Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về khắc phục sự cố trật bánh tàu tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM đoạn qua địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo phản ảnh của báo chí và ý kiến của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về các vụ tàu trật bánh, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng đường sắt, đầu máy, toa xe để xác định nguyên nhân xảy ra sự cố.
Trên cơ sở đó, hai đơn vị triển khai phương án xử lý, khắc phục triệt để nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu và báo cáo Bộ Giao thông vận tải các nội dung bất cập để được xử lý theo thẩm quyền.
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, xây dựng các giải pháp đảm bảo an toàn chạy tàu.
Đồng thời thực hiện công tác bảo trì, để duy trì trạng thái kỹ thuật công trình đường sắt được hoạt động bình thường, nhằm đảm bảo an toàn công trình, an toàn chạy tàu.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm trước bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trường hợp tiếp tục xảy ra sự cố trật bánh tại khu vực đường sắt đi qua huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, chỉ trong vòng hơn hai tháng có tới sáu vụ tàu trật bánh tại đoạn đường sắt qua tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, sáu vị trí tàu trật bánh nằm trong phạm vi chỉ khoảng 30km. Có những vị trí trật bánh nằm cách nhau không xa.
Bốn sự cố trật bánh của tàu SE11 xảy ra ngày 28-7, tàu SE2 xảy ra ngày 7-8 và ngày 31-8, tàu SE6 xảy ra ngày 15-9 được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kết luận phần lớn do lỗi của toa xe hoặc lỗi cộng hưởng.
Đặc biệt trong ngày 28-9, tàu hàng H16 và tàu AH1 cùng trật bánh tại khu vực giữa hai ga Lăng Cô - Thừa Lưu. Nguyên nhân do Công ty cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên thi công đường không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Theo một chuyên gia đường sắt, việc xảy ra sáu vụ tàu trật bánh tại cùng một địa bàn trong thời gian ngắn như trên là chuyện hiếm xảy ra ở đường sắt từ trước tới nay. Vì vậy, cần thiết phải có cơ quan điều tra độc lập vào phân tích để đánh giá nguyên nhân một cách toàn diện hiện tượng này.
Lập tổ công tác hiện trường khắc phục dứt điểm sự cố tàu trật bánh
Ngay sau vụ hai tàu hàng cùng trật bánh trong ngày 28-9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lập tổ công tác kiểm tra hiện trường, do Phó tổng giám đốc Trần Anh Tuấn là tổ trưởng.
Tổ công tác được giao trách nhiệm phải đảm bảo có mặt trong vòng một tháng tại hiện trường để xử lý, chỉ đạo khắc phục dứt điểm, đảm bảo tuyệt đối cho an toàn chạy tàu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận