02/11/2018 12:30 GMT+7

Ngành điện vượt lên, thuế tụt bậc về môi trường kinh doanh

L.THANH - N.AN
L.THANH - N.AN

TTO - Chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam từ vị trí 66 đã tăng mạnh lên thứ hạng 27, trong khi ngành thuế tụt bậc nhiều, nguyên nhân được cho là "có nhiều cải cách nhưng không được ghi nhận".

Ngành điện vượt lên, thuế tụt bậc về môi trường kinh doanh - Ảnh 1.

Ngành điện năm nay có mức cải thiện mạnh được WB ghi nhận. Trong ảnh: tại một trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN - Ảnh: T.PHƯƠNG

Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business 2019) vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, mặc dù tổng điểm tăng từ 66,77 điểm lên 68,36 điểm, nhưng so về thứ hạng, VN đã tụt 1 bậc trong tổng số 190 nền kinh tế trong bảng xếp hạng.

Ngành điện cải thiện mạnh

Trong bốn chỉ số tăng hạng, chỉ số tiếp cận điện năng VN từ vị trí 66 đã nhảy lên vị trí 27. Một số chỉ số khác tăng khá như khởi sự doanh nghiệp tăng từ 123 năm ngoái lên 104, đăng ký tài sản tăng 3 bậc, thực thi hợp đồng tăng 1 bậc.

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực VN (EVN), đây là năm thứ 5 liên tiếp chỉ số tiếp cận điện năng của VN cải thiện vị trí, là nền kinh tế có chỉ số tiếp cận điện năng cải thiện vị trí nhiều nhất trong khu vực.

"VN đã vượt qua Philippines và hiện đứng thứ 4 khu vực Asean. Xét riêng về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành điện, VN đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 4 trong nhóm các nước tham gia CPTPP và có trình độ ngang bằng với các nước phát triển như Singapore, Thụy Sĩ, Đan Mạch, tốt hơn Trung Quốc" - đại diện EVN nói.

EVN cho biết để đạt được kết quả trên, tập đoàn này đã liên tục triển khai các giải pháp như: 100% các dịch vụ của EVN đều có thể đăng ký trực tuyến; có thể hỏi đáp trực tiếp qua đường dây nóng 24/24 giờ các trung tâm chăm sóc khách hàng trên toàn quốc; chú trọng việc áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện...

Mình tụt hậu không phải do không có cải cách mà cải cách của các nước tốt hơn, mạnh mẽ hơn.

Trong Doing Business 2019, VN có tới 6 chỉ số bị đánh tụt hạng. Tụt mạnh nhất là chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội, giảm tới 45 bậc; chỉ số xuất nhập khẩu giảm 6 bậc; giải quyết phá sản giảm 4 bậc; cấp phép xây dựng tụt 1 bậc...

Ngành thuế nói gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đại Trí, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, giải thích do có nhiều cải cách của ngành thuế... chưa được WB ghi nhận. 

Cụ thể: thời gian nộp thuế là 351 giờ, tuy nhiên khi phân tích cho thấy trong đó có đến 334 giờ là dành cho việc tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai. Thực tế, thời gian nộp tờ khai và nộp thuế chỉ còn 17 giờ/năm. Đây là mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Tính đến nay cả nước có 99,92% doanh nghiệp (DN) đã khai thuế điện tử.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng nhấn mạnh một loạt chính sách thuế không được WB cập nhật trong báo cáo năm nay. Đó là bỏ bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào bán ra kèm theo tờ khai thuế VAT (đã được bỏ từ tháng 11-2014). Trong khi đó, báo cáo WB đánh giá thời gian để DN lập bảng kê hóa đơn mất 90 giờ...

Theo Tổng cục Thuế, báo cáo của WB nêu riêng số lần nộp thuế thu nhập DN ở VN tới 5 lần/năm. Trên thực tế từ năm 2015, số lần khai sắc thuế này chỉ còn 1 lần. Ngoài ra, WB cũng tính DN phải mất 1 lần nộp thuế/phí xăng dầu, trong khi thực tế thuế và phí được tính vào giá xăng dầu mỗi lần mua. Như vậy, nếu được ghi nhận đầy đủ thì số lần nộp thuế có thể giảm được 5 lần, chỉ còn một nửa so với báo cáo tính toán.

VN chậm so với các nước

Ông Đậu Anh Tuấn - trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN - phân tích: "WB đã ghi nhận có 3 cải cách lớn trong lĩnh vực gia nhập thị trường, thuế và thực thi hợp đồng. Nhưng năm ngoái, VN được ghi nhận tới 5 cải cách. Và trong năm nay, Trung Quốc được ghi nhận có 7 cải cách, Malaysia được ghi nhận 6 cải cách và thứ hạng hai quốc gia này đang cải thiện rất ấn tượng".

Cũng theo ông Tuấn, các chỉ số đánh giá cho thấy mức độ cải cách các lĩnh vực chưa đều. Cụ thể, với 10 chỉ số thành phần thì chỉ có 4 lĩnh vực tăng thứ hạng, 5 lĩnh vực tăng điểm số. Do đó, để thứ hạng VN tăng mạnh mẽ hơn nữa thì cần có sự chuyển động đồng đều của các ngành, lĩnh vực.

Những chỉ số đánh giá cũng chỉ ra lĩnh vực nào càng công khai, minh bạch thì lĩnh vực đó được ghi nhận cải cách. Như năm nay, việc công khai các bản án kinh tế của tòa án trên mạng được ghi nhận là một cải cách quan trọng và chỉ số thực thi hợp đồng đã chuyển động tích cực sau nhiều năm đứng yên. Ông Tuấn khuyến nghị VN cần mạnh mẽ hơn nữa trong ứng dụng công nghệ thông tin vào các ngành.

Ông Phan Đức Hiếu, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận xét kết quả đánh giá của WB cho thấy môi trường kinh doanh của VN không xấu hơn trước, nhưng tiến bộ chưa được như kỳ vọng... Điều này đặt ra yêu cầu VN cần phải nỗ lực hơn nhiều lần những gì đang làm, cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

Ngành thuế sẽ nỗ lực hơn

Để cải thiện chỉ số nộp thuế, ông Nguyễn Đại Trí cho biết trong những năm tới, Bộ Tài chính và ngành thuế sẽ nỗ lực hơn trong cải cách thể chế, đồng thời tăng cường thực hiện điện tử hóa các thủ tục hành chính... Như trong 9 tháng đầu năm, có hơn 6.000 DN trên tổng số 6.827 DN hoàn thuế điện tử. "Từ tháng 11-2020, theo nghị định về hóa đơn điện tử, tất cả các DN phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy, từ đó giảm số giờ chuẩn bị kê khai, giúp giảm được thời gian tuân thủ pháp luật thuế. Đây là giải pháp mạnh giúp cải thiện chỉ số thuế" - ông Trí cho biết.

Khoảng cách với các nước còn lớn

Chỉ số của Doing Business cũng chỉ ra khoảng cách của VN so với các nước vẫn còn lớn. Nếu so sánh trong khu vực ASEAN, VN vẫn chưa lọt được vào tốp 4 nước đứng đầu, còn khoảng cách khá xa so với Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 15) hay Thái Lan (thứ 27). Đặc biệt, nếu so sánh với 10 quốc gia khác trong Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì VN là quốc gia đứng cuối cùng, sau cả Peru hay Chile.

L.THANH - N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên