Ông Nguyễn Phú Ban, giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng (bìa trái), báo cáo tình hình với Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ 3 từ trái vào) - Ảnh: TR.TRUNG
Kiểm tra tình hình trú tránh bão tại cảng cá lớn nhất miền Trung Thọ Quang, nơi có hơn 700 tàu thuyền đã vào bờ neo đậu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi với các đơn vị liên quan việc đảm bảo các điều kiện cần thiết để bảo vệ tài sản cho ngư dân trước siêu bão.
Báo cáo tình hình với đoàn công tác, ông Nguyễn Phú Ban - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Đà Nẵng - cho biết thành phố đã tạo điều kiện để tàu thuyền các địa phương cùng cập vào cảng neo đậu. Đến thời điểm hiện tại, các lực lượng đã sẵn sàng tổ chức neo đậu, đảm bảo an toàn cho các tàu trong bờ.
"Riêng Đà Nẵng còn 35 tàu đang hoạt động trên biển, trong đó có 7 tàu gần bờ, các tàu còn lại đã liên lạc được và hướng dẫn ngư dân thoát khỏi vùng nguy hiểm vào khu vực tránh trú bão an toàn" - ông Ban nói.
Theo số lượng thống kê sơ bộ, đã có hơn 700 tàu thuyền các loại cùng trú tránh bão trong khu âu thuyền Thọ Quang và khu vực lân cận.
Ngư dân miền Trung neo tàu thuyền trong cảng cá Thọ Quang để tránh bão vào chiều 25-9 - Ảnh: TR. TRUNG
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong ngày 25-9, có rất nhiều tàu cá miền Trung cùng vào âu thuyền này trú tránh bão.
Theo các ngư dân, do được dự báo siêu bão, lại rơi vào thời điểm đầu mùa nên họ rất thận trọng. Nhiều ngư dân nghe tin bão lập tức thu lưới vào bờ sớm đề phòng trường hợp xảy ra sự cố máy khi di chuyển.
Cũng trong buổi thị sát, ông Nguyễn Văn Quảng - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - nhấn mạnh với các đơn vị liên quan việc đảm bảo an toàn cho các tàu cá cũng như phòng cháy chữa cháy.
Đồng thời cho biết Đà Nẵng đã có phương án bố trí các địa điểm, lương thực để sơ tán người dân các vùng nguy hiểm, vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở…
Bình Định đã liên lạc hướng dẫn 100 tàu cá thoát vùng nguy hiểm
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại thị xã Hoài Nhơn - Ảnh: THƯ LÊ
Chiều tối 25-9, ông Trần Văn Phúc - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định - cho biết lực lượng chức năng đã liên lạc được với toàn bộ 100 tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh đang đánh bắt ở vùng biển nguy hiểm khi bão Noru quét qua. Hiện toàn bộ số tàu này được hướng dẫn chạy về phía nam, dưới vĩ độ 12,5 độ.
Trước đó, Bình Định báo cáo có 100 tàu đánh bắt xa bờ còn ở trong vùng dự báo nguy hiểm. Đến đầu giờ chiều vẫn còn 45 tàu chưa nhận được thông báo cảnh báo bão.
Chiều tối 25-9, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định ra lệnh cấm biển để đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền.
Theo đó, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, UBND các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, thị xã Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn nghiêm cấm không cho tàu cá xuất bến kể từ 6h ngày 26-9 cho đến khi có bản tin thông báo cuối cùng về bão số 4 của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định.
Phú Yên: Các địa phương phải chủ động sơ tán dân vùng nguy hiểm
Lực lượng quân đội giúp dân neo đậu tàu thuyền an toàn tránh bão tại khu neo đậu ở thị xã Sông Cầu, Phú Yên - Ảnh: NGỌC NHƯ
Chiều tối 25-9, ông Nguyễn Trọng Tùng - giám đốc Sở NN&PTNT, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên - cho biết tỉnh này cũng ra lệnh cấm biển từ sáng sớm mai 26-9 để đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền.
Kiểm tra công tác ứng phó bão Noru tại thị xã Sông Cầu chiều cùng ngày, ông Phạm Đại Dương - bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên - chỉ đạo UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẩn trương triển khai, chủ động ứng phó với cơn bão.
Các địa phương không được chủ quan, lơ là, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn để chủ động triển khai các phương án phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Đặc biệt, chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ cao.
Kiên quyết không để người ở lại trên các bè nuôi thủy sản, trên tàu thuyền, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người. UBND tỉnh chủ động chỉ đạo các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi xả nước để đón lũ, hạn chế trường hợp "lũ chồng lũ" ảnh hưởng lớn đến người dân…
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương (bìa trái) chỉ đạo công tác ứng phó bão Noru tại cảng cá Dân Phước (thị xã Sông Cầu) chiều 25-9 - Ảnh: NGỌC NHƯ
Quân khu 5 huy động lực lượng giúp dân ứng phó bão
Cán bộ chiến sĩ Tỉnh đội Quảng Ngãi gia cố mái che một trường học trên địa bàn tỉnh - Ảnh: H.H
Ngày 25-9, nhiều đơn vị trực thuộc Quân khu 5 đóng tại các tỉnh thành Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng... đã ra quân hỗ trợ dân ứng phó với bão Noru.
Tại huyện Lý Sơn, Ban chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ xuống các trường học và khu dân cư để cắt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa.
Theo thiếu tá Đỗ Ngọc Ngân - phó chỉ huy trưởng Tham mưu trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn, đơn vị đã có lệnh trực 100% quân số sẵn sàng nhận nhiệm vụ giúp nhân dân ứng phó bão.
Đại tá Nguyễn Ra - phó chỉ huy trưởng Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi - cho biết cùng ngày, Tỉnh đội Quảng Ngãi đã thành lập các đoàn công tác đến các đơn vị nắm tình hình, yêu cầu duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm thông tin liên lạc và 100% quân số trực.
Đảm bảo an toàn hệ thống doanh trại, kho tàng, các công trình xây dựng trong các đơn vị; chuẩn bị tốt lực lượng và phương tiện, lương thực, thực phẩm sẵn sàng cơ động giúp đỡ nhân dân ứng cứu. Tùy theo diễn biến của bão, phối hợp cùng địa phương di dời dân trong vùng nguy hiểm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.Ngoài Lý Sơn, các địa phương trên toàn Quân khu 5 cũng lên phương án sẵn sàng ứng phó với bão.
HUỲNH HUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận