04/09/2024 16:48 GMT+7

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo 'nóng' vụ bạo lực trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có công điện gửi chủ tịch UBND TP.HCM về xử lý vụ bạo lực trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng.

Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo khẩn vụ bạo lực trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra mái ấm Hoa Hồng sáng 4-9 - Ảnh: NGỌC KHẢI

Chiều 4-9, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa có công điện gửi chủ tịch UBND TP.HCM về xử lý vụ bạo lực trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng, quận 12, TP.HCM và tăng cường bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng.

Xử lý nghiêm cá nhân bạo lực trẻ em

Theo công điện, báo Thanh Niên có đăng bài "Tội ác trong một mái ấm”, kèm theo hình ảnh và clip về tình trạng bạo lực trẻ em nghiêm trọng tại mái ấm Hoa Hồng, L52 Tô Ký, Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM.

Theo nội dung đăng tải, nhiều bảo mẫu tại mái ấm Hoa Hồng đã có hành vi đánh, bóp, tát… nhiều trẻ em từ 1-2 tuổi đang được nuôi dưỡng.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, xác minh vụ việc trên và thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực.

Việc thực hiện theo hướng dẫn tại nghị định 56/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

Thực hiện điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo kết quả thực hiện các nội dung trên về bộ trước ngày 6-9.

Người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị việc rà soát, thanh kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ở TP.HCM theo nghị định 103/2017 của Chính phủ về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.

Xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và gửi bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 6-11.

Làm sao để hạn chế bạo lực trẻ em?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 4-9, ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết thêm cơ quan chức năng tại TP.HCM đang thực hiện đúng nghị định 56/2017 của Chính phủ. 

Đó là trường hợp trẻ chưa có người nhận chăm sóc, thay thế thì phải cách ly trẻ và đưa các em vào các trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng rồi phân loại, xác định đưa về gia đình (nếu còn).

“Trước mắt các em sẽ được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ, sau đó được tìm các gia đình chăm sóc, thay thế”, ông Nam cho hay.

Về lâu dài, theo ông Nam, chủ trương vẫn khuyến khích các cơ sở tư nhân mở cơ sở bảo trợ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, đặc biệt là những em bị bỏ rơi.

Song cơ quan chức năng phải thường xuyên rà soát, kiểm tra việc đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn chăm sóc trẻ.

Ví dụ cơ sở vật chất đầy đủ không, có hệ thống camera giám sát thế nào, người chăm sóc có được đào tạo, huấn luyện hay không, phẩm chất ra sao, có hành vi bạo hành trẻ chưa.

“Quan trọng nhất là việc phòng ngừa, thanh kiểm tra thường xuyên, sàng lọc dấu hiệu vi phạm vì nếu để xảy ra, hậu quả sẽ rất đau lòng”, ông chia sẻ.

Cục trưởng Nam nói thêm chính người thực hiện, người trực tiếp chăm sóc trẻ như bảo mẫu hay người đứng đầu cơ sở nhận nuôi trẻ cũng phải bị giám sát, kiểm tra thường xuyên.

Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo khẩn vụ bạo lực trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng - Ảnh 2.UBND TP.HCM chỉ đạo xử nghiêm việc trẻ bị bạo hành ở mái ấm Hoa Hồng

Phó chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm tại mái ấm Hoa Hồng theo pháp luật.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên