06/01/2020 13:28 GMT+7

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: ‘Vẽ quá nhiều, doanh nghiệp kêu là phải xem lại'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Nhiều thủ tục liên quan đến chỉ số khởi sự kinh doanh được đánh giá là còn phức tạp, gây mất thời gian cho doanh nghiệp nên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu cắt giảm và ban hành quy trình mẫu.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: ‘Vẽ quá nhiều, doanh nghiệp kêu là phải xem lại - Ảnh 1.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng họp với các bộ ngành để tháo nút thắt về thủ tục nhằm cải thiện môi trường kinh doanh - Ảnh: N.A

Sáng 6-1, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp bàn về giải pháp cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh và chỉ số tiếp cận điện năng theo đánh giá tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB).

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cho biết theo đánh giá tại Báo cáo môi trường kinh doanh 2020, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 115/190 nền kinh tế, giảm 11 bậc so với năm 2018 (xếp thứ 104/190), với tổng số 8 thủ tục phải thực hiện.

Những bất cập trong thực hiện quy định, thủ tục hành chính liên quan đến khởi sự kinh doanh được chỉ ram như: thành lập doanh nghiệp dù đã thực hiện trực tuyến nhưng vẫn tiếp tục phải nộp hồ sơ giấy; doanh nghiệp có thể tự in hoặc mua hoá đơn nhưng mất nhiều thời gian thực hiện; việc thực hiện con dấu và chữ ký số…

Đặc biệt, tình trạng cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, dữ liệu về lao động… chưa được tích hợp, kết nối... dẫn tới yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý vẫn trùng lặp, rời rạc, có tình trạng cát cứ thông tin.

Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng bộ này là cơ quan đi đầu trong điện tử hoá hệ thống đăng ký kinh doanh từ 2010. Tuy nhiên, do chi phí cho chữ ký điện tử "vẫn rất đắt", với 1,5 triệu đồng/chữ ký/năm, nên nếu bỏ con dấu và thay chữ kiến điện tử chi phí tăng lên là lợi bất cập hại.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Kinh doanh và môi trường cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng nếu kết nối liên thông các đơn vị có thể giảm 25% chi phí và thời gian thực hiện thủ tục nên cần được tập trung cải cách. 

Trong số đó, bà Thảo nhắc đến những thủ tục mà doanh nghiệp kêu rất nhiều, như đăng ký số lao động dù được đánh giá là đơn giản, nhưng trên thực tế lại "không phải như vậy".

"Tờ khai vô cùng phức tạp, doanh nghiệp chưa hoạt động, chưa có số lượng lao động nào để đăng ký trên đó, nên cần có chỉ đạo sửa thông tư 23 (quy định liên quan đến báo cáo về lao động - PV) sớm nhất có thể, sau đó tích hợp đăng ký kinh doanh" - bà Thảo nhấn mạnh.

Thông tin về phương pháp đánh giá về Môi trường kinh doanh, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết các chỉ số đánh giá không phân biệt là thủ tục hay không, mà dựa trên các bước mà doanh nghiệp phải thực hiện khi đăng ký khởi sự kinh doanh.

Đơn cử như về con dấu, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện quy trình mất 1 ngày, hoặc thủ tục thuế, quy định là sau 2 ngày thông báo cơ quan thuế không có ý kiến phản hồi doanh nghiệp được tự in, nhưng sau đó lại phải mất thêm bước khai báo lại số seri nên thời gian nhiều hơn 2 ngày theo quy định.

Lấy ví dụ từ yêu cầu thủ tục khai báo lao động của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Dũng cho rằng đang còn nhiều khâu, thủ tục rất phức tạp. 

"Khai báo lao động với doanh nghiệp bắt đầu hoạt động, 6 tháng, 1 năm, rồi lại giữa kỳ báo cáo điều chỉnh, vẽ quá nhiều doanh nghiệp kêu là phải xem lại" - ông Dũng nói.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết trên cơ sở cuộc họp này sẽ báo cáo Thủ tướng gắn với các chỉ số thành phần cụ thể, trình Thủ tướng ban hành quyết định về khởi sự kinh doanh, đưa mẫu chung để triển khai trên "tinh thần thay đổi hẳn những gì phức tạp cho doanh nghiệp".

Chỉ số tiếp cận điện năng cải thiện, thủ tục và thời gian vẫn nhiều hơn 3 nước ASEAN

Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam ở thứ hạng 27/190 nền kinh tế, tăng 0,3 điểm, xếp thứ 4 trong ASEAN 4, là chỉ số tốt nhất của 10 chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh và là chỉ số có điểm số tốt nhất trong 10 chỉ số.

Tuy nhiên, so sánh với các nước trong ASEAN cho thấy số thủ tục của Việt Nam vẫn còn nhiều hơn 1-2 thủ tục, số ngày thực hiện nhiều hơn so với 3 nước đứng đầu ASEAN, độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch giá điện được đánh giá thấp hơn 2 nước đứng đầu.

Việt Nam tụt một bậc về môi trường kinh doanh Việt Nam tụt một bậc về môi trường kinh doanh

TTO - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo môi trường kinh doanh 2020. Trong 190 nền kinh tế được đánh giá, Việt Nam đạt 69,8 điểm trên 100, cao hơn năm ngoái (68,36) nhưng lại tụt một bậc xuống thứ 70.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên