Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT trong cuộc họp báo - Ảnh: NGỌC HÀ
Trong số 925.964 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, có 868.980 thí sinh đang là học sinh lớp 12, tăng gần 7% so với năm 2017.
Có 237.320 thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp THPT, 688.641 thí sinh đăng ký xét tuyển. Tổng số nguyện vọng của thí sinh là 2.750.444, tăng 7,1% so với năm 2017.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất là 50 nguyện vọng.
Cũng theo số liệu được Vụ giáo dục Đại học cung cấp, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường đại học và các trường trong khối đào tạo giáo viên là 455.174, tăng 1,2% so với năm 2017. Riêng chỉ tiêu đào tạo sư phạm giảm 38% so với năm 2017 với 35.590 chỉ tiêu.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết cũng như năm 2017, đa số thí sinh vẫn sử dụng các khối thi truyền thống để xét tuyển.
Trong đó tổ hợp có nhiều thí sinh đăng kí nhất là A00 (Toán, Lý, Hóa); D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh); A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh); B00 (Toán, Hóa, Sinh); C00 (Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý). Năm 2018, các tổ hợp này chiếm gần 90% (năm 2017 là 92%).
Trong số các tổ hợp trên, tổ hợp A00 có số nguyện vọng nhiều nhất là 848.444, chiếm 30,83%. Kế tiếp là tổ hợp D01 với 743.246, chiếm 27,01%. Các tổ hợp còn lại chỉ có khoảng 10,49% số nguyện vọng đăng ký.
"Không phải cứ có nhiều tổ hợp sẽ có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển", đại diện Bộ GD-ĐT nhận xét.
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết chủ trương trong xét tuyển ngành sư phạm nhằm nâng chất lượng đào tạo sư phạm cũng có những tác động thể hiện ở số liệu đăng ký dự thi.
Cụ thể, tổng số nguyện vọng vào sư phạm giảm 29%, riêng nguyện vọng 1 vào sư phạm giảm 27% so với năm 2017
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận