09/11/2023 19:36 GMT+7

Bộ lẫn tỉnh giải tỏa không được cái 'nhà nghỉ' cũ của công nhân đường sắt

Năm 2018 khởi công dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 624, Quảng Ngãi lên phương án đền bù giải phóng mặt bằng 'nhà xuống ban' của ngành đường sắt, đến nay vẫn chưa được. Vì sao giải tỏa khối nhà cấp 4 xuống cấp, rộng khoảng 250m2 lại khó khăn đến vậy?

"Nhà xuống ban" của đường sắt muốn giải tỏa phải thủ tục rất nhiều - Ảnh: TRẦN MAI

"Nhà xuống ban" của đường sắt muốn giải tỏa phải thủ tục rất nhiều - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Hoàng Minh Thiện - trưởng phòng quản lý dự án 2, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi - là người trực tiếp làm việc với ngành đường sắt nhiều năm qua, cũng phải thở dài nhìn nhận "giải tỏa 'nhà xuống ban' của ngành đường sắt khó không tưởng".

Nhiêu khê thủ tục giải tỏa

Ông Thiện cho biết năm 2018 khi dự án nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 624 có thiết kế, chủ đầu tư gửi thiết kế đường và nút giao nhau cho nhiều đơn vị của ngành đường sắt thông qua. Làm việc xong, chủ đầu tư về điều chỉnh, thuê đơn vị thiết kế nút giao từ rào chắn, nhà gác, đèn tín hiệu... theo đúng quy chuẩn của đường sắt.

"Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư lại xin cấp phép thi công đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt. Rồi lập phương án giải phóng mặt bằng 'nhà xuống ban' là tài sản của ngành đường sắt ở vị trí mở rộng tuyến đường. Lúc này phát sinh thủ tục hành chính phức tạp khó lường", ông Thiện nhớ lại.

Ông Thiện đã làm việc trực tiếp và gửi văn bản cho một loạt đơn vị như Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty 90, 91 (đơn vị đấu thầu quản lý toàn bộ hệ thống đường sắt Việt Nam), Phân ban quản lý đường sắt khu vực (vai trò hợp đồng với nhiều đơn vị duy tu bảo dưỡng đoạn đường sắt phân ban quản lý), Công ty cổ phần đường sắt Nghĩa Bình...

"Bước đầu giải phóng mặt bằng đã mời Phân ban đường sắt vào kiểm kê tài sản. 

Lúc này, phân ban yêu cầu khi nào có giấy phép thi công mới phối hợp. Khi có giấy phép thi công, phân ban lại nói phải xin ý kiến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam", ông Thiện kể lại đoạn trường.

Bí thế, tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải "nhờ giúp", bộ chỉ đạo Cục Đường sắt, cục ủy quyền Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tổng công ty lại giao Phân ban đường sắt xử lý. Phân ban vào lần nữa, bảo đây là tài sản của ngành đường sắt. 

"Nhưng 'nhà xuống ban' là tài sản công cấp 1 do Bộ Tài chính quản lý, phân ban không có thẩm quyền", ông Thiện cho biết.

Bà Đào Thị Hào (69 tuổi) từng là nhân viên đường sắt, sinh sống trong 'nhà xuống ban' từ năm 1987 đến nay

Bà Đào Thị Hào (69 tuổi) từng là nhân viên đường sắt, sinh sống trong 'nhà xuống ban' từ năm 1987 đến nay

Cố gắng tháo gỡ nhưng bất lực

Quá nhiều thủ tục phát sinh, nhưng chủ đầu tư kiên trì đeo bám để mở rộng tỉnh lộ 624. Cục Đường sắt sau đó cử người vào kiểm tra hiện trạng "nhà xuống ban" và yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi phải tái định cư một thửa đất đúng với diện tích và xây dựng lại khối nhà. Khổ nỗi, thủ tục giải phóng mặt bằng vẫn không có lối ra.

Đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng về Quảng Ngãi làm việc, Quảng Ngãi đưa vấn đề cực kỳ khó xin thủ tục giải phóng mặt bằng "nhà xuống ban". Bộ trưởng đốc thúc, khoảng 6 tháng sau nhiều đơn vị liên quan có văn bản trả lời. Nhưng không biết làm việc với đơn vị nào, tháo gỡ từ đâu để giải tỏa được "nhà xuống ban".

"Tài sản công cấp 1 phải xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính. Nhưng thêm rắc rối phát sinh là sổ đỏ lại đứng tên Công ty cổ phần đường sắt Nghĩa Bình (đơn vị đã cổ phần hóa, nhà thầu thi công bảo dưỡng đường sắt). Vậy đền bù cho ai, tái định cư sổ đỏ mới đứng tên ai...", ông Thiện kể về những rối rắm.

Quảng Ngãi hết kiên nhẫn theo đuổi thủ tục giải phóng tài sản công cấp 1, "nhà xuống ban" của đường sắt

Quảng Ngãi hết kiên nhẫn theo đuổi thủ tục giải phóng tài sản công cấp 1, "nhà xuống ban" của đường sắt

Bộ trưởng tiếp tục chỉ đạo, Cục Đường sắt vào làm việc lần nữa. Dù rất nhiệt tình giúp nhưng Cục Đường sắt chỉ đưa bộ hồ sơ để Quảng Ngãi học tập kinh nghiệm từ việc giải tỏa một tài sản công tương tự ở một ga đường sắt phía Bắc.

"Theo hồ sơ này thì phương án bồi thường phải lấy ý kiến rất nhiều bên như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt... Bộ hồ sơ cực kỳ nhiều thủ tục. Hỏi ra mới biết nếu bắt đầu làm, nhanh nhất 2 năm nữa mới thực hiện xong. Có nghĩa là đến năm 2025 may đâu xong thủ tục, rồi mới giải phóng mặt bằng khối nhà đó", ông Thiện nói.

Quá nản, không thể tiếp tục chờ tìm ra cách giải phóng mặt bằng "nhà xuống ban", chủ đầu tư xin điều chỉnh dự án. Tháng 8-2023, UBND tỉnh ra quyết định điều chỉnh dự án, giữ nguyên mặt đường tỉnh lộ 624 tại điểm giao nhau với đường sắt.

Bên trong "nhà xuống ban" của đường sắt hiện nay

Bên trong "nhà xuống ban" của đường sắt hiện nay

Sau mấy năm, Quảng Ngãi không còn kiên nhẫn theo đuổi việc giải tỏa căn nhà này nữa

Sau mấy năm, Quảng Ngãi không còn kiên nhẫn theo đuổi việc giải tỏa căn nhà này nữa

Nếu giải tỏa được, tuyến đường sẽ đi xuyên qua "nhà xuống ban" và rộng từ 7m lên 12m

Nếu giải tỏa được, tuyến đường sẽ đi xuyên qua "nhà xuống ban" và rộng từ 7m lên 12m

Điều chỉnh tỉnh lộ nhỏ lại vì không giải tỏa được nhà thuộc ngành đường sắtĐiều chỉnh tỉnh lộ nhỏ lại vì không giải tỏa được nhà thuộc ngành đường sắt

Còn 1% khối lượng, hai năm làm mãi không xong vì không giải tỏa được nhà đường sắt, Quảng Ngãi phải điều chỉnh mặt đường nhỏ lại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên