Những ngày cận Tết, xưởng chế tác Làng Củi Lũ của nghệ nhân Lê Ngọc Thuận nằm ở đường Hải Thượng Lãn Ông, TP Hội An chộn rộn người.
Rồng từ gỗ thải loại, củi lũ
Trong xưởng, toàn bộ thợ giỏi, nghệ nhân trẻ của làng mộc nổi tiếng Kim Bồng được tập trung về nhằm chế tác, đục đẽo tạo hình những chú rồng để bán ra thị trường phục vụ khách chơi xuân.
Chủ xưởng Làng Củi Lũ, ông Lê Ngọc Thuận là nghệ sĩ đương đại được biết đến nhiều trong mấy năm trở lại đây bởi câu chuyện biến củi lũ, gỗ mục, gỗ phế thải bị vứt bỏ thành những sản phẩm mộc mỹ nghệ độc đáo.
Câu chuyện biến củi lũ thành sản phẩm nghệ thuật cũng được TP Hội An đề cập trong hồ sơ Hội An tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu UNESCO mới đây.
Ông Thuận cho biết Tết này ông tung ra hàng chục con rồng từ các câu chuyện khác nhau. Trước Tết ông đi gom gỗ vứt bỏ từ các xưởng cưa, gỗ mục trôi về hạ nguồn sông Thu Bồn, rồi tùy hình khối gỗ để lên ý tưởng và tạo hình cho thợ thi công.
Từ những thớ gỗ phế phẩm, nằm lăn lóc ở bờ sông, góc vườn, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Làng Củi Lũ đã hóa thân và trở thành những hình rồng đẹp mắt.
Chọn phô diễn điểm mạnh nhất của linh vật rồng
Để đa dạng mẫu mã, ông Thuận tìm tới nhiều tỉnh thành phía Bắc, tìm các tài liệu cổ để sưu tầm các hình dáng, tư thế rồng. Trên cơ sở này, ông về tự lên bản vẽ, tạo hình trên giấy, tính toán kích thước để thợ thi công.
Mỗi con rồng như vậy thì quá trình đục đẽo, chạm trổ mất 2 - 3 ngày. Điều gây ấn tượng nhất là những chú rồng gỗ này không nhất thiết đầy đủ hình hài, mà chọn phô diễn những điểm mạnh của linh vật quen thuộc với người châu Á.
Đó là phần đầu uy dũng, bộ vóng vuốt sắc nhọn, thân hình uốn lượn mềm mại, bộ vảy xếp tầng lớp như sóng.
Theo nghệ nhân Lê Ngọc Thuận, với tính chất đặc trưng của linh vật Tết, ông không chế tác rồng chơi xuân đại trà, mà chỉ làm theo đơn đặt hàng. Mỗi con rồng đều được làm hoàn toàn thủ công, mỗi sản phẩm làm ra là độc bản, không trùng lắp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận