Trường đại học, cao đẳng ngoài công lập dự kiến bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp - Ảnh: M.G.
Trước đó, ngày 8-1-2021, Câu lạc bộ các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã có văn bản kiến nghị gửi Hiệp hội trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị lãnh đạo hiệp hội xem xét chuyển đến Bộ Tài chính và Chính phủ.
Lãnh đạo hiệp hội cho biết sẽ dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét miễn hoặc hoãn truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc hoãn vì các trường gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, phần thu nhập còn lại sau khi trừ đi chi phí hầu hết đã dùng vào việc phát triển giáo dục. Mặc khác, đến nay vẫn chưa có danh mục mới như quyết định dừng thu trước đây.
Cuối tháng 12-2020, Bộ Tài chính ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25-8-2014 của Chính phủ.
Theo dự thảo, cơ sở thực hiện xã hội hóa thành lập trước ngày Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 22-7-2016 của Thủ tướng có hiệu lực thi hành không đáp ứng điều kiện theo danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường phải thực hiện khai bổ sung số thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu, tự tính số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hoặc cơ quan thuế thực hiện truy thu số thuế.
5 kiến nghị về việc truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp
Trong văn bản gửi Hiệp hội trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Câu lạc bộ các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã dẫn hàng loạt quy định trước đây về việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ sở giáo dục xã hội hóa. Từ đó, nêu ra 5 kiến nghị:
1- Bộ Tài chính làm rõ khi áp dụng các quyết định liên quan, các tiêu chí cần được hiểu thế nào để chặt chẽ về mặt pháp lý.
2- Xem xét tiếp tục dừng truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cho đến khi xây dựng và ban hành được danh mục lĩnh vực, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn mới.
3- Xây dựng danh mục mới cũng cần tính đến xu thế chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, định mức giảng viên, đất đai, cơ sở vật chất không còn như mô hình truyền thống. Khi có danh mục mới, kiến nghị việc truy thu thuế (nếu có) cần được áp dụng theo danh mục mới cho các năm còn nợ thuế, không dùng danh mục cũ có nhiều tiêu chí không hợp lý.
4- Không phải trường đại học, cao đẳng ngoài công lập nào cũng được hỗ trợ về đất đai, cơ sở vật chất của Nhà nước. Vì vậy, chỉ yêu cầu việc đáp ứng danh mục từ các trường mà không quan tâm đến các trường có nhận được hỗ trợ đất đai, cơ sở vật chất từ Nhà nước hay không là không hợp lý.
Kiến nghị sửa quy định nếu áp dụng danh mục để hưởng ưu đãi thì bản thân các trường cũng phải được ưu đãi về đất đai, cơ sở vật chất từ Nhà nước.
5- Tất cả trường đại học, cao đẳng ngoài công lập được xem xét các điều kiện khi thành lập và cấp phép hoạt động. Quy mô đào tạo, tuyển sinh xác định trên nguồn lực cụ thể, được kiểm soát bởi các bộ ngành chức năng.
Do đó kiến nghị Chính phủ xem xét cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp mà không cần đến các điều kiện bổ sung ghi trong danh mục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận