Trong bản tiếp thu ý kiến, Bộ GD-ĐT khẳng định cấp tiểu học sẽ đảm bảo để những địa phương chỉ có điều kiện dạy 5 buổi/tuần vẫn thực hiện được đầy đủ nội dung giáo dục cốt lõi. Trong ảnh: một buổi học nhóm của học sinh Trường tiểu học Yên Thế, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Hơn 200 bài viết góp ý trên các báo, với trên 400 ý kiến chia sẻ dưới các bài viết, cùng ý kiến gửi trực tiếp về Bộ GD-ĐT của các chuyên gia, nhà giáo từ khắp các tỉnh thành trên toàn quốc, được Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tập hợp.
Ngoài các nội dung đã được đồng thuận, ủng hộ, nhiều ý kiến phản biện tập trung vào hệ thống môn học, điều kiện dạy học, lộ trình thực hiện.
Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên phân chia các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình mới thành 2 loại: bắt buộc và tự chọn (thay thế cho 4 loại trong dự thảo chương trình tổng thể - PV), đồng thời trong kế hoạch giáo dục của mỗi cấp học nên tách riêng các môn học với các hoạt động giáo dục; rà soát, điều chỉnh hệ thống và tên môn học, hoạt động giáo dục, cùng với việc phân bổ thời lượng giáo dục bảo đảm tính khoa học, khả thi, tường minh, dễ hiểu, dễ nhớ và giảm tải cho học sinh.
Về vấn đề phân luồng, định hướng nghề nghiệp, các ý kiến phản biện cho rằng nên thực hiện dạy học phân hóa từ lớp 10; điều chỉnh hệ thống môn học bắt buộc, tự chọn ở các lớp 10, 11, 12 bảo đảm thống nhất theo yêu cầu định hướng nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện Việt Nam; điều chỉnh cách thức học sinh tự chọn môn học để vừa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, vừa có tính khả thi đối với khả năng vận dụng linh hoạt của nhà trường.
Về thời lượng giáo dục, các ý kiến đề nghị điều chỉnh giảm thời lượng/năm học của một số môn học, bảo đảm thời lượng giáo dục trung bình của các lớp trong chương trình mới không cao hơn chương trình hiện hành.
Điều chỉnh kế hoạch giáo dục hướng tới dạy học 2 buổi/ngày, nhưng phải bảo đảm cho các trường chỉ có điều kiện dạy học 5 buổi/tuần (tối đa 25 tiết/tuần) vẫn thực hiện được đầy đủ nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc thống nhất trong toàn quốc, đồng thời chương trình có phần mở dành cho các trường tổ chức học 2 buổi/ngày ở các địa phương có các điều kiện đảm bảo.
Nhiều ý kiến cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT giải thích rõ việc đã và đang chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện được chương trình mới, bày tỏ băn khoăn về việc triển khai chương trình - sách giáo khoa mới quá vội.
Đặt ưu tiên cao nhất là đảm bảo chất lượng Trong bản tiếp thu ý kiến, góp ý, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ rà soát hệ thống môn học, hoạt động giáo dục. Theo đó, cấp tiểu học sẽ đảm bảo để những địa phương chỉ có điều kiện dạy 5 buổi/tuần vẫn thực hiện được nội dung giáo dục cốt lõi. Việc dạy học phân hóa sẽ bắt đầu từ lớp 10, điều chỉnh lại hệ thống môn học bắt buộc, tự chọn ở bậc học này để phù hợp với định hướng nghề nghiệp như ý kiến góp ý, phù hợp với điều kiện dạy học ở các địa phương khác nhau. Bộ GD-ĐT cũng cho biết đang tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên, điều kiện dạy học trên cả nước, để có các bước chuẩn bị, đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình - sách giáo khoa mới. “Bám sát lộ trình đề ra nhưng không nóng vội, duy ý chí, đặt ưu tiên cao nhất là đảm bảo chất lượng”, đây là quan điểm của Bộ GD-ĐT trong bản tiếp thu góp ý này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận