với thực tế, vừa bảo đảm tổ chức thi an toàn, tránh các bất cập có thể xảy ra.

Thứ tư, phải có chữ ký, họ tên của phó trưởng điểm thi là cán bộ của trường ĐH, CĐ lên niêm phong túi đựng bài thi. Điểm thi được làm tròn đến hai chữ số thập phân. 

Quy luật phát đề thi cho thí sinh (nhất là với các bài thi trắc nghiệm) được quy định trong hướng dẫn thực hiện quy chế.

Ông Trinh cũng cho biết hơn 45.000 cán bộ giảng viên được điều động cho kỳ thi năm nay. Hiện đề thi đã sẵn sàng, các địa phương cũng sẵn sàng để tổ chức thành công kỳ thi.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 sẽ diễn ra trong 3 ngày 25, 26 và 27-6.

Thi THPT Quốc gia 2018 sẽ không hỏi quá khó về tính toán Thi THPT Quốc gia 2018 sẽ không hỏi quá khó về tính toán

TTO - Đây là chia sẻ của TS Sái Công Hồng, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT tại buổi họp báo về việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 27-4.

ĐẶNG THẢO - TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên