
Quân đội Campuchia chở bệ phóng rocket BM-21 trên đường phố Phnom Penh ngày 28-5 - Ảnh: AFP
Báo Khmer Times trích dẫn thông báo chính thức của Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết vụ việc xảy ra vào sáng 28-5 tại làng Techo Morakot, xã Morakot, thuộc khu vực biên giới tranh chấp giữa tỉnh Preah Vihear (Campuchia) và tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan).
“Quân đội Thái Lan đầu tiên đã nổ súng vào một chiến hào vốn là căn cứ quân sự của Campuchia trong một thời gian dài, khiến một binh sĩ của chúng tôi thiệt mạng”, Bộ Quốc phòng Campuchia nêu trong tuyên bố
Trước đó, Thiếu tướng Winthai Suvaree - người phát ngôn của quân đội Thái Lan - cho biết các binh sĩ của nước này đang cố gắng thương lượng với lực lượng Campuchia để rút khỏi một vị trí trong khu vực tranh chấp, nhưng đã bị nổ súng tấn công, theo Hãng tin Reuters.
Ngoài ra, ông Winthai Suvaree nói thêm rằng lực lượng Campuchia đã hiểu sai tình huống và bắt đầu sử dụng vũ khí, do đó phía Thái Lan phải đáp trả. Cuộc đụng độ giữa hai bên kéo dài khoảng 10 phút.
Trong tuyên bố trên, Bộ Quốc phòng Campuchia nhấn mạnh cuộc đụng độ giữa hai bên là vô cớ, đồng thời nhấn mạnh việc mất đi một sinh mạng là kết cục bi thương.
Hiện lực lượng hai bên đã rút lui và sẽ sử dụng ngoại giao để giải quyết mâu thuẫn.
“Cuộc đụng độ này không phải điều Campuchia mong muốn. Chúng tôi tiếp tục thảo luận với Bộ Quốc phòng Thái Lan để tìm ra hướng giải quyết chung, nhằm nhanh chóng đưa tình hình trở lại bình thường và ngăn chặn những vụ việc tương tự tái diễn”, Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng tái khẳng định cam kết vững chắc của Campuchia trong việc giải quyết các vấn đề biên giới thông qua biện pháp hòa bình và ngoại giao.
Hiện phía Thái Lan chưa đưa ra thêm bình luận nào về vụ việc trên.
Trước đó báo Bangkok Post đưa tin vụ việc diễn ra ở quận Nam Yuen của Ubon Ratchathani vào khoảng 5h30 sáng (giờ địa phương). Khi đó, binh lính Campuchia đang đào một chiến hào ở khu vực tranh chấp.
Cuộc đụng độ gần nhất giữa Thái Lan và Campuchia nổ ra vào năm 2011, liên quan đến ngôi đền cổ Preah Vihear nằm ở trung tâm khu vực biên giới tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ giữa hai quốc gia này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận