20/04/2017 16:35 GMT+7

​Bộ Ngoại giao lên tiếng về 'điểm nóng' Đồng Tâm - Mỹ Đức

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Trả lời câu hỏi của báo chí nước ngoài về vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm, Mỹ Đức, Bộ Ngoại giao VN nhấn mạnh vụ việc cần được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp các bên.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20-4, phóng viên của hãng thông tấn Reuters và kênh truyền hình Channel News Asia của Singapore yêu cầu người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cung cấp thông tin cập nhật về tình hình ở Đồng Tâm, Mỹ Đức cũng như nêu rõ quan điểm của Bộ Ngoại giao Việt Nam và hướng giải quyết của chính quyền Hà Nội.

Trả lời những câu hỏi trên, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết TP Hà Nội đang có các biện pháp xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Bà Hằng nhấn mạnh quan điểm của Bộ Ngoại giao Việt Nam là “cần phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”.

Điểm nóng Đồng Tâm - Mỹ Đức là nơi diễn ra việc 4 người dân của thôn bị giữ và dân cũng giữ 38 cán bộ - trong đó có nhiều chiến sĩ cảnh sát trong các ngày qua bắt nguồn từ các bất đồng giữa người dân và chính quyền về các quyết định thu hồi đất.

Nhật Bản đang làm rõ các hành vi của nghi phạm sát hại bé Nhật Linh

Về vụ bé Lê Thị Nhật Linh bị sát hại tại Nhật Bản, bà Thu Hằng trả lời phóng viên rằng theo thông tin mới nhất từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, vụ việc đang được các cơ quan chức năng Nhật Bản tích cực làm rõ những hành vi liên quan đến nghi phạm. 

“Hiện nay Đại sứ quán việt Nam tại Nhật Bản phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan chức năng đồng thời theo dõi sát sao vụ việc nhằm sớm đưa kẻ thủ ác ra xét xử nghiêm minh,” bà Hằng nói.

Tối 18-4, ông Lê Anh Hào, cha bé Lê Thị Nhật Linh và gia đình đã có cuộc tiếp xúc với báo chí Nhật Bản. Ông Hào nhấn mạnh anh muốn đối chất với Yasumasa Shibuya, nghi phạm sát hại bé Linh.

Trước đó, như Tuổi Trẻ đã thông tin cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ nghi phạm Shibuya ngày 14-4 sau khi kết quả giám định cho thấy ADN của ông ta trùng với ADN được tìm thấy trên các đồ vật của bé Nhật Linh.

Shibuya từng là hội trưởng hội phụ huynh ở trường bé Nhật Linh theo học và nhà chỉ cách nhà bé Nhật Linh khoảng 300m, theo Japan Times.

Ngoài ra, Shibuya còn là một trong những tình nguyện viên giám sát các bé đi học mỗi ngày. Theo đài NHK, bản thân Shibuya cũng có hai con học cùng trường với bé Nhật Linh và hầu như không đưa con đi học hay giám sát các bé khác đến trường bằng xe ô tô

Cho đến giờ, nghi phạm Shibuya vẫn sử dụng quyền im lặng khi được hỏi chuyện gì đã xảy ra với bé Nhật Linh.

Thi thể bé Nhật Linh được tìm thấy hôm 26-3, hai ngày sau khi bé mất tích trên đường đi học. Cảnh sát cho biết bé bị giết ở nơi khác, sau đó thi thể bị đem đến một bãi cỏ ở Abiko, Chiba. Lúc được tìm thấy, trên người bé không có quần áo.

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật, Việt Nam kêu gọi hành xử có trách nhiệm

Vừa qua, kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc đưa tin nước này tiến hành tập trận bắn đạn thật trong đó có huy động tàu đổ bộ và trực thăng ở một khu vực trên Biển Đông ngày 14-4 nhưng không nói rõ đó là khu vực nào.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước thông tin này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng không, hàng hải ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong khu vực. Theo đó, tất cả các nước cần hành động có trách nhiệm, xây dựng, và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)".

* Cũng tại họp báo, liên quan đến thông tin Mỹ sẽ chuyển giao tàu lớp Hamilton cho Việt Nam, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam và Mỹ đã thiết lập khuôn khổ đối tác toàn diện, trong đó có việc tăng cường hợp tác thực thi pháp luật trên biển giữa cảnh sát biển hai nước. Chủ trương của Việt Nam là hợp tác với các nước nhằm mục đích nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, hỗ trợ ngư dân, góp phần vào hoạt động hợp tác, giao lưu quốc tế”.

Tàu lớp Hamilton nêu trên chính là tàu USCGC Morgenthau thuộc lực lượng tuần duyên Mỹ mà Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) xác nhận nó sẽ được chuyển giao cho Việt Nam.

Tàu USCGC Morgenthau lớp Hamilton thuộc lực lượng tuần duyên Mỹ - Ảnh: Navaltoday
Tàu USCGC Morgenthau lớp Hamilton thuộc lực lượng tuần duyên Mỹ - Ảnh: Navaltoday

Tàu USCGC Morgenthau thuộc lớp Hamilton, được biên chế cho lực lượng tuần duyên Mỹ vào ngày 10-3-1969 và loại khỏi biên chế vào ngày 18-4-2017.

Tàu có lượng giãn nước đầy tải 3.250 tấn; dài 115 m; rộng 13 m; mớn nước 4,6 m; thủy thủ đoàn 160 người. Tàu được trang bị 2 động cơ diesel và 2 động cơ turbine khí; tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ (53,7 km/giờ), tầm hoạt động 14.000 hải lý với thời gian bám biển trên 40 ngày.

Vũ khí trên tàu gồm 1 pháo 76mm OTO Melara, 2 pháo 25mm M242 Bushmaster, hệ thống phòng thủ tầm cực gần 20 mm Phalanx CIWS và radar trinh sát đường không AN/SPS-40.

Việt Nam hoan nghênh kết luận của tòa án quốc tế về Monsanto

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hoan nghênh kiến nghị tham vấn do tòa án quốc tế công bố ngày 18-4 kết luận tập đoàn Monsanto của Mỹ đã hủy diệt môi trường Việt Nam. 

Việt Nam đề nghị Monsanto tôn trọng kiến nghị tham vấn của tòa án và sớm có hành động thiết thực góp phần sớm giải quyết những hậu quả do Monsanto để lại với môi trường Việt Nam.

Bà Hằng cho rằng các công ty của Mỹ cũng như Monsanto cũng cần có trách nhiệm trong việc góp phần khắc phục hậu quả với các nạn nhân chất độc màu da cam của Việt Nam.

“Đây là một thực tế khách quan về hậu quả chiến tranh vô cùng nặng nề ở Việt Nam, nhất là do tác động từ chất độc da cam của Mỹ. Cho dù cuộc chiến đã đi qua hơn 40 năm nhưng những di sản của cuộc chiến vẫn còn hét sức nặng nề,” bà Hằng nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội và chính phủ Mỹ gần đây khi có những bước đi giải quyết hậu quả chiến tranh đối với người dân Việt Nam.

Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan) mở phiên tòa vào tháng 10-2016 - Ảnh: Greenpeace
Tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan) mở phiên tòa vào tháng 10-2016 - Ảnh: Greenpeace

Trước đó, như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 18-4 (giờ địa phương), bà Françoise Tulkens, chủ tọa tòa án quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan), đã công bố kiến nghị tham vấn dày 60 trang kết luận tạp đoàn Monsanto đã vi phạm nhân quyền. Theo đó, các thẩm phán xác nhận Monsanto đã hủy diệt môi trường và gây thiệt hại cho người dân Việt Nam.

Monsanto kinh doanh các sản phẩm độc hại làm hàng ngàn người thiệt mạng như hoạt chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ Roundup hay hóa chất 2,4,5-trichlorophenoxyacetic acid trong chất độc da cam được máy bay quân đội Mỹ rải trong chiến tranh Việt Nam.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên