08/11/2014 09:00 GMT+7

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu kỷ luật chủ tịch Cienco 1

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

​TT - Bộ trưởng Đinh La Thăng phê bình, đề nghị kỷ luật ông Phạm Dũng (chủ tịch HĐTV Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1) vì đã không ra hiện trường vụ rơi thép làm chết người.

Hiện trường vụ tai nạn chiều 6-11 tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) - Ảnh: Doãn Tấn

Liên quan đến vụ rơi thép thi công gây chết người tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, trong cuộc họp chiều 7-11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã cảnh báo tổng thầu và tư vấn giám sát (TVGS) đều là doanh nghiệp Trung Quốc.

nếu xác định rõ trách nhiệm của tổng thầu với TVGS, cơ quan điều tra sẽ khởi tố theo luật.

Tại cuộc họp, đại diện nhà thầu, ông Trương Kiến Huân - giám đốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (thuộc tổng thầu EPC là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) - cho biết trước khi thi công dự án tổng thầu cũng đã đào tạo, bồi dưỡng an toàn thi công cho nhân lực của đơn vị thi công.

Tổng thầu và nhà thầu phụ thi công theo phương án thi công được chủ đầu tư chấp thuận.

Tổng thầu phải chịu trách nhiệm

Theo ông Huân, qua kiểm tra hiện trường thấy trong quá trình cẩu thép đã rơi gây tai nạn. Tổng thầu đã phối hợp Ban quản lý dự án (PMU) đường sắt (đại diện chủ đầu tư) và các đơn vị liên quan xử lý vụ việc, thăm hỏi gia đình người bị nạn.

Nghe đến đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng cắt ngang: “Tôi hỏi trách nhiệm tổng thầu ở đây là cái gì? Đồng ý hết là có tập huấn tổ chức thi công, nhưng sự việc xảy ra thì ai là người chịu trách nhiệm? Tổng thầu chịu trách nhiệm đầu tiên thì trách nhiệm tổng thầu ở đây là cái gì?”.

Ông Huân chỉ trả lời ngắn gọn: “Vấn đề chất lượng và an toàn thì tổng thầu chịu trách nhiệm”.

Ông Thăng truy tiếp: “Trách nhiệm cụ thể ở đây là cái gì?”. “Trách nhiệm của chúng tôi là sau khi phát hiện sự việc thì tích cực xử lý sự cố”- ông Huân đáp.

Không hài lòng với câu trả lời này, ông Thăng khẳng định: “Tổng thầu phải chịu trách nhiệm chính về việc này”.

Yêu cầu kỷ luật chủ tịch Cienco 1

“Tôi đã yêu cầu chủ tịch HĐTV Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (ông Phạm Dũng) kiểm điểm và phải có hình thức kỷ luật ông Dũng.

Vì sáng 6-11, tôi biết thông tin tai nạn, gọi ông Dũng yêu cầu ra hiện trường xử lý vụ việc nhưng đã không ra mà cử chủ tịch công đoàn ra. Trưa tôi điện lại bảo chưa ra vì đang họp giao ban...

Tôi hỏi nếu là con cháu nhà ông Dũng bị thì chắc các ông đã ra ngay chứ làm gì có chuyện bảo đang họp giao ban.

Nếu công an xem xét có căn cứ khởi tố được vụ án thì phải khởi tố ngay chứ không thể để nhờn được. Bộ trưởng trực tiếp gọi bảo ra hiện trường với người dân thì vẫn còn đủng đỉnh họp giao ban là không thể chấp nhận được”

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Đại diện đơn vị TVGS, ông Tống Vân - phó tổng giám đốc Công ty TNHH Giám sát xây dựng (Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh) - gửi lời xin lỗi và lấy làm tiếc vì xảy ra tai nạn làm một người không liên quan đến dự án nhưng bị thiệt mạng do công việc thi công dự án.

Ông Vân nhận định đây là tổn thất nặng nề nhưng cho biết trong quá trình thực hiện dự án, TVGS luôn ý thức rất cao về tính an toàn trong thực hiện dự án...

Tuy nhiên, khi ông Thăng hỏi lúc xảy ra sự việc có TVGS ở đó không, ông Vân cho biết địa điểm đó không tiến hành nghiệm thu nên kỹ sư giám sát ở khu vực lân cận.

“Như thế nhà thầu muốn làm thế nào thì làm à?”. Trước câu hỏi của ông Thăng, ông Vân cho rằng: “Về nguyên tắc thì TVGS kiểm soát, kiểm tra các quá trình chuyển giai đoạn nghiệm thu chất lượng với công trình nên TVGS chịu trách nhiệm về nội dung cuối cùng, còn trong quá trình thi công việc đảm bảo an toàn và chất lượng thì trách nhiệm chính của đơn vị thi công”.

“Thế thì ông giám sát cái gì? Nhà thầu tổ chức thi công thì TVGS phải phê duyệt phương án đó và thực hiện có đúng không chứ?” - ông Thăng truy.

“Nguyên tắc vừa rồi bộ trưởng đề ra là nguyên tắc về hiệu quả cao nhất mà TVGS cần đạt được. Còn thực tế trong quá trình triển khai thì TVGS kiểm soát những giai đoạn quan trọng, nghiệm thu khối lượng hoàn thành” - ông Vân trả lời.

Ông Thăng vặn lại: “Thế lúc cẩu thép dòng người đi bên dưới mà vẫn cho đi được à? Biện pháp tổ chức thi công cho phép như thế?”.

Ông Vân bộc bạch: “Đây là bài học rất sâu sắc và đau xót cho các bên trong thực hiện dự án. Đây là sự việc hết sức đáng tiếc khi đang trong thời gian cao điểm thi công các hạng mục tiềm ẩn rủi ro rất lớn”.

Ông Vân cho biết thêm thực tế trong triển khai dự án có đặc điểm là tiến độ dự án rất gấp, mặt bằng hạn hẹp. Cho nên cũng là sự việc rất đáng tiếc và bất khả kháng.

“Tôi nói đây không thể là việc bất khả kháng được. Nếu sắt đưa lên ngắn thì không xảy ra. Ở đây là hàn sắt dài ra so với mặt bằng được cấp thì mới rơi ra ngoài. Biện pháp thi công không đúng, chất lượng hàn kém nên rơi ra” - ông Thăng khẳng định.

“Tại sao thép lại dài hơn phạm vi được phép triển khai thi công? Nếu thép ngắn thì rơi trong phạm vi hàng rào công trường. Nếu đồng ý có kết cấu phải dài như vậy thì phải có người cảnh báo ở hai đầu bên dưới không cho người qua lại.

Bây giờ công an đang điều tra. Nếu xác định rõ trách nhiệm của tổng thầu với TVGS thì các ông đi tù theo luật” - ông Thăng nói.

Mặc dù Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã cảnh báo nhưng tai nạn vẫn xảy ra trên công trình xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, buộc cơ quan chức năng phải đình chỉ thi công - Ảnh: Quang Thế

Cảnh báo rồi vẫn để xảy ra tai nạn

Kết luận cuộc họp, ông Đinh La Thăng yêu cầu PMU đường sắt phải hết sức chủ động điều phối các hoạt động với tổng thầu và các đơn vị liên quan. Hằng ngày phải họp giao ban trên công trường, hằng tuần hằng tháng họp giao ban xử lý kịp thời tồn tại...

Ông Thăng yêu cầu tổng thầu phải nghiêm túc trong việc tổ chức triển khai thi công, tăng thêm năng lực thiết bị, con người, đặc biệt chủ động trong việc đề xuất lại tiến độ.

“Một nhà ga bé con con lập tiến độ trong 14-16 tháng tôi không đồng ý, chỉ 8-9 tháng là cùng” - ông Thăng nói và đề nghị thêm tổng thầu phải có các biện pháp bảo vệ an toàn trong quá trình thi công cho cả công nhân, thiết bị thi công và người tham gia giao thông. Tổng thầu phải chịu trách nhiệm chính việc này.

“Đối với tai nạn, tổng thầu phải cảnh cáo nhà thầu. Tổng thầu phải là người chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn chết người và toàn bộ các khoản kinh phí và căn cứ vào kết luận điều tra phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật VN” - ông Thăng khẳng định.

Đồng thời yêu cầu TVGS tăng cường lực lượng giám sát ba ca trong quá trình thi công chứ không phải cuối kỳ đi kiểm tra hồ sơ. TVGS phải giám sát trong quá trình xây dựng các biện pháp tổ chức triển khai thi công cũng như trong quá trình thi công và nghiệm thu thanh toán.

“TVGS cũng là người chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn xảy ra hôm 6-11 cùng với tổng thầu, còn chịu trách nhiệm trực tiếp là nhà thầu thi công” - ông Thăng nói thêm.

Với PMU đường sắt, ông Thăng yêu cầu phải nghiêm túc kiểm điểm và làm rõ ai là người chịu trách nhiệm để xảy ra vụ tai nạn chết người ngày 6-11.

“Mới sáng hôm kia tôi vừa nhắc ông (Nguyễn Mạnh Hùng - quyền giám đốc PMU đường sắt) phải lưu ý đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, nhất là người tham gia giao thông. Vì có người đi đường bị nhà thầu thải nước, bơm vữa ngã oành oạch nên nhắn tin cho tôi.

Tôi yêu cầu giám đốc PMU đường sắt kiểm tra chấn chỉnh ngay, vậy mà hôm sau để xảy ra tai nạn” - ông Thăng cho biết.

Yêu cầu làm rõ việc đội vốn

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được khởi công vào tháng 10-2011, có tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD, trong đó vay vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD.

Dự án do Cục Đường sắt (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.

Tư vấn giám sát là Công ty TNHH Giám sát xây dựng - Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Dự kiến tuyến đường sẽ khai thác vào tháng 6-2015.

Tuy nhiên, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và sự phối hợp thực hiện, kinh nghiệm của ban quản lý dự án và năng lực nhà thầu đã khiến dự án chậm trễ và đội vốn đầu tư từ 552 triệu USD lên 891 triệu USD, tăng thêm 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt trước đó.

Về việc đội vốn, tại cuộc họp, ông Thăng yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân cái nào tăng, cái nào giảm, nguyên nhân chủ quan và khách quan để báo cáo bộ trình Chính phủ.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên